Thứ Hai sau CN3 PS: Lương Thực Thường Tồn

Mỗi người chỉ sống có một đời. Một cuộc đời không phải để ăn, để, nhai và nuốt, nhưng là đi tìm cho mình thức ăn đem lại sự sống đời đời.
Jesus_gave_the_people_breadLao động có mục đích là đạt được những thành quả, vật chất hoặc tinh thần. Giá trị của những thành quả ấy càng cao, việc bỏ sức lao động càng xứng đáng. Nhưng trong cuộc sống vẫn có những yếu tố may mắn chen vào, thời vận đưa tới. Vì thế có “kẻ ăn không hết, người lần không ra”.

Biển hồ Galilê hôm ấy náo động vì nhiều chiếc thuyền chở đầy người quyết tâm tìm kiếm Đức Giêsu, Đấng đã làm phép lạ bánh, đã cho họ ăn no nê và những người khác cũng đang thèm được no nê như vậy. Dĩ thực vi tiên.

Họ tìm ra Đức Giêsu ở bên kia biển hồ. Nghĩ tưởng Đức Giêsu sẽ vui mừng, hãnh diện và coi đó là bước đầu của những chuỗi thành công, họ hỏi Người trong sự quan tâm trìu mến, lo lắng trong sự kính trọng: “Thầy đến đây bao giờ vậy?”

Câu trả lời của Đức Giêsu như gáo nước lạnh tạt vào mặt họ, bộ mặt trát đầy những thứ ích kỷ, lợi lộc thấp hèn, khiến nó trở nên nham nhở: “ Thật tôi bảo thật các ông, các ông đi tìm tôi không phải vì đã thấy dấu lạ, nhưng vì các ông đã được ăn bánh no nê.”

Đừng vội trách những người ấy là thực dụng. Có ai tìm kiếm, theo đuổi Đức Giêsu mà không có chút nào đó có ích cho mình, dù là vật chất hay tinh thần?

Chính Đức Giêsu cũng biết điều đó, nên Người mới định hướng cho họ: “Hãy ra công làm việc, không phải vì lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh, là thứ lương thực Con Người sẽ ban cho các ông, vì Con Người là Đấng đã được Chúa Cha đã ghi dấu xác nhận.”

Đấy mới là điều họ phải ra công tìm kiếm, để được ban và lãnh nhận, chứ không phải là sở đắc và chiếm hữu. Như mọi sinh vật khác, người ta luôn đói và càng thỏa mãn lại càng đói. Bản năng sinh tồn chi phối và điều khiển người ta quay quắt với việc lấp đầy cái trống không của dạ dày, của những tham vọng lúc nào cũng hau háu, cồn cào.

Sự đói khát đích thật không phải là của ăn mau hư nát, ăn đấy, no đấy, rồi sẽ phải chết, nhưng là của ăn đem lại sự sống trường sinh, mà chỉ mình Đức Giêsu mới có thể thỏa mãn. Còn hơn cả phép lạ bánh hóa nhiều, chính là đói khát chân lý giữa một thế giới đầy giả trá, đói khát tình thương giữa thế gian lạnh lẽo, và sự sống thường tồn trong sự chết chóc phủ trên mặt đất. Vì Người đã được Chúa Cha ghi dấu xác nhận bằng Thánh Thần, bằng quyền năng và bằng những dấu lạ.

Vậy Thiên Chúa muốn gì nơi con người? Đó là tin vào Đấng Người đã sai đến. Đơn giản chỉ có vậy.

Người tin vào Đức Giêsu, Đấng ban cho con người thức ăn thường tồn vẫn phải lo những thức ăn hư nát cho thân xác, cho đời sống hay hư nát, nhưng đang khi lo như thế, họ được bảo đảm về sự sống đời đời mà Đức Giêsu sẽ ban cho họ.

Thường thì người ta chỉ lo, chỉ dừng lại ở những thứ thỏa mãn đáp ứng những khát khao của thân xác, của đời sống mà quên đi sự sống cho linh hồn. Có khi lại đánh đổi cả linh hồn, cả cơn đói sự sống đời đời để đánh đổi lấy những lợi lộc phần xác.

Tin vào Đức Giêsu là đặt Người và lời Người lên trên hết trong những bậc thang giá trị, kể cả những giá trị tích cực như những việc lành phúc đức, để hướng dẫn mọi hoạt động trong đời sống cho đến trọn đời. Đó không chỉ là công việc của con người ta, mà thực ra, là cả một công trình của Thiên Chúa được thực hiện ngang qua lòng tin của những ai đặt vào Đức Giêsu trọn đời. Khi ấy đó người ta mới có thể nói là đã thực hiện công trình của Thiên Chúa.

Như có câu: “Ăn để sống, nhưng sống để phụng sự”. Mỗi người chỉ sống có một đời. Một cuộc đời không phải để ăn, để, nhai và nuốt, nhưng là đi tìm cho mình thức ăn đem lại sự sống đời đời.
                                                                             Jos Ngô Văn Kha CSsR

 

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết