“Giữa trời và đất, chỉ còn Lòng thương xót và người được xót thương”
Đức Giêsu bị các luật sỹ và người biệt phái cáo buộc là không tuân giữ lề luật Thiên Chúa, hay tiếp xúc thân mật, ăn uống với những người tội lỗi. Họ phản đối cách xử sự của Đức Giêsu và muốn chứng tỏ cho Người thấy rằng chỉ lối sống của họ mới phù hợp với lề luật, mới theo thánh ý Thiên Chúa. Là cái gai trong mắt họ, Đức Giêsu luôn bị họ dò xét tìm cớ để làm cho Người mất danh dự, để tố cáo. Vì thế, Đức Giêsu luôn bị họ tìm cách gây hấn bằng những cuộc tranh luận về đạo lý và truyền thống, về lề luật, nhất là về những lời rao giảng của Người.
Thời cơ đã đến, một sự cố xảy ra và họ chụp ngay lấy cơ hội này, giăng một cái bẫy để cố ý triệt hạ uy tín của Đức Giêsu, làm cho Người phải lọt vào bẫy để muôn đời Người sẽ bị chê cười là kẻ bịp bợm, dối trá, mị dân.
Sáng sớm hôm ấy, trong tuần lễ cuối cùng của cuộc đời Đức Giêsu, Người đang giảng dạy tại Đền Thờ giữa một đám đông, những người luật sỹ và biệt phái dẫn đến cho Người một phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình. Chuẩn bị bẫy.
Ngoại tình phải có hai người, tại sao chỉ bắt mỗi người phụ nữ? Nếu người đàn ông kia trốn thoát, phải chờ bắt được đã, rồi xử thì mới đúng luật (Lv 20,10).
Có lẽ các đối thủ của Đức Giêsu đã quá vội vàng tận dụng dịp may hiếm có này để đẩy Đức Giêsu vào thế bí. Họ để người phụ nữ đứng giữa với cáo trạng và án tử rõ ràng và hỏi thử Đức Giêsu: “Còn Thầy, Thầy nghĩ sao?” Cái bẫy được giăng ra.
Nếu Đức Giêsu đồng thuận với án xử tử kẻ có tội, Người công khai ném đá trước, và hòn đá ác nghiệt đó sẽ phá tan tất cả giáo huấn xót thương và tha thứ trước đây của Người, mặt nạ rơi xuống, mọi người sẽ thấy Người chỉ là vị thầy giả hiệu, mị dân. Nếu Đức Giêsu xót thương và tha thứ cho người phụ nữ, đám đông sẽ thấy Người công khai phá hủy lề luật. Như thế, Người tự kết án tử cho chính mình. Cái bẫy khép lại. Không lối thoát.
Hết sức bình thản, Đức Giêsu cúi xuống viết gì đó trên đất. Mọi người căng thẳng chờ đợi giây phút quyết định. Các đối thủ tự tin, dồn nén sự hả hê, mãn nguyện đang chực chờ bùng phát, vì thấy Đức Giêsu cúi đầu xuống như “con mồi” thúc thủ trong bước đường cùng. Ánh mắt cuồng căm của họ háo hức chờ đợi thấy Người quằn quại trong đau đớn, tủi nhục và thê lương. Có người nói, không gì sướng cho bằng khi thấy kẻ thù mình sa cơ thất thế, và đây là sự thất thế không thể đảo ngược, không còn cơ hội sống sót nào nữa. Còn người phụ nữ ngoại tình thì cam chịu “chết lặng” trong tội của mình.
Nhưng điều kỳ diệu bất ngờ xảy ra, xoay chuyển tình thế một cách ngoạn mục. Đức Giêsu ngẩng đầu lên lên và bảo: “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá ném trước đi”. Không thể định đoán được câu trả lời đầy khôn ngoan, không phải khôn ngoan của xác thịt, của thế gian, nhưng là sự khôn ngoan của Thần Khí khởi hứng cho Đức Giêsu, không những thoát khỏi hế tiến thoái lưỡng nan, mà còn làm chưng hửng mọi kẻ thù.
Sự ngạo nghễ, kiêu hãnh của họ bị triệt hạ chỉ bằng một câu nói của Đức Giêsu như lưỡi gươm sắc bén của Thần Khí xoáy vào tâm hồn, chỗ thẳm sâu nhất, phân tách tâm với linh. Họ không ngờ Đức Giêsu lại đẩy họ đến chỗ phải công khai đối diện với mọi người, với lương tâm của mình, với Thiên Chúa là Đấng hằng thông suốt mọi sự. Giữa đám đông đang hiện diện xung quanh và chăm chú theo dõi nhất cử nhất động, họ không thể tìm ra được một, dù chỉ một lý do biện minh cho tình trạng vô tội của mình được.
Đức Giêsu lại cúi xuống, viết gì đó trên mặt đất. Người cho họ có thì giờ đối chất, rọi soi với con người thật của họ. Và điều kỳ diệu thứ hai xảy ra, những kẻ tố cáo và ngay cả đám đông không một ai dám đứng lại, từng người, bắt đầu là những người già nhất âm thầm rút lui, như minh nhiên công nhận lời Đức Giêsu là sự thật, và đối diện với sự thật đó, mọi người thấy mình là tội nhân. Không một hòn đá nào được ném ra. Cái bẫy tan tành.
Khi Đức Giêsu ngẩng đầu lên lần nữa, chỉ còn người phụ nữ đứng đó. Người hỏi, “Này chị, họ đâu cả rồi? Không ai lên án chị sao?”. Rồi Đức Giêsu nói: “Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu. Thôi chị về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa”. Không lên án người phụ nữ, không phải Đức Giêsu tự cho mình có tội, nhưng trong tư cách là một quan tòa, Đức Giêsu không lên án bà và cũng không chấp nhận lối sống đó. Những việc bà làm là phạm luật, là tội lỗi, là đi ngược thánh ý Chúa, nhưng Người tha thứ để tạo ra một cơ hội, mở ra một con đường sống mới cho bà.
Thánh Augustino bảo: “Giữa trời và đất, chỉ còn Lòng thương xót và người được xót thương”.
Jos Ngô Văn Kha CSsR