Thứ Hai sau CN4 PS: Nhân lành là thế nào?

Sự nhân lành là phẩm tính của Đức Giêsu, xét trên phương diện nhân tính, và cũng là phẩm tính của Thiên Chúa, xét theo phương diện thần tính.

66a4242a396c561896481176f4ceafb4Thiên Chúa dùng hình ảnh mục tử với đoàn chiên để cho thấy mối liên kết gắn bó,  bền chặt giữa Người với Israel. Trải qua nhiều thăng trầm, qua bao thế hệ, Dân Chúa cảm nhận được giá trị vô biên của đặc ân có Chúa là Mục tử ở cùng, để hướng dẫn, chăm sóc, bảo vệ và nuôi dưỡng như Thánh Vịnh 23 đã diễn tả.

Ngay cả những người được Thiên Chúa chọn hoặc phái tới có tâm hồn yêu dân và tận tâm phục vụ dân theo ý Thiên Chúa, cũng được gọi là mục tử.

Nhưng vẫn có những thủ lãnh, như những tên trộm cướp, đã tiếm dụng địa vị để bóc lột, áp bức và giết hại dân, bất chấp quyền bính tối cao là Thiên Chúa, hoặc như những kẻ làm thuê, họ chăn dắt dân chỉ vì ham muốn quyền hành và vinh quang.

Nhưng Thiên Chúa luôn chọn đứng về phía những người bị áp bức. Người hứa sẽ ban cho dân một Mục tử đẹp ý Người, để hướng dẫn họ trong đường lối công chính, đem lại an bình (x. Ed 34).

Trong bối cảnh ấy, Đức Giêsu tuyên bố: “Tôi chính là Mục tử nhân lành.” Sự nhân lành là phẩm tính của Người, được tỏ bày nơi những hành vi quan tâm chăm sóc, yêu thương như chính bản thân mình, chứ không phải vì quyền lợi, mà đỉnh cao là dám đặt mạng sống mình bên dưới sự sống của đàn chiên, đến độ sẵn sàng hy sinh mạng sống ấy cho đoàn chiên.

Nhấn mạnh nhiều lần đến việc “hy sinh cho đoàn chiên” (c.11;15;17;18), Đức Giêsu làm nổi bật sự phân biệt giữa mục tử và kẻ chăn thuê, vừa cho thấy ý thức sâu xa về mối tương quan thuộc về nhau, gắn bó mật thiết với nhau, như cảm thức mà Người vẫn có với Chúa Cha: “Tôi biết chiên của tôi và chiên của tôi biết tôi, như Chúa Cha biết tôi và tôi biết Chúa Cha, và tôi hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên”, vừa thoáng bày tỏ hành vi hy sinh cho đến cùng bằng mạng sống trong cuộc thương khó sau này.

Rồi Đức Giêsu nói: “Tôi còn có những chiên khác không thuộc ràn này, và tôi cũng phải đưa chúng về, để chỉ có một đoàn chiên và một mục tử.” Hé lộ về sứ mạng quy tụ muôn dân về một mối, nói cho cùng, Người phải trở nên Đấng Cứu Chuộc trần gian.

Đó chính là mục tiêu Đức Giêsu nhắm đến và cũng là điều đẹp ý Chúa Cha.

Vì thế mầu nhiệm Cứu Chuộc trong ánh sáng Phục sinh, không chỉ là một kết thúc có hậu nhắm vào bản thân Đức Giêsu, nhưng còn mở rộng ra với quyền năng của vị Mục tử Nhân lành trong Hội thánh của Người, dàn trải qua lịch sử, bao trùm cả ba chiều kích quá khứ, hiện tại và tương lai, để mọi con chiên của Người nghe được tiếng nói của Mục tử Nhân lành mà tập hợp lại, “để chỉ có một đoàn chiên và một mục tử”.

Mầu nhiệm Cứu Chuộc con người của Đức Giêsu còn được hiểu dựa trên nền tảng căn bản mà Người đã xác quyết: “Mạng sống tôi không ai lấy đi được, nhưng chính tôi tự ý hy sinh mạng sống mình. Tôi có quyền hy sinh và có quyền lấy lại mạng sống ấy. Đó là mệnh lệnh của Cha tôi mà tôi đã nhận được.”

Là bởi trong công cuộc Cứu Chuộc nhân loại, những giờ phút bi thương Đức Giêsu đã trải qua, những đau đớn Người phải chịu, không nên hiểu một cách phiến diện, Người là nạn nhân của những sự độc ác, của tội lỗi con người gây ra mà thôi, nhưng phải hiểu tất cả những sự kiện đó trong chiều kích hiến dâng của Đức Giêsu, trong tư thế chủ động.

Cuộc thọ nạn của Đức Giêsu không phải là một hồi bi thảm của màn kịch mà Người diễn xuất, mà phải nhìn trong tổng thể những gì Đức Giêsu đã thực hiện trong sự đảm nhận, một lần thay cho tất cả, tất cả những gì diễn tả qua từ ngữ “hy sinh’, trong tư thế chủ động, “có quyền hy sinh và có quyền lấy lại mạng sống ấy.”

Và Đức Giêsu kết luận: “Đó là mệnh lệnh của Cha tôi mà tôi đã nhận được.” Như vậy, ta hiểu vì sao công cuộc chịu nạn và chịu chết của Đức Giêsu chính là việc thực thi mệnh lệnh của Chúa Cha, xét trên phương diện Đức Giêsu là Người Con, và giá trị cao cả của công cuộc cứu chuộc ấy bao trùm cả nhân loại và vũ trụ, xét theo phương diện Người đồng bản thể với Thiên Chúa, được diễn tả qua câu “Tôi có quyền”.

                                                                         Jos Ngô Văn Kha CSsR

 

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết