Có những việc người ta có thể làm bất cứ lúc nào, nhưng có những việc, nếu bỏ lỡ thời cơ, sẽ chẳng bao giờ làm được nữa.
Sau khi khải hoàn vào thành Giêrusalem thực hiện hành vi mang tính ngôn sứ, Đức Giêsu lui về Bêtania, ngụ trong ngôi nhà tràn đầy tình thương của chị em cô Mácta, trước khi bước vào cuộc khổ nạn. Mácta tỏ lòng yêu quý Đức Giêsu bằng tài khéo nội trợ. Còn cô Maria, hướng cái nhìn đến một sự thánh thiện cao cả trong tình yêu.
Lòng yêu mến giúp cô vượt qua mọi rào cản, dẫn cô đến gần Đức Giêsu, dâng hiến cho Người một món quà đặc biệt. Lấy một cân dầu thơm cam tùng hảo hạng, cô xức chân Đức Giêsu và lấy tóc mình mà lau, để thể hiện lòng hiếu khách và lòng biết ơn sâu sắc vì Chúa đã làm cho Ladarô em cô vừa sống lại.
Xức dầu trên đầu người nào là làm cho người ấy được tôn vinh và người xức dầu cũng được vinh dự. Cô Maria không nghĩ mình xứng đáng làm việc ấy, mà chỉ dám xức dầu lên chân Người, rồi lấy tóc mình lau chân cho Người.
Theo phong tục người Do thái, xõa tóc trước mặt mọi người là dấu hiệu của một phụ nữ trắc nết, là hành vi bất cẩn, mọi người có thể nghĩ xấu về người mình xức dầu. Đức Giêsu biết Maria yêu mến Người đến nỗi bất chấp thiên hạ có thể nghĩ gì về điều ấy. Người chẳng hề ngại ngần, mà trân trọng đón nhận hành vi yêu mến cô Maria dành cho mình.
Ngôn ngữ của tình thương chỉ có người đang sống trong tình thương mới hiểu được tính “nguyên chất và quý giá”, và những hành vi yêu thương, chỉ có giá trị cao nhất khi đặt trong bối cảnh yêu thương, được trân trọng nhất giữa những người mình yêu thương. Chính tình thương ấy khi hòa quyện với nhau sẽ tỏa ngát hương của tấm lòng, của sự quý mến, làm nức lòng người, và khó phai trong ký ức.
Đang khi mọi người trong bàn tiệc còn bất ngờ trước hành vi của cô Maria và ngây ngất trong mùi hương, thì Giuđa lại xen vào “phá bĩnh”. Sự phản đối quyết liệt của ông bộc lộ thói ích kỷ đầy toan tính. Ông nhân danh người nghèo để coi đó là phí phạm, nhưng Đức Giêsu tự nhận mình là một người nghèo đặc biệt “không có mãi đâu”, và coi hành động này như việc mai táng Người sắp tới. Nghĩa tử là nghĩa tận, chỉ có thể mai táng Chúa một lần thôi. Người nghèo thì người ta luôn có bên.
Có lần Đức Giêsu dạy: “Kho tàng ở đâu, lòng dạ ở đó”, và “Lòng có ứ, miệng mới thốt ra”, điều ấy hoàn toàn đúng đối với Giuđa, kẻ hay thụt két quỹ chung và là kẻ sẽ bán đứng Đức Giêsu với giá ba mươi đồng. Một khi lòng dạ gắn bó với tiền, tiền của bất chính, thì mắt chỉ hau háu nhìn vào vật chất, và như một phản xạ, định giá được giá trị của bình dầu thơm,
Giuđa bộc lộ bản chất hư hỏng là kẻ chỉ biết có tiền, chỉ yêu tiền và tôn thờ tiền, đặt mọi giá trị khác bên dưới tiền, dù là “của người, nhưng con xót”. Sự cám dỗ thường đến qua những điều người ta yêu mến. Cám dỗ tấn công Giuđa vào đúng sở trường và sở thích của ông.
Điều gì cũng được định giá bằng tiền, là cái nhìn méo mó, sai lệch. Giuđa không ở trong bầu không khí yêu thương, nên dù đang chứng kiến một hành động cao quý tỏ bày tình mến, ông ta lại suy diễn lệch lạc và đánh giá là hoang phí tiền bạc. Cách nhìn của một người tùy thuộc tâm hồn của họ, người thế nào thì nhìn sự việc như thế ấy. Thương nhau củ ấu cũng tròn, ghét nhau bồ hòn cũng méo.
Đức Giêsu như sẵng giọng với Giuđa: “Hãy để cô ấy yên”. Có những việc người ta có thể làm bất cứ lúc nào, nhưng có những việc, nếu bỏ lỡ thời cơ, sẽ chẳng bao giờ làm được nữa.
Nhiều người biết Đức Giêsu ở tại nhà anh Ladarô nên tuôn đến, vừa để gặp Người, vừa để xem Ladarô, người được Đức Giêsu cho sống lại từ cõi chết. Điều ấy khiến các giới chức Do thái quyết định thủ tiêu nhân chứng, vì Ladarô mà nhiều người tin vào Đức Giêsu. Vì họ đang cộng tác với chính quyền Rôma, được hưởng nhiều bổng lộc, địa vị, nếu dân chúng nổi loạn, ngả theo Đức Giêsu như vị Cứu Tinh dân tộc, chính quyền Rôma sẵn sàng loại bỏ họ. Kế đến, xét về phương diện thần học, họ, những người Xađốc không tin vào sự sống lại, nếu không có giải pháp, thì quyền lực, địa vị và cả giáo lý của họ sẽ bị tiêu tan.
Không chấp nhận sự thật, đặt quyền lợi mình lên trên hết, họ đang tìm cách tiêu diệt chân lý là Đức Giêsu. Họ đã tìm ra một giải pháp là phải giết cả hai, giết Đức Giêsu và anh Ladarô, nhưng cần phải có một cơ hội để thực hiện kế hoạch tăm tối đó. Họ phải nóng lòng chờ đợi, họ phải suy nghĩ, bàn bạc với nhau để tìm cho ra. Cơ hội ấy thế nào, bao giờ nó mới đến…
Jos Ngô Văn Kha CSsR