Hai lời chứng quyện vào nhau trong suốt lịch sử của Hội thánh để tin điều mình đã lãnh nhận, dạy những điều mình tin và thi hành điều mình dạy.
Thần Khí Sự Thật đối lập với thế gian dối trá. Khi Người đến, Người sẽ làm chứng về Đức Giêsu, Người sẽ dẫn các môn đệ đến Sự Thật toàn vẹn, là giúp cho các môn đệ có thể hiểu hơn về mầu nhiệm bản thân và sứ mạng của Đức Giêsu, giúp họ sống trong mối hiệp thông đích thật với Chúa Con và Chúa Cha trong cuộc sống thường ngày của họ.
Sự Thật không là một phẩm chất luân lý, nhưng như một định nghĩa về bản tính Thiên Chúa, Thiên Chúa là Sự Thật. Sự Thật này được làm sáng tỏ nơi Đức Giêsu, khi Người nói tiếng nói của sự thật, làm chứng cho sự thật và sứ mạng của Người chính là bày tỏ sự thật cho con người, để nhờ Sự Thật, người ta được ơn cứu độ. Tác giả Gioan nói bằng nhiều cách, nhưng có chung một nghĩa: “sống trong Sự Thật” hay “sống trong Thiên Chúa”, hoặc “được cứu độ”.
Tác giả Gioan khéo léo chuyển hướng từ việc Đức Giêsu xin cùng Chúa Cha và Người sẽ ban cho họ Đấng Bảo Trợ khác đến ở với họ luôn mãi, đó là Thần Khí Sự Thật (x. Ga 14,16), đến việc Đức Giêsu sẽ sai Đấng Bảo Trợ khác là Thần Khí Sự Thật phát xuất từ Chúa Cha (x. Ga 15,26) để cho thấy có sự hợp nhất chặt chẽ nên một giữa Người và Chúa Cha. Đồng thời cho thấy sự cần thiết của lý do Đức Giêsu phải ra đi.
Không những Thần Khí Sự Thật sẽ làm chứng về Đức Giêsu, mà các môn đệ cũng sẽ làm chứng cho Người, vì họ được ở với Người ngay từ đầu. Có cả hai bên làm chứng, điều được công bố ra mới đáng tin. Các môn đệ sẽ làm chứng về những gì họ đã kinh nghiệm qua các giác quan và đã trải nghiệm trong tâm hồn, còn Thần Khí Sự Thật sẽ làm chứng bằng cách khơi lên trong lòng người nghe khát khao hướng về Chân Lý, mong ước được biết về Sự Thật và thúc đẩy người ta đi tìm Sự Thật toàn vẹn.
Hai lời chứng ấy sẽ quyện vào nhau trong suốt lịch sử của Hội thánh, của từng tín hữu trong mọi hoàn cảnh sống, bảo đảm cho đức tin vào Đức Giêsu, Đấng Cứu Độ duy nhất là đúng đắn với tất cả kinh nghiệm bản thân về đức tin: tin điều mình đã lãnh nhận, dạy những điều mình tin và thi hành điều mình dạy, dưới sự Bảo Trợ của Thần Khí Sự Thật.
Cũng vì làm chứng cho Sự thật, các môn đệ, trong suốt dòng lịch sử sẽ bị bách hại. Đức Giêsu không che dấu điều này, nhưng Người nói ra khi còn ở với họ, để họ không vấp ngã.
Lúc Gioan viết những dòng này, đã có một số Kitô hữu đã sa ngã vì Hội Thánh bị bách hại. Giữa những vị anh hùng sẵn sàng chết vì đạo Chúa trong Hội Thánh, vẫn có một số người chối đạo, bỏ đạo vì không chịu đựng sự bắt bớ, không đủ kiên trì để vượt qua cơn nguy khốn.
Đức Giêsu đề cập đến hai cách mà người tin có thể bị bắt bớ. Thứ nhất, họ có thể bị khai trừ khỏi hội đường. Với người Do Thái, hình phạt này giống như vạ tuyệt thông, với những người khác, là bị kỳ thĩ, bị ruồng rẫy, thậm chí là bị săn lùng. Thứ hai, họ có thể là nạn nhân của tấn thảm kịch tôn giáo, khi bị kết án là tà giáo bởi chính những người đồng đạo, mà những người này cứ tưởng việc họ đang làm là phục vụ Chúa.
Đức Giêsu tiên báo những điều ấy, với nguyên nhân là vì người ta không nhận biết Thiên Chúa và xa lạ với chính Người. Thảm kịch tôn giáo hôm nay vẫn xảy ra, khi người ta bỏ đi đức tin chân chính trong Hội thánh, chống đối Đức Giáo Hoàng, bôi nhọ hàng Giáo phẩm, ra sức truyền bá những điều sai lạc về đạo. Còn có cả những người trong Hội thánh chủ trương độc quyền về chân lý và ân sủng của Thiên Chúa, vẫn gây chướng ngại ngăn trở hiệp nhất và thống nhất các giáo hội với nhau.
Jos Ngô Văn Kha CSsR