CONGREGATIO SS. REDEMPTORIS
Superior Generalis
Prot. No. 0000 234/2023
Rôma, ngày 08 tháng 9 năm 2023,
Lễ Sinh Nhật Đức Trinh Nữ Maria
NHỮNG THỪA SAI CỦA HY VỌNG
THEO BƯỚC CHÂN CHÚA CỨU THẾ
Năm Đời Sống Cộng Đoàn
HP 21-75; EG 026-049; Lc 6,12-16
“Mạnh mẽ trong đức tin, phấn khởi trong đức cậy, sốt sắng bởi lòng mến, bừng cháy lòng nhiệt thành, trong sự khiêm hạ của tâm hồn và bền chí cầu nguyện, các tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế, với tư cách là tông đồ và môn đệ đích thật của thánh An Phong, đi theo Đức Kitô Cứu Thế với trái tim tràn ngập niềm vui; bỏ mình và luôn sẵn sàng đảm nhận những công việc khó khăn, họ tham dự vào mầu nhiệm của Đức Kitô và công bố mầu nhiệm ấy bằng đời sống và lối nói giản dị theo tinh thần Phúc Âm, hầu đem lại ơn cứu chuộc chứa chan cho con người” (HP 20).
GỬI TẤT CẢ CÁC ỨNG SINH ƠN GỌI VÀ ỨNG VIÊN CỦA
DÒNG CHÚA CỨU THẾ CHÍ THÁNH
Các ứng sinh ơn gọi, dự tu, dự tập, tập sinh và sinh viên đã tuyên khấn thân mến!
1. Sau những cuộc gặp gỡ trực tuyến với tất cả các ứng viên Dòng Chúa Cứu Thế ở năm Vùng của Hội Dòng và để đúc kết trải nghiệm sống này, tôi thay mặt cho Hội Đồng Trung Ương, Văn phòng Đào Tạo và Điều Phối viên của các Vùng gửi tới anh em sứ điệp này. Tôi viết từ tận đáy lòng, cám ơn anh em đã tham dự cuộc gặp gỡ. Tôi cũng khích lệ anh em trong cuộc hành trình biện phân trở thành “Những thừa sai của Hy vọng theo bước chân Chúa Cứu Thế.” Đào tạo Dòng Chúa Cứu Thế được thực hiện ở năm Vùng của Hội Dòng. Và mỗi cách thực hiện là một mảnh ghép tạo nên bức tranh khảm tuyệt đẹp về ơn gọi Dòng Chúa Cứu Thế.
2. Điều quan trọng là mỗi người có thể phân định cặn kẽ ơn gọi của mình để làm một chọn lựa sống. Họ không được nản lòng trước những khó khăn nảy sinh. Những động cơ sâu xa của ơn gọi phải được gạn lọc rõ ràng và đặt nền tảng vững chắc nơi kinh nghiệm của cộng đoàn, nơi căn tính đặc sủng và đào sâu căn tính ấy, nơi linh đạo Kitô giáo và Dòng Chúa Cứu Thế, cũng như việc đồng hóa với sứ vụ ưu tiên chọn lựa những người bị bỏ rơi nhất , hoàn toàn sẵn sàng và quả quyết phục vụ. Nếu không, anh em sẽ dễ dàng bỏ cuộc. Tại sao tôi lại chọn bước theo Đức Giêsu Kitô trong Dòng Chúa Cứu Thế, gồm các linh mục và các thầy? Điều gì thu hút tôi đến với Hội Dòng? Đặc sủng của Hội Dòng đòi hỏi tôi điều gì? Tôi có sẵn sàng hiến mạng sống mình cho Ơn Cứu Chuộc Chan Chứa và bền đỗ đến cùng không? Tất cả những ai bắt đầu tiến trình ơn gọi DCCT nên đặt ra những vấn nạn ấy để câu trả lời của họ chân thành với chính mình, với Chúa và với Hội Dòng. Việc tuyên lời khấn dòng giống như lời thưa “xin vâng” của Đức Maria: Thiên Chúa gọi, trao phó sứ mạng và chúng ta thưa “xin vâng” nhưng biết rõ những yếu đuối của bản thân vì chúng ta phải trung thành với Chúa cho đến chân thập giá và trong sự phục sinh. Theo nghĩa này, tôi mời gọi anh em trải nghiệm giờ của Chúa trong đời mình, với những mầu nhiệm của giờ ấy, sống sâu sắc chiều kích nhân bản và luôn tìm cách điều chỉnh đời mình cho phù hợp với Tin Mừng và Hiến Pháp của chúng ta. Không có đời tu hay Hội Dòng nào hoàn hảo! Nhưng có một nơi mà mỗi thành viên, với niềm vui và nỗi buồn, với tiềm năng và giới hạn của mình, sẽ nhiệt thành thưa tiếng “xin vâng” của họ mỗi ngày. Nếu đời thánh hiến ở bên ngoài thế giới và vô cảm trước những nỗi đau của thế giới thì đời thánh hiến sẽ phản bội chính mình với tư cách là một kế đồ cứu chuộc.
