Ngày 1 tháng 1 năm 2020
Số 0000 001/202
Lễ Trọng Kính Đức Maria Mẹ Thiên Chúa
Các anh em Tu sĩ, Nữ tu, các cộng sự viên và các thân hữu Dòng Chúa Cứu Thế thân mến,
Trong vài tháng qua, Hội Dòng đã tiến hành các cuộc họp giữa nhiệm kỳ lục niên trong mỗi Liên Hiệp. Một trong những nhiệm vụ chính của các cuộc họp này là trình bày, thảo luận và bỏ phiếu về các Kế hoạch Tông đồ và Tái cấu trúc và trình lên Ban Quản trị Trung ương Dòng để được phê duyệt. Các kế hoạch Tông đồ và Tái cấu trúc là kết quả của nhiều cuộc đối thoại, suy tư và thảo luận của các Ủy ban (CARP) trong mỗi Liên Hiệp. Các Ủy ban này đã được các Điều phối viên Liên Hiệp chỉ định sau khi tham khảo ý kiến của các Hội nghị Liên Hiệp vào năm 2017.
Quá trình tham vấn này tiếp tục với chuyến viếng thăm ngoại thường của Ban Quản trị Trung ương Dòng vào năm 2018, gặp gỡ tất cả các Tu sĩ, cùng với nhiều cộng tác viên giáo dân, các Nữ tu và các chuyên gia. Kế hoạch dự thảo ban đầu được trình bày cho các Hội nghị Liên Hiệp vào năm 2018 và sau đó, trong các Hội nghị và Công hội của mỗi Đơn vị. Quá trình đối thoại và tham vấn này đã đưa đến các Kế hoạch Tông đồ và Tái cấu trúc của Liên Hiệp được trình bày trong các cuộc họp giữa nhiệm kỳ lục niên. Khi thực hiện quá trình này, và trong các kế hoạch đạt được, chúng ta chứng kiến thành quả của “sự biện phân thừa sai rộng rãi hơn”, được vạch ra bởi Tổng Công hội lần thứ 24 khi thành lập 5 Liên Hiệp của Hội Dòng vào năm 2009.
Từ ngày 4 đến ngày 14 tháng 12, Hội đồng Trung ương đã nhóm họp tại Rôma với các Điều phối viên của các Liên Hiệp để nghiên cứu và phê duyệt các kế hoạch từ mỗi Liên Hiệp. Đây là một khoảng thời gian vô cùng đặc biệt của biện phân, cầu nguyện, và đưa ra kế hoạch thận trọng cho tương lai của Hội Dòng chúng ta dưới ánh sáng của Đặc sủng của chúng ta, của những dấu chỉ của thời đại, và của lời mời gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô và Giáo hội cho một kỷ nguyên truyền giáo mới.
Trong các cuộc họp này, Ban Quản trị Trung ương Dòng cùng với các Điều phối viên trước tiên đã xem xét các Kế hoạch Tông đồ cho mỗi Liên Hiệp – những Ưu tiên Truyền giáo và Tông đồ, những Ưu tiên nền tảng cũng như các bước ban đầu đối với một kế hoạch mục vụ mới để thực hiện các ưu tiên này theo những cách thức cụ thể và chiến lược. Như một số Tổng Công hội vừa qua đã nhắc nhở chúng ta, bất kỳ sự tái cấu trúc và tái cơ cấu nào trong Hội Dòng đều phải tương ứng với Sứ mạng và các Ưu tiên của chúng ta.
