Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện luật phòng, chống tham nhũng của UBND TP Sài Gòn cho biết, Thanh tra thành phố đã thực hiện 2.451 cuộc thanh tra kinh tế – xã hội. Qua đó phát hiện sai phạm về kinh tế hơn 2.194 tỷ đồng và 39.130 USD. Sai phạm về quản lý, sử dụng trên 3.154 mét vuông đất, sử dụng không đúng đối tượng 9 căn nhà, 2 đất nền tái định cư. Thanh tra các sở ngành cũng thực hiện 205.468 cuộc thanh kiểm tra chuyên ngành. Kết quả phát hiện và ban hành 241.654 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền phạt hơn 717 tỷ đồng.
Từ 2006 đến 2015, Công an thành phố thụ lý điều tra 152 vụ án tham nhũng, chức vụ với 463 bị can. Tổng giá trị tài sản thiệt hại, phạm tội trên 600 tỷ đồng và 136 nghìn USD. Viện Kiểm sát nhân dân thành phố cũng đã thụ lý 151 vụ với 396 bị can. Đem ra xét xử 140 vụ với 323 bị can.
Vẫn theo báo cáo trên, đối tượng phạm tội chủ yếu – tức giai cấp “thảm nhung” – chính là cán bộ, đảng viên, nhân viên thừa hành nhiệm vụ, lãnh đạo các cơ quan quản lý nhà nước, các công ty, đơn vị sự nghiệp… Các đối tượng này đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao, lợi dụng sơ hở trong công tác quản lý, kiểm tra của cơ quan, đơn vị để chiếm đoạt tài sản Nhà nước hoặc nhũng nhiễu người dân, ăn hối lộ… Điển hình các vụ nổi cộm như Huỳnh Ngọc Sỹ phạm tội nhận hối lộ xảy ra tại Ban Quản lý dự án đại lộ Đông Tây, vụ Lê Dũng cùng 46 bị can khác phạm tội “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, buôn lậu” xảy ra tại Công ty Cổ phần Thực phẩm công nghệ Sài Gòn v.v.
Đáng “mệt” cho người dân khi báo cáo đánh giá số lượng tội phạm tham nhũng ngày càng đông, ngày càng phạm tội có tổ chức, quy mô ngày càng rộng và phức tạp. Trong các loại tội phạm về tham nhũng trong 10 năm qua, số vụ và bị cáo bị truy tố về tội “tham ô tài sản” chiếm tỷ lệ cao nhất hơn 59% (118/199 vụ).
Chưa hết, công tác được cho là quan trọng trong phòng, chống tham nhũng là thu hồi tài sản tham nhũng cũng vấp phải những bất cập lớn. 10 năm qua, số tiền mà Tòa án nhân dân thành phố đã tuyên tịch thu từ các vụ án liên quan đến tham nhũng, lên đến hàng ngàn tỷ đồng. Tuy nhiên, do các bị cáo rất tinh vi chuyển giao tài sản cho người khác, nên công tác tịch thu, thu hồi các loại tài sản này gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều vụ án tòa án tuyên thu hồi cả trăm tỷ đồng nhưng kết quả thi hành án trong việc thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng thì lại là con số không đáng kể. Cụ thể, tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng năm 2013 chỉ đạt 10% và năm 2014, Nhà nước chỉ thu hồi được khoảng 1.500 tỷ đồng trên tổng số 6.740 tỷ đồng thiệt hại từ các vụ án tham nhũng, đạt tỷ lệ 22%.
Ngoài ra, việc chứng minh, truy tìm, thu giữ, quản lý tài sản do phạm tội tham nhũng mà có, được cho là một trong những khó khăn nhất hiện nay, xuất phát từ việc sử dụng tiền mặt. Chính sách pháp luật trong những năm qua cũng chưa thực sự đảm bảo sự ổn định cần thiết, dẫn đến nhiều tài sản không chứng minh được nguồn gốc. Một số vụ việc không thể xử lý tội phạm tham nhũng mà chỉ có thể xử lý tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, hoặc tội phạm khác. Do đó, việc thu hồi tài sản tham nhũng không thể thực hiện được.
Cam Châu