3. Thế giới ngày nay đề ra cho ta những giải pháp dễ dàng. Nhưng đường lối Chúa không bao giờ dễ dàng. Và thường thì chúng ta chỉ nhìn thấy một phần của cuộc hành trình. Vì vậy, thách đố của chúng ta là khám phá những phần khác của cuộc hành trình. Biện phân là điều thiết yếu cho việc này. Rốt cuộc, có phải chúng ta là những người đi theo Đấng là Đường (Cv 9,2; 22,4; Ga 14,6) không?
4. Đôi khi Chúa cùng bước đi với ta nhưng ta không nhận ra Ngài. Ngài đưa ta đến những ngã đường Emmaus (x. Lc 24, 28-31). Ngài sẽ để lại những dấu chỉ, lòng bừng cháy và mắt Ngài thấy mảng tối trên đường. Chính trong cuộc hành trình hằng ngày mà Chúa tỏ ra khuôn mặt cứu chuộc của Ngài. Chính khi bước đi với Ngài mà ơn cứu chuộc xảy ra. Và điều này thật đáng khích lệ, ngay cả khi ta chỉ biết một phần của lộ trình. Và lộ trình này phải được khám phá suốt đời. Và trên mọi chặng đường, ngay cả những quãng đường đầy chướng ngại vật, như chặng đàng thánh giá… luôn có Chúa là Đấng tỏ mình ra trong mầu nhiệm của Ngài, đang chờ đợi ta, vác thập giá của ta, lau khuôn mặt rướm máu của ta, rửa vết thương ở chân ta. Chúa cùng bước đi với chúng ta. Ngài biết rõ mọi nỗi sợ hãi và đêm tối nơi ta nhưng vẫn tiếp tục gọi ta đi theo Ngài như Ngài đã gọi các tông đồ. Ngài không bỏ rơi ta vì Ngài thành tín.
5. Các ứng sinh ơn gọi và các ứng viên thân mến, hãy chuẩn bị bản thân để trở thành những con người có nhân bản sâu sắc, nhận ra những điểm yếu của mình, tìm cách trở nên tốt hơn mỗi ngày, cởi mở đối thoại và với tinh thần cởi mở để học những điều mới mẻ với sự táo bạo thừa sai. Mái nhà đào tạo không nên làm cho anh em ngăn cách với thế giới nhưng phải là nơi chuẩn bị đưa anh em vào thế giới, vào sứ vụ Đấng Cứu Thế. Tiếng lặng hay tiếng kêu của người bị bỏ rơi phải được lắng nghe bên trong mái nhà đào tạo. Nếu không, mái nhà đào tạo sẽ chỉ là nơi thực hiện một kịch bản đã được lập trình sẵn thông qua việc nghiên cứu học thuật cho việc khấn dòng và chức linh mục. Nhưng nếu lời khấn dòng và chức linh mục không có Chúa Cứu Thế làm nền tảng và không mặc lấy nơi mình chiếc áo của người nghèo nhất trong số những người nghèo, không trở nên kenosis, thì không có khả năng làm những người cứu thế, không thể làm muối, ánh sáng và men trong thế giới ngày nay (x. Mt 5, 13-16; Mt 13,33). Hiện nay chúng ta đang khoác chiếc áo nào với tư cách là tu sĩ?