KẾ HOẠCH TÔNG ĐỒ CỦA LIÊN HIỆP:
Sau khi nghiên cứu và thảo luận cẩn thận, Ban Quản trị Trung ương Dòng đã phê duyệt Kế hoạch tông đồ được đệ trình bởi mỗi Liên Hiệp. Chúng tôi đánh giá cao chất lượng của những suy tư về sứ mạng của chúng ta và sự biện phân biệt ưu tiên mà anh chị em dấn thân trong mỗi Liên Hiệp, giữa các bối cảnh và văn hóa khác nhau trong đó anh chị em được mời gọi thi hành sứ vụ thừa sai. Thật là một điều đặc biệt đáng khích lệ khi nhận thấy bản chất chung của các ưu tiên thừa sai đã được đề xuất một cách rõ ràng bởi tất cả hoặc gần như tất cả các Liên Hiệp. Với tư cách là các Tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế, chúng ta nhận ra rằng chúng ta được sai đến với những người bị bỏ rơi và những người cần được giúp đỡ nhất, và đặc biệt là những người nghèo. Đôi khi chúng ta sử dụng nhiều cái tên khác nhau để xác định các nhóm này, nhưng sự hiểu biết chung về sứ mạng của chúng ta được tìm thấy trong mỗi Liên Hiệp. Mọi Liên Hiệp đều đồng nhất hoá mình với thế giới bị tổn thương thông qua việc lựa chọn “Những Ưu tiên Thừa sai” này, bao gồm:
1. Những người di cư, những người tị nạn và các dân tộc bản địa – 5 Liên Hiệp;
2. Giới trẻ, đặc biệt là những người cần được giúp đỡ nhất – 5 Liên Hiệp;
3. Những người nghèo về mặt vật chất bị gạt ra bên lề xã hội – 4 Liên Hiệp;
4. Các gia đình túng thiếu, phụ nữ, trẻ em, những người lớn tuổi – 4 Liên Hiệp;
5. “Những người bị bỏ rơi về mặt tinh thần”, những người không có niềm tin tôn giáo, những người đang tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống trong một thế giới tục hóa – 2 Liên Hiệp.
Đối diện với những tổn thương của những người mà chúng ta được sai đến với họ, đã có một sự đồng thuận lớn trong số “Những ưu tiên Tông đồ” do các Liên Hiệp đề xuất. Việc Rao giảng minh nhiên được ưu tiên đặc biệt trong mọi Liên Hiệp, cũng như mục vụ Đền thờ, hòa giải, mục vụ xã hội, công lý và hòa bình, chăm sóc công trình sáng tạo, truyền thông và Thần học luân lý, được mạnh mẽ xác định là “Những ưu tiên Tông đồ” của chúng ta, bao gồm:
1. Thuyết giảng, Đại phúc và giảng tĩnh tâm – 5 Liên Hiệp
2. Các Đền thờ và mục vụ lắng nghe và hòa giải – 4 Liên Hiệp
3. Mục vụ xã hội và JPIC – 4 Liên Hiệp
4. Các Giáo xứ Truyền giáo – 3 Liên Hiệp
5. Thông tin, Xuất bản, Truyền thông – 2 Liên Hiệp
6. Thần học Luân lý và Đào tạo Đức tin – 2 Liên Hiệp
Mỗi Liên Hiệp cũng bắt đầu quá trình chỉ ra các đường hướng hoạt động mục vụ để thực hiện “Những ưu tiên Thừa sai và Tông đồ” này trong Liên Hiệp và trong mọi Đơn vị. Các kế hoạch Tông đồ của cả 5 Liên Hiệp cũng nhấn mạnh “Những ưu tiên cơ bản” của:
1. Việc đào tạo, cả đào tạo tiếp diễn lẫn đào tạo ban đầu;
2. Cộng đoàn Tông đồ, và đặc biệt, sự biện phân của cộng đoàn về sứ mạng của chúng ta;
3. Sứ mạng sẻ chia với các anh chị em cộng tác viên giáo dân của chúng ta
Giờ đây, mỗi Liên Hiệp đã xác định Những Ưu tiên Thừa sai, Tông đồ và Cơ bản, quá trình này phải tiếp tục ở cấp độ của từng Tỉnh, Phụ Tỉnh và Vùng. Các ưu tiên của chúng ta phải thực sự trở thành hiện thực và được thực hiện ở cấp địa phương. Vì vậy, mỗi Đơn vị phải tiếp tục quá trình biện phân thừa sai dưới ánh sáng của Kế hoạch Tông đồ của Liên Hiệp.
