Thứ bