Kính gửi: – Tổng thống Thái Anh Văn;
- Chủ Tịch Quốc Hội Đài Loan;
– Các Dân biểu Su Zhi Feng, Wu Kun Yi, Chen Man Yi;
– Các cơ quan chính phủ có liên quan.
Chúng tôi là Giám Mục Phaolo Nguyễn Thái Hợp và Linh Mục Đoàn Giáo Phận Vinh, đại diện cho gần 600,000 giáo dân trong Giáo Phận; bao gồm các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình. Chúng tôi là nạn nhân trực tiếp của thảm trạng gây ô nhiễm của công ty Formosa Hà Tĩnh vào ngày 6 tháng 4 năm 2016.
Sau biến cố ô nhiễm khủng khiếp này, Giáo Phận chúng tôi đã thành lập Ban Hỗ Trợ Nạn Nhân Ô Nhiễm Môi Trường Biển ngày 13 tháng 9 năm 2016 với mục đích hỗ trợ trực tiếp cho các nạn nhân Formosa Hà Tĩnh đòi lại công bằng, công lý.
Chúng tôi được biết Tổng Thống rất quan tâm đến sự hội nhập và phát triển kinh tế của nước Đài Loan. Chính sách Kinh Tế Hướng Nam mới (KTHN) đã được soạn thảo và công bố. Sau khi đọc qua và tham khảo tài liệu này, chúng tôi nhận thấy Tổng Thống đã bỏ qua 1 vài giá trị phổ quát và quan trọng mà các quốc gia tiên tiến trên thế giới vô cùng quan tâm đó là BẢO VỆ NHÂN QUYỀN và BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG.
Theo điều 3 của Tuyên ngôn Quốc Tế Nhân quyền mà Liên Hiệp Quốc thông qua năm 1948: Ai cũng có quyền được sống, tự do và an toàn thân thể. Formosa Hà Tĩnh đã vi phạm nghiêm trọng những quyền lợi này của người dân bốn tỉnh miền Trung Việt Nam nói riêng và của dân tộc Việt Nam nói chung. Cụ thể là:
Chúng tôi không dám ăn cá hay tắm biển vì không được biết chất độc giết chết hàng loạt cá là gì, có ảnh hưởng đến sức khỏe của con người hay không.
Người lớn thất nghiệp, trẻ em thất học.
Chúng tôi không được kiểm tra sức khỏe toàn diện để biết được rằng sức khỏe chúng tôi có bị ảnh hưởng gì sau thảm họa này không.
Việc phục hồi môi trường biển còn chưa thực hiện.
Nạn nhân vẫn chưa nhận được bồi thường thích đáng.
Những việc mà công ty Formosa đã, đang và sẽ tiếp tục làm không những vi phạm nghiêm trọng những quyền lợi trong Bản Tuyên ngôn Nhân quyền, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng mà còn ảnh hưởng đến tinh thần của Chính Sách Hướng Nam Mới là hợp tác song phương, hai bên cùng có lợi. Tính đến thời điểm hiện tại, ngoài việc đền bù số tiền 500 triệu đô cho chính phủ Việt Nam thì hậu quả nghiêm trọng của thảm họa này vẫn chưa được xử lý một cách thỏa đáng làm cuộc sống của những nạn nhân nơi đây vô cùng thống khổ và họ luôn mang tâm trạng bất an khi phải tiếp tục sống chung với Formosa. Nếu cứ để sự việc này trôi qua một cách dễ dàng như vậy thì sẽ còn nhiều doanh nghiệp Đài Loan khác noi theo tấm gương xấu của Formosa Hà Tĩnh. Theo quý vị, mục tiêu chung của Chính Sách Hướng Nam Mới là khẳng định lại vị thế của Đài Loan trên trường quốc tế và việc đánh giá thực hiện hai công ước quốc tế về Quyền Công Dân & Chính Trị và Quyền Kinh Tế, Văn Hóa, Xã hội của Đài Loan có bị ảnh hưởng bởi những sai lầm tương tự hay không?
Hiện tại, Việt Nam dưới sự lãnh đạo độc tài của Đảng Cộng Sản đã bị Uỷ ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ USCIRF xếp vào Cấp 1, tức là thuộc Các Quốc gia cần phải Quan tâm Đặc biệt – CPC. Theo một khảo sát do Tổ chức Minh bạch Thế giới thực hiện cuối tháng 3/2017, Việt Nam xếp thứ 2 Châu Á về vấn nạn tham nhũng. Với một đất nước có sự quản lý và luật pháp lỏng lẻo như Việt Nam hiện nay thì chắc chắn sẽ còn gặp nhiều bất cập và bất công trong việc đầu tư, quản lý môi trường và thực hiện luật pháp trong tương lai. Chúng tôi biết rằng chính phủ Việt Nam mới là người cần phải thay đổi đầu tiên. Tuy nhiên trên tinh thần là chính phủ đại diện của nước đầu tư và là người đưa ra chính sách KTHN mới cho các nhà đầu tư Đài Loan thì chính phủ Đài Loan cũng cần phải chịu một phần trách nhiệm trong việc quản lý, kiểm tra, giám sát kĩ càng các kế hoạch đầu tư, đánh giá tác động môi trường của các kế hoạch này để đảm bảo sự minh bạch trong việc đầu tư và tránh xảy ra thảm họa ô nhiễm môi trường như Formosa Hà Tĩnh đã gây ra.
Thảm họa Formosa không chỉ ảnh hưởng đến Việt Nam mà còn ảnh hưởng đến Đài Loan và các nước khác trong khu vực theo cách gián tiếp thông qua việc nhập khẩu lao động Việt Nam ồ ạt tạo ra tình trạng lao động bỏ trốn vì thiếu việc làm, ảnh hưởng an ninh trật tự, an toàn xã hội, và an ninh lương thực thông qua việc nhập khẩu hải sản và các sản phẩm từ biển (cá, nước mắm,..).
Do đó, chúng tôi tha thiết mong bà Tổng Thống Thái Anh Văn, các vị dân biểu, các bộ ngành có liên quan hợp tác với Liên Hợp Quốc, các tổ chức Xã hội Dân sự, chính phủ của các nước nhằm mang lại công lý cho các nạn nhân Formosa và người dân Việt Nam chúng tôi nói riêng, Đài Loan và những nước khác trong khu vực và trên thế giới nói chung.
Đồng thời, chúng tôi hi vọng rằng quý vị sẽ xem xét sự nghiêm trọng của vấn đề này nhằm đảm bảo các quyền con người và tránh tình trạng ô nhiễm môi trường khi thực hiện Chính Sách Hướng Nam Mới thông qua việc thay đổi luật pháp tương ứng để chế tài các công ty Đài Loan đầu tư ở nước ngoài gây ô nhiễm môi trường trong trường hợp chính phủ và luật pháp nước sở tại bất lực, còn nạn nhân thì kêu cứu sự hỗ trợ pháp lý từ Đài Loan – mẫu quốc của công ty đầu tư.
Chúng tôi rất mong nhận được sự hồi âm sớm từ quý vị.
Chân thành cảm ơn.
Phaolô Nguyễn Thái Hợp
Nguồn: gpvinh.com