KẾ HOẠCH CỦA LIÊN HIỆP VỀ TÁI CẤU TRÚC
Đang khi mỗi Liên Hiệp đang nỗ lực xác định và chỉ ra các ưu tiên của mình, các Ủy ban cũng đã nghiêm túc tham gia theo các Quyết định 1-6 của Tổng Công Hội lần thứ 25, tiếp tục quá trình tái cấu trúc trong Hội Dòng dưới ánh sáng của Kế hoạch Tông đồ. Ban Quản trị Trung ương, qua cuộc trao đổi với các Điều phối viên Liên Hiệp, đã phê chuẩn các Kế hoạch Tái cấu trúc của Châu Âu, Bắc Mỹ, Châu Mỹ Latinh và Caribbean, và Châu Phi và Madagascar. Chúng tôi cũng khẳng định và ủng hộ cuộc đối thoại tiếp diễn đã được lên kế hoạch cho Liên Hiệp Châu Á-Châu Đại Dương khi họ tiếp tục biện phân các quyết định tái cấu trúc cần thiết trong Kế hoạch Tông đồ của họ.
Trong một bức thư như thế này, không thể đi sâu vào tất cả các chi tiết về Kế hoạch Tái cấu trúc và Tái cơ cấu của mỗi Liên Hiệp. Những điều này sẽ được đề cập cụ thể hơn trong một lá thư tiếp theo gửi cho các vị Bề trên Thượng cấp và các thành viên của Liên Hiệp. Tuy nhiên, tôi muốn nhấn mạnh ở đây một số đề xuất đã được phê duyệt bởi Ban Quản trị Trung ương với sự tham khảo ý kiến của các Điều phối viên Liên Hiệp. Tôi sẽ thực hiện lần lượt theo từng Liên Hiệp theo thứ tự và đưa ra một số suy tư ngắn gọn về những kết quả tham vấn, nghiên cứu và biện phân của họ.
CHÂU ÂU – 9100
Điều quan trọng cần nhớ là cả Châu Âu và Bắc Mỹ đều đã và đang trong quá trình tái cấu trúc các Đơn vị, quá trình đang diễn ra kể từ năm 1994. Châu Âu đã quyết định tại Giai đoạn thứ ba của Tổng Công hội lần thứ 25 là tiếp tục sự biện phâncủa họ tại ba ‘khu vực’: Nam Âu, Tây Bắc Âu và Đông Âu. Mỗi một khu vực trong các ‘khu vực’ này đều khá khác biệt, cả về lịch sử lẫn văn hóa. Đồng thời, họ phải đối mặt với những thách thức tương tự và phổ biến, bao gồm sự sụt giảm con số và tình trạng già hóa của các thành viên cũng như chủ nghĩa thế tục. Trong Kế hoạch Tái cấu trúc của họ, 18 Đơn vị Châu Âu (năm 2016) sẽ tiến tới việc được gộp chung thành 6 Đơn vị. Quá trình này sẽ liên quan đến sự hợp tác lớn hơn trong công việc đào tạo và sứ mạng. Để đối phó với những thách thức liên quan, một số Đơn vị sẽ thành lập một Liên đoàn và các Đơn vị Slavic ở Đông Âu sẽ thành lập một hiệp hội chính thức.
BẮC MỸ – 9200
Kể từ Tổng Công hội lần thứ 25, 8 Đơn vị Bắc Mỹ (năm 2016) đã tái cấu trúc để trở thành 3 Tỉnh và 1 Phụ Tỉnh. Họ sẽ tiếp tục tiến trình cần thiết để thực sự hình thành ‘một thân mình thừa sai’, và phát triển trên tinh thần của sự hợp tác. Dưới ánh sáng của Kế hoạch Tông đồ, họ đang thảo luận về việc tái cấu trúc và tái cơ cấu hơn nữa, như các cấu trúc của sự hợp tác chính thức tương tự như Liên đoàn. Ngoài ra còn có một số sáng kiến cho sự hợp tác lớn hơn với các Đơn vị, nhất là ở Châu Mỹ Latinh.
MỸ LATINH VÀ CARIBBEAN – 9300
Châu Mỹ Latinh và Caribbean là Liên Hiệp triệt để nhất trong kế hoạch Tái cấu trúc và Tái cơ cấu của họ. Từ 23 Tỉnh và Phụ Tỉnh với 3 sứ vụ liên Tỉnh tại Tổng Công hội lần thứ 25 (năm 2016), họ sẽ thành lập 7 Tỉnh với 3 sứ vụ liên Tỉnh. Các “Phụ Tỉnh” sẽ không còn tồn tại như một cấu trúc trong Liên Hiệp này. Kế hoạch Tông đồ sẽ hướng dẫn sự hợp tác lớn hơn giữa 7 Tỉnh này trong 3 sứ vụ của họ, cũng như trong sứ mạng toàn cầu của Hội Dòng.
