Thứ Ba sau CN4 MC: Được chữa lành bịnh để làm gì?

Ơn huệ chữa lành tật bịnh phần xác tuy cần thiết, nhưng chóng qua và không giải quyết tận căn vấn đề, có khi chịu bịnh tật còn bớt khốn hơn việc phạm tội.

bethCó rất nhiều người mắc đủ thứ tật bịnh nằm la liệt xung quanh hồ nước tên là Bết da tha, gần Cửa Chiên tại Giêrusalem. Không ai biết vì sao những khi hồ nước bị khuấy động, người bịnh nào xuống trước sẽ được chữa lành. Một cái hồ thiêng.

Trong đám người mắc đủ thứ tật bịnh bị bao trùm bởi bầu không khí nặng nề và lo lắng ấy, Đức Giêsu thấy một người và biết anh ta đau ốm đã ba mươi tám năm.

Không biết có phải tình trạng bi thảm của anh, thời gian anh đã chịu bao nỗi khốn cực vì bịnh tật, còn dài hơn cả số tuổi của Đức Giêsu sống trên trần gian, đã đánh động lòng thương xót của Người, nên Người chủ động đến hỏi: “Anh có muốn khỏi bệnh không?” Câu hỏi chỉ cần xác nhận “có” hay “không”, nhưng anh ta lại trả lời: “Thưa Ngài, khi nước khuấy lên, không có người đem tôi xuống hồ. Lúc tôi tới đó, thì đã có người khác xuống trước mất rồi!”

Câu trả lời đầy chua xót, cay đắng của anh thốt ra như trút sự uất ức dồn nén quá lâu lên Đức Giêsu, người mà anh có vẻ coi thường vì đã hỏi một câu thật ngớ ngẩn và còn khinh thường, vì chẳng biết tý gì về hồ thiêng này. Đàng khác, câu trả lời của anh còn chất chứa sự bất hạnh trong nỗi cô đơn, tuyệt vọng, vì không có ai giúp anh.

Không ai giúp anh. Ai lo phận nấy. Ai có người thân gần bên sẽ có nhiều cơ hội xuống hồ trước và được chữa lành. Khi hồ nước được khuấy lên, có thể thấy một cảnh tượng hỗn loạn, tiếng la hét, sự tranh giành, xô đẩy, níu kéo tranh nhau… lao xuống hồ. Nhưng chỉ một người xuống trước mới được khỏi, những người không may hậm hực, buồn bực leo lên… nuôi hy vọng, chờ dịp khác.

Một cảnh tượng bi hài xẩy ra ngay tại nơi thánh thiêng nhất, những người tật bịnh nằm la liệt phải áp dụng quy luật nghiệt ngã của sức mạnh cơ bắp, vì mạnh được yếu thua, để chiếm lấy cho mình phần phước.

Đức Giêsu muốn giải thoát anh khỏi qui luật tàn bạo này, bằng một quy luật khác của ước muốn, của sự khẩn cầu làm “khuấy động” lòng xót thương của Đấng Chữa lành. Lời truyền đầy uy lực và sức mạnh của Đức Giêsu: “Anh hãy trỗi dậy, vác chõng mà đi!” trở nên hiện thực.

Người Do thái thay vì chúc mừng, vì Chúa đã đoái thương anh, lại bắt bẻ anh về việc vác chõng bị cấm theo luật, vì “hôm đó lại là ngày Sabát”.

Luật nghỉ ngày Sabát được đặt ra để kỷ niệm ngày nghỉ của Thiên Chúa sau khi Người đã hoàn tất công trình tạo dựng, là dấu cho biết họ là dân Chúa, là ngày toàn dân nghỉ việc để thờ phượng Thiên Chúa. Nhưng sau đó, những quy định được thêm thắt vào, khiến luật này trở nên nặng nề biến thành dò xét, buộc tội và lên án, nghĩa là cản trở sự sống và hủy diệt sự sống. Đức Giêsu cố ý chữa bệnh trong ngày Sabát, để làm lộ ra khuynh hướng xấu xa này, khi thấy người ta hay rình mò để bắt lỗi vi phạm của nhau để dựa vào luật mà kết án, như vậy trong tâm của họ đã có ý xấu, mưu hại người, và ý đồ đó có thấp thoáng hình dáng của quỷ dữ (x. Mc 3,1-6).

Khi Đức Giêsu gặp lại người đã được chữa lành, Người nói: “Này, anh đã được khỏi bệnh. Đừng phạm tội nữa, kẻo lại phải khốn hơn trước!

Có phải Đức Giêsu muốn ám chỉ đến quan niệm nhân quả của tội lỗi và những tai họa, mà bịnh tật là một trong số đó? Trong dấu lạ Đức Giêsu chữa lành người mù từ thuở mới sinh, Người đã phá vỡ mối liên kết trong quan niệm về nhân quả giữa tội lỗi với các tai họa xảy ra trong thân phận con người, cho đó là dịp để công trình Thiên Chúa được tỏ hiện qua những trường hợp đó (Ga 9,1-41).

Nếu người bịnh ba mươi tám năm được Đức Giêsu chữa lành, nhưng một ngày kia, anh sẽ bị đau ốm trở lại và có ngày anh sẽ chết, thì việc chữa lành ấy chỉ là biện pháp cấp thời, chỉ chữa triệu chứng chứ không chữa được nguyên nhân.

Chữa lành là việc khẩn cấp, quan trọng, nhất là nhờ phép lạ mà được chữa lành. Điều đó thật ấn tượng và có sức thuyết phục. Vì thế, người ta luôn dễ tin và hay chạy theo những cách chữa bệnh lạ lùng.

Ai cũng mong mình khỏe mãi, hoặc được mau lành bệnh, được phục hồi sức khỏe, nhưng việc đó đâu phải là vấn đề tối quan trọng. Có sức khỏe, không bị tật bịnh thì vẫn đâu có thể giải quyết hết được mọi vấn đề của cuộc sống, nhất là những vấn đề tổn thương nội tâm, sự dày vò của tội lỗi, của sự oán hận, ghen ghét, mất bình an…

Đức Giêsu thật có lý khi bảo người được chữa lành: “Này, anh đã được khỏi bệnh. Đừng phạm tội nữa, kẻo lại phải khốn hơn trước!” ngầm cho anh biết về ơn huệ giải thoát tật bịnh phần xác tuy cần thiết, nhưng chóng qua và không giải quyết tận căn vấn đề, có khi chịu bịnh tật còn bớt khốn hơn việc phạm tội.

    Jos Ngô Văn Kha CSsR

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết