
Quảng trường Thánh Phêrô, hình chụp ngày 3 tháng 4 năm 2016 (Ảnh: Alexey Gotovsky / CNA)
Thư ký của Hội đồng Giáo hoàng về Đối thoại Liên tôn của Vatican đã lập luận rằng khi chủ nghĩa bộ lạc và nền chính trị bản sắc gia tăng, Giáo hội Công giáo nên hợp tác với các tôn giáo khác để thúc đẩy Tinh thần huynh đệ nhân loại.
“Ngày nay chúng ta có một vấn đề về bản sắc, một cuộc khủng hoảng về bản sắc. Một cuộc khủng hoảng khẳng định danh tính của một người… và loại trừ những người khác”, Linh mục Indunil Janakaratne Kodithuwakku Kankanamalage phát biểu với CNA vào đầu tuần này.
Vị linh mục người Sri Lanka cũng chia sẻ rằng “ngày nay chúng ta nhận thấy rằng chủ nghĩa bộ lạc đang nổi lên trở lại…” Chủ nghĩa bộ lạc, linh mục Kankanamalage giải thích, khẳng định “nhóm của bạn phải trả giá vì những người khác” và dẫn đến sự phân biệt đối xử.
“Tinh thần huynh đệ nghĩa là bạn cố gắng chào đón những người khác như anh chị em bất chấp sự khác biệt của họ… Chúng ta thuộc về một gia đình. Chúng ta là anh chị em với nhau. Điều này cũng mang đậm tính Kitô giáo”.
Linh mục Kankanamalage đến từ Giáo phận Badulla ở Sri Lanka, nơi ngài được thụ phong linh mục vào năm 2000. Ngài đã phục vụ tại Hội đồng Giáo hoàng về Đối thoại Liên tôn (PCID) trong suốt 8 năm, đầu tiên là Trợ lý thư ký và giờ đây là Phó tổng thư ký của Hội đồng này.
Linh mục Kankanamalage đã có cuộc trò chuyện với CNA sau khi xuất bản tài liệu “Phục vụ một Thế giới bị Tổn thương trong Tinh thần Liên đới Liên tôn”, một dự án chung của Hội đồng Giáo hoàng về Đối thoại Liên tôn và Hội đồng các Giáo hội Thế giới (WCC).
WCC là một cơ quan đại kết toàn cầu được thành lập vào năm 1948. Giáo hội Công giáo không phải là thành viên của tổ chức này, mặc dù Giáo hội luôn cử các quan sát viên chính thức tham dự các cuộc họp.
Linh mục Kankanamalage cho biết PCID đã có sự hợp tác liên tục với WCC và các thành viên của hai cơ quan nhóm họp hàng năm. “Phục vụ một Thế giới bị tổn thương” được xuất bản ngày 27 tháng 8, là tài liệu chung mới nhất của họ.
“Mọi người bị tổn thương vì đại dịch này… Và sau đó chúng ta cũng có những vết thương khác”, Phó tổng thư ký PCID nói. Linh mục Kankanamalage đặc biệt đề cập đến vấn đề phân biệt chủng tộc, bất khoan dung tôn giáo, phân biệt đối xử, sự bất công về kinh tế và sinh thái, cũng như những bất công mà những người di cư và các tù nhân phải đối mặt.
Linh mục Kankanamalage cho biết rằng lý do PCID muốn giải quyết những vết thương này từ góc độ đại kết và liên tôn là vì “ở đây chúng ta hiện đang lâm vào một tình huống mà trong đó tất cả chúng ta đều bị tổn thương. Không chỉ một tôn giáo hay một quốc gia hay một khu vực của thế giới”.
“Toàn bộ nhân loại đang bị tổn thương và ở đây chúng ta cần phải phản ứng một cách thống nhất”, Linh mục Kankanamalage giải thích.
Tôn giáo có sức mạnh để “biến đổi nội tâm con người”, Linh mục Kankanamalage lưu ý. “Nguồn cảm hứng cho những người Kitô hữu chúng ta phát xuất từ Giáo huấn Kitô giáo của chúng ta. Và chúng ta cũng có thể thấy rằng các tôn giáo khác cũng đang ứng phó với cuộc khủng hoảng này dựa trên những giáo huấn tương ứng của họ”.
“Phản ứng của chúng ta phải là một phản ứng toàn diện”.
“Phục vụ một Thế giới bị tổn thương” lập luận rằng, đối với những người Kitô hữu, nền tảng cho “tinh thần liên đới liên tôn” được tìm thấy nơi Thiên Chúa Ba Ngôi. Tài liệu này đưa ra các nguyên tắc để thể hiện tinh thần liên đới này trong bối cảnh đại dịch toàn cầu đã cướp đi sinh mạng của hơn 822.000 người.
Ấn phẩm dài 24 trang cũng đưa ra một loạt các khuyến nghị, thúc giục các Kitô hữu “cổ võ văn hóa của chủ trương ‘bao hàm’ (inclusivism), tôn vinh sự khác biệt như món quà của Thiên Chúa” và tạo “không gian cho các cuộc đối thoại”.
“Hội đồng Giáo hoàng về Đối thoại Liên tôn hiện đang thực sự tập trung vào việc quảng bá tài liệu này”, Linh mục Kankanamalage nói.
Theo Linh mục Kankanamalage, nền tảng của tài liệu “mang đậm tính Kitô giáo”. Linh mục Kankanamalage cũng đã trích dẫn một số đoạn trong Cựu ước và Tân ước và Dụ ngôn người Samaritanô Nhân hậu để minh họa các giá trị chung.
“Chúng ta có các giá trị phổ quát: yêu người lân cận, lòng trắc ẩn. Tất cả những điều này đều là những giá trị phổ quát dựa trên Kitô giáo”, Linh mục Kankanamalage nói. “Dựa trên những nỗ lực của chúng ta về những điều này, chúng ta có thể giải quyết những vấn đề này một cách thống nhất bất chấp sự khác biệt của chúng ta”.
Linh mục Kankanamalage cũng đã đề cập đến sự nhấn mạnh của Đức Giáo hoàng Phanxicô về các giá trị tương tự.
“Đức Thánh Cha Phanxicô thường nói về việc nuôi dưỡng một nền văn hóa của lòng bác ái bao dung, một nền văn hóa huynh đệ, một nền văn hóa của sự gặp gỡ”, Linh mục Kankanamalage nói.
Đã có thông tin rộng rãi rằng Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ công bố một Thông điệp, thông điệp thứ ba trong Triều đại Giáo hoàng của ngài, về chủ đề Tinh thần Huynh đệ Nhân loại vào đầu tháng Mười.
Minh Tuệ (theo CNA)