CHÂU Á VÀ CHÂU ĐẠI DƯƠNG – 9400
Liên Hiệp châu Á – châu Đại Dương là khu vực đa dạng về văn hóa và ngôn ngữ nhất trên thế giới. Đồng thời, có những khoảng cách địa lý rất lớn giữa 13 Đơn vị khác nhau. Liên Hiệp này cũng bao gồm các Đơn vị đang phát triển nhanh chóng trong Hội Dòng! Nó cũng bao gồm một số Đơn vị rất nhỏ và mỏng manh. Dưới ánh sáng của Kế hoạch Tông đồ, họ dấn thân vào các cuộc đối thoại đang diễn ra giữa các Đơn vị được chỉ định vào năm 2020, giúp họ nhận thức rõ hơn về việc tái cấu trúc và tái cơ cấu, hỗ trợ họ trong công việc truyền giáo theo các ưu tiên truyền giáo và Tông đồ của họ. Ban Quản trị Trung ương Dòng đã khẳng định cam kết đối với cuộc đối thoại lớn hơn đã được cơ cấu và sẽ hỗ trợ họ trong giai đoạn tiếp theo của Kế hoạch Tái cấu trúc.
CHÂU PHI VÀ MADAGASCAR – 9500
Châu Phi và Madagascar phải đối mặt với những thách thức đáng chú ý liên quan đến việc tái cấu trúc. Chỉ có một Đơn vị trong Liên Hiệp là một Tỉnh. Có 9 Phụ Tỉnh, Vùng và sứ vụ tại 14 quốc gia, tất cả các Tỉnh Dòng Mẹ đều nằm trong các Liên Hiệp khác. Để củng cố sứ mạng truyền giáo của Dòng Chúa Cứu Thế tại Châu Phi và Madagascar dưới ánh sáng của Kế hoạch Tông đồ, họ đã đề xuất tách thành hai Tỉnh – Tây Bắc Châu Phi và Nam Trung Phi. Kế hoạch này sẽ đối mặt với những thách thức lớn và đòi hỏi sự hỗ trợ và khuyến khích của các Tỉnh Dòng Mẹ, cũng như toàn thể Hội Dòng!
KẾT LUẬN
Như anh chị em có thể thấy, với các Kế hoạch Tái cấu trúc này cho Hội Dòng, chúng ta sẽ đi từ 75 Đơn vị trong năm 2016 trở thành 36 Đơn vị trong vài năm tới. Đi xa hơn việc thực hiện các Quyết định của Tổng Công hội lần thứ 25 với các cuộc họp giữa nhiệm kỳ lục niên, chúng ta đã bắt đầu một giai đoạn mới trong quá trình tái cấu trúc và hoán cải thừa sai.
Một số câu hỏi, chẳng hạn như đại diện của các Đơn vị và HLiên Hiệp tại Tổng Công hội, Hội nghị của Liên Hiệp, vv., sẽ cần được giải quyết bởi Tổng Công hội vào năm 2022. Sẽ có những vấn đề khác mà chúng ta sẽ phải đối mặt vào thời điểm thích hợp, sau cuộc đối thoại và sự biện phân thích hợp.
Vào những năm 1840, Hội Dòng lần đầu tiên xây dựng cấu trúc Tỉnh Dòng nhằm tăng cường sứ mạng của chúng ta tại Châu Âu và Bắc Mỹ. Trong thời kỳ của sự phát triển lớn mạnh đó, các Tỉnh, Phụ Tỉnh và Vùng đã phục vụ Hội Dòng và sứ mạng của chúng ta một cách hết sức hữu hiệu, và các Đơn vị này đã được nhân rộng lên trên khắp thế giới. Các cấu trúc này tiếp tục hỗ trợ các nhà thừa sai Dòng Chúa Cứu Thế với cam kết mang Tin Mừng đến cho những người nghèo và những người bị bỏ rơi nhất. Tuy nhiên, tại thời điểm này trong lịch sử của chúng ta, cùng với toàn Hội Dòng, chúng ta cần tái cấu trúc để tăng cường khả năng truyền giáo. Các quyết định của các cuộc họp giữa nhiệm kỳ lục niên và các Kế hoạch Tái cấu trúc Tông đồ cho mọi Liên Hiệp đánh dấu một thời khắc lịch sử đối với tất cả các thừa sai Dòng Chúa Cứu Thế, các Hội dòng liên kết và các cộng tác viên giáo dân của chúng ta trong công cuộc truyền giáo.
Khi chúng ta đáp ứng nhu cầu của thế giới bị tổn thương của chúng ta và sự thay đổi ‘những dấu chỉ của thời đại’, chúng ta muốn làm chứng cho ơn gọi tiên tri của mình để hình thành nên ‘một thân mình thừa sai’ vượt qua các nền văn hóa và ngôn ngữ, chủng tộc và quốc gia. Các Kế hoạch Tông đồ và Tái cấu trúc này đưa ra một ví dụ và chứng tá thừa sai cho tinh thần liên đới thừa sai của chúng ta. Việc thực hiện của các kế hoạch này chính là trách nhiệm của tất cả chúng ta cùng với nhau – không chỉ là các vị Bề trên và các nhà lãnh đạo khác trong các cộng đoàn của chúng ta. Cùng với nhau, tất cả chúng ta được mời gọi trở nên những nhân chứng cho Chúa Cứu Thế trong tinh thần liên đới với sứ mạng đối với thế giới bị tổn thương của chúng ta.
Theo tinh thần này, tôi mời gọi mỗi anh em Tu sĩ và tất cả mọi cộng đoàn trong Hội Dòng nghiên cứu kỹ Kế hoạch Tông đồ và Tái cấu trúc cho Liên Hiệp của mình. Hãy tiếp tục tham gia vào quá trình biện phân thừa sai rộng lớn hơn về cách thức đưa các Ưu tiên Thừa sai và các kế hoạch Tông đồ của anh chị em vào các công việc Mục vụ cụ thể và chiến lược. Hãy tham gia các cuộc Hội nghị và Công hội của Đơn vị của anh chị em và đồng thời tham gia đầy đủ vào quá trình thành lập một Đơn vị mới với sự kết hợp từ các nền văn hóa và kinh nghiệm khác. Trong các cuộc họp giữa nhiệm kỳ lục niên, nhiều anh em Tu sĩ đã nhắc nhở chúng ta rằng ơn gọi thừa sai của chúng ta với tư cách là những ‘Chứng Nhân của Đấng Cứu Thế’ đòi hỏi những tài liệu và kế hoạch hoàn hảo hơn.
Ơn gọi Thừa sai Chúa Cứu Thế của chúng ta mời gọi tất cả mọi người trong chúng ta và toàn thể Hội Dòng hướng đến quá trình hoán cải thừa sai đang diễn ra, cuộc hoán cải đưa chúng ta đến với Chúa Cứu Thế, với khả năng truyền giáo lớn hơn, với tinh thần liên đới như “một thân mình thừa sai”, và với niềm vui của việc Phúc Âm hoá mang bản chất ngôn sứ.
Nguyện xin Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Hằng Cứu Giúp, Thánh Anphongsô, và các Thánh, các vị Chân Phước và các vị Anh hùng Tử đạo của chúng ta, luôn luôn cùng đồng hành và truyền cảm hứng để chúng ta dõi bước theo Chúa Giêsu Cứu Thế với niềm hy vọng và năng lượng được đổi mới. Nguyện xin Thánh Clêmentê dạy chúng ta “cách thức mới để rao giảng Tin Mừng”. Và chớ gì mỗi người trong chúng ta biết cùng nhau đóng góp cho kế hoạch của Thiên Chúa đối với Hội Dòng của chúng ta hôm nay.
Người anh em trong Chúa Giêsu Đấng Cứu Thế,
Michael Brehl, C.Ss.R
Bề Trên Tổng Quyền
Minh Tuệ chuyển ngữ (theo Scala News)