6. Hội Dòng không cần những “siêu nhân” mà là những con người nhân bản sâu sắc. Họ biết biến sự giản dị của đời sống hằng ngày thành một nơi cho Thiên Chúa hoạt động. Các vị thánh, chân phúc, đấng đáng kính và các vị tử đạo của chúng ta không phải là những con người có phép thần thông, không thể chạm tới được. Các ngài là những con người, với cá tính và yếu đuối của bản thân, đã trải qua một tiến trình hoán cải suốt đời cho đến khi chạm đến nhân tính sâu sắc nhất của mình. Các ngài kinh nghiệm về hành động của Thiên Chúa là Đấng cứu độ mỗi người trong lịch sử cá nhân của họ bằng những hoang địa, xuất hành, thập giá và phục sinh. Các ngài quên mình vì người khác, tiêu hao đời mình vì Ơn Cứu Chuộc Chan Chứa – dies impendere pro redemptis. Những con người bình thường ấy đã trở nên phi thường nhờ cảm thức sâu sắc về đức tin và sứ vụ. Vì thế, anh em trẻ thân mến, chúng ta cũng được mời gọi biến sự giản dị mỗi ngày thành một nơi cho Thiên Chúa gặp gỡ chúng ta. Chỉ bằng cách này, chúng ta mới nhận ra rằng sự thánh thiện không phải là một khái niệm lỗi thời mà là cùng đích của chúng ta trong Thiên Chúa.
7. Đối với tu sĩ DCCT chúng ta, sự thánh thiện không được đặc trưng bởi sự tách biệt khỏi thế gian (fuga mundi). Nhưng bởi việc đảm nhận sứ vụ Đấng Cứu Thế bằng tất cả sức lực của chúng ta, qua việc khấn dòng và như một sự ứng đáp phép rửa của chúng ta: sứ vụ Đấng Cứu Thế. Chúng ta là những thừa sai Dòng Chúa Cứu Thế. Một tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế không yêu thích sứ vụ, không thích sống trong cộng đoàn, không sẵn sàng đến những nơi khẩn thiết cấp bách, không có lòng thương cảm đối với những người bị bỏ rơi nhất, và không nuôi dưỡng một tinh thần thần bí cá nhân, thì cần phải trải qua một tiến trình hoán cải sâu sắc (x. HP 1, 3, 11, 20, 21, 41, 54). Những tiêu chuẩn này là nền tảng cho việc biện phân cá nhân. Lối sống Dòng Chúa Cứu Thế có phải là lối sống mà tôi muốn đảm nhận không?
8. Một trong những thách đố hiện nay mà xã hội đang phải đối mặt là sự bền đỗ trong các cam kết và tương quan cá nhân. Nói theo phép ẩn dụ của Zygmunt Bauman, mọi thứ đều có tính lỏng: xã hội, gia đình, cộng đoàn, tình yêu, tình bạn, v.v. Một mặt, chúng ta có thể chọn sống theo hiện tượng này hoặc mặt khác, sống một lối sống kêu gọi chúng ta bền đỗ trong đời thánh hiến cho Đức Kitô Cứu Thế. Bền đỗ không phải là một nhiệm vụ dễ dàng bởi vì nó có nghĩa là vượt qua những khó khăn hàng ngày và tái xem xét chúng với sự trợ giúp của linh đạo, cộng đoàn, tình bằng hữu và cảm thức về sứ vụ: dành ngày đời mình cho việc cứu thế. Chúng ta không thể bỏ cuộc ngay khi gặp xung đột, khủng hoảng hoặc thất vọng đầu tiên. Sự bền đỗ đòi hỏi sức bật, lòng trung thành sâu thẳm, sự phân định, lòng nhân ái, sự khiêm nhường và sự cởi mở với người khác và Thần Khí. Tôi có bền đỗ với những cam kết của mình không, hay tôi đã bỏ cuộc ngay khi gặp khó khăn đầu tiên? Tôi có muốn sống bền đỗ trong Hội Dòng, hay tôi muốn có một kinh nghiệm và nếu mọi việc suôn sẻ, tôi sẽ ở lại…? Bền đỗ không có nghĩa là kéo dài đời mình theo trình tự thời gian cho đến chết. Người ta có thể sống đời tu Dòng Chúa Cứu Thế nhiều năm mà không bền đỗ; chính thức gia nhập Hội Dòng như một hình thức sinh tồn hơn là một cam kết suốt đời vì sứ vụ. Bền đỗ liên quan đến toàn bộ con người, với những điểm yếu và điểm mạnh cũng như sự sẵn sàng cống hiến hết khả năng của mình.
9. Hãy là những người ham hiểu biết, hằng ngày tìm cách học hỏi và quan tâm đến các vấn đề của Hội Dòng. Đừng bỏ bê việc đào tạo cá nhân suốt đời! Trong bối cảnh xã hội chúng ta đang sống, cần phải vượt ra ngoài triết học và thần học. Làm sao chúng ta có thể trở thành những nhà đào tạo lương tâm nếu chúng ta không chuẩn bị cho sứ mạng này? Chúng ta sẽ đưa ra câu trả lời nào trước những vấn đề mới mà Dân Chúa đặt ra cho chúng ta? Thánh Anphongsô truyền cảm hứng cho chúng ta trong cuộc tìm kiếm này. Triết lý, thần học và linh đạo mà chúng ta học trong các Học viện phải trải qua khoa sàng lọc, qua đời sống thực tế sẽ xác nhận, làm sáng tỏ và cho ta biết liệu kiến thức của ta có thể đối diện và biến đổi thực tại hay không. Vì vậy, hãy là những con người của những nền văn hóa rộng lớn, sống và nói năng một cách giản dị, học từ Tin Mừng để học những ngôn ngữ mới hầu mở ra trước những chân trời mới, và vượt qua những giới hạn của nền văn hóa bản thân mà tìm kiếm thiện ích chung. Đừng bao giờ ngại học hỏi thêm để loan báo Tin Mừng theo một cách thức luôn mới mẻ!
10. Cuối cùng, Hội Dòng mà anh em mong muốn cống hiến đời mình không còn là Hội Dòng thời thánh Anphongsô, Giêrađô, Clêmentê… Hội Dòng được khai sinh và lan rộng, nhờ sự táo bạo thừa sai, nhờ distacco (từ bỏ) của rất nhiều anh em đi trước chúng ta. Hiện nay Hội Dòng có mặt ở hơn 80 quốc gia mà không mất đi đặc sủng của mình. Ngày nay nhiệm vụ này tuỳ thuộc chúng ta thực hiện. Chúng ta muốn có loại Hội Dòng nào cho tương lai? Một Hội Dòng được những bức tường vây quanh? Hay là một gia đình tu trì luôn ý thức về tinh thần thừa sai của mình dựa trên kenosis (tự huỷ) của Đức Kitô, phục vụ những người bị bỏ rơi và chào đón giáo dân vào trong sứ mạng của mình? Vì thế, nơi diện mạo mới này của Hội Dòng, tiến trình tái cấu trúc và tái cấu hình mang lại cho Hội Dòng một biểu hiện khác, mời gọi chúng ta hoán cải trái tim và trí óc và bước ra khỏi vùng an toàn của mình. Tương lai của Hội Dòng tuỳ thuộc vào cách chúng ta lắng nghe Thần Khí, trung thành với đặc sủng, giải thích đặc sủng trong bối cảnh thế giới ngày nay và bền đỗ đến cùng.
11. Anh em trẻ thân mến, anh em đang tìm kiếm điều gì? Hãy đến mà xem (x. Ga 1,38-39). Đừng sợ thưa tiếng “xin vâng” với Đức Kitô Cứu Thế đang kêu gọi anh em. Hãy chia sẻ với người khác niềm hân hoan vì được làm tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế. Niềm vui là đặc tính của chúng ta! Đó là niềm vui xuất phát từ cuộc gặp gỡ với Chúa Cứu Thế, và chúng ta chia sẻ niềm vui đó bằng việc loan báo Tin Mừng của Ngài. Hãy khích lệ những người trẻ khác cống hiến đời mình như những thừa sai Dòng Chúa Cứu Thế vì lợi ích của những người bị bỏ rơi nhất. Còn những anh em đang ở trong các trung tâm đào tạo của chúng tôi, hãy bền đỗ đến cùng và la toả niềm vui Tin Mừng! Anh em không phải là một con số, anh em có một dung mạo và anh em rất quan trọng đối với Hội Dòng!
12. Các ứng sinh ơn gọi và ứng viên thân mến, hãy tiến lên! Hãy can đảm! Xin Mẹ Maria, Mẹ Chúa Cứu Thế, bảo vệ và ban cho anh em ơn bền đỗ cần thiết. Và nguyện xin các Thánh, các Chân phúc, các Đấng đáng kính và các vị Tử đạo của chúng ta truyền cảm hứng cho anh em bước đi trên con đường của Chúa Cứu Thế, luôn là những thừa sai của Hy vọng!
Tận tình trong Đức Kitô Cứu Thế,
Rogério Gomes, C.Ss.R.
Bề Trên Tổng Quyền