Sự xuất hiện nhiều miệng lưỡi nói lời dối trá trong xã hội phản ánh một thực trạng và cũng là kết quả tất yếu của việc có quá nhiều những cái tai thích nghe những lời giả dối.
Điều gì xảy ra cũng có nguyên nhân của nó. Cái đúng, cái sai đôi khi không không được chấp nhận không phải vì nó không phản ánh đúng sự thật khách quan, mà vì lối suy nghĩ hạn hẹp, khiếm khuyết hoặc bởi những yếu tố chủ quan, như thành kiến, cố chấp và do cảm tính của người ta.
Trở về quê Nagiarét, Đức Giêsu đụng chạm đến chướng ngại từ những người đồng hương. Họ không tin Đức Giêsu, người mà họ quá biết trong một thời gian dài, có gốc gác cũng bình thường như họ, lại làm được những điều lạ, lại nổi tiếng ở Caphácnaum, và họ đòi Người phải chứng minh. Vì vậy Đức Giêsu mới nói: “Tôi bảo thật các ông, không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình”.
Dùng hai ví dụ ám chỉ, ngôn sứ Elia chỉ được sai đến giúp bà góa thành Sarépta, miền Syđôn và ngôn sứ Elisa chỉ chữa bịnh cùi cho ông Naaman, người Xiry chứ không phải cho người Do thái, Đức Giêsu cho thấy Thiên Chúa có tự do làm những gì Người muốn, và điều Người làm, phải có nguyên nhân. Nhưng những người đồng hương không chấp nhận điều đó. Cảm giác bị coi thường, khiến họ tự ái, tức tối, sự ích kỷ, nhỏ nhen cục bộ làm cho tâm hồn người dân Nagiarét ra mù quáng. Ăn không được thì đập bỏ. Họ phẫn nộ, lôi Người ra ngoài thành, đưa lên đỉnh núi để xô Người xuống vực, nhưng Đức Giêsu băng qua họ mà đi.
Xác nhận mình là ngôn sứ, như các ngôn sứ của Thiên Chúa, Đức Giêsu cho người dân Nadarét biết Người đã nghe được Lời Chúa, đã đặt hết lòng tin tưởng vào Lời Chúa, và nhiệt thành chuyển đạt Lời Chúa đến cho mọi người. Nhưng Đức Giêsu cũng biết sứ mạng ngôn sứ rất khó khăn và bạc bẽo, và số phận của các ngôn sứ thường đưa đến thù hận, chống đối và bách hại, vì lời thật mất lòng. Nói lên sự thật là điều rất khó, thường phải trả giá bằng việc gánh chịu những hậu quả như bị ghét bỏ, tẩy chay, bị trù dập và trả thù, nhất là phải trả giá bằng chính mạng sống mình.
Trong lối sống thực dụng, chạy theo lợi ích trước mặt của xã hội hôm nay, người ta luôn tìm cách khéo léo và tinh ranh để có lợi cho mình, nên chẳng dám nói thật với nhau. Tâm lý con người ưa nghe những lời ca tụng ngọt ngào, do đó, họ chỉ thích những ai nói ra những lời làm vừa lòng mình và dành cho kẻ ấy nhiều sự ưu ái. Sự xuất hiện nhiều miệng lưỡi nói lời dối trá trong xã hội phản ánh một thực trạng và cũng là kết quả tất yếu của việc có quá nhiều những cái tai thích nghe những lời giả dối và dị ứng với sự thật. Nhưng sự thật và những lời nói chân thật lại luôn có giá trị trường tồn. Sự thật, lòng chân thành hướng thiện, sự chân chính là những giá trị đạo đức mà con người ngày nay cần phải có để xây dựng cuộc đời của mình trên đó, nếu không muốn bị vong thân, và xã hội cũng cần tái lập trật tự trên đó, nếu muốn kiến tạo sự vững bền, thịnh vượng.
Người Kitô hữu được tham dự vào ba chức vụ của Chúa Kitô là ngôn sứ, tư tế và vương giả. Sứ vụ tư tế luôn được kính trọng, sứ vụ vương giả có nhiều lựa chọn vất vả để giữ phẩm cách người Kitô hữu, còn sứ vụ ngôn sứ, có lẽ là hẩm hiu nhất.
Làm ngôn sứ là nhân danh Chúa nói lời chân lý, để cảnh cáo và đe dọa. Điều ấy quả là bất lợi và nguy hiểm. Ngay lời hay, lẽ phải của con người nói với nhau đã khó nghe, dễ làm mất lòng, huống chi là lời chân lý, là nói với những người quyền cao chức trọng. Khó ai chấp nhận con người thật của mình bị phơi bày.
Đây quả là một sứ vụ đầy cam go, thử thách. Vì vậy, các ngôn sứ khi được Chúa kêu mời thi hành sứ vụ, thường sợ hãi và tìm cách thoái thác. Và số phận các sứ ngôn từ trước đến nay dường như chẳng có kết cục sáng sủa nào.
Làm sao phân định một ngôn sứ thật nói lời chân lý của Chúa với ngôn sứ giả, chỉ nói những điều mình muốn nói và những điều người ta thích nghe? Ngôn sứ thật chỉ nói những điều Chúa dạy, mà những gì Chúa dạy luôn hướng đến điều tốt đẹp, nếu biết nhổ thì phải biết trồng, đập phá thì phải biết xây dựng (x.Gr 1,10). Ngôn sứ thật luôn chân thành tìm kiếm điều tốt đẹp cho người mình phê phán hay góp ý, sau khi chỉ ra và phê phán những điều tiêu cực, những lỗi lầm của người ta, của xã hội, họ luôn có những giải pháp khắc phục và sửa sai.
Những lời Đức Giêsu nói với dân làng Nadarét nhằm giúp họ biết là, không đương nhiên và cũng chẳng có ai có thể ép Người phải thực hiện những gì họ muốn, vì đó là ân ban. Họ phải cầu xin với Đấng, là ngôn sứ của Thiên Chúa trong thái độ khiêm tốn, dù có là người đồng hương, là người họ từng quen biết trước đây.
Jos Ngô Văn Kha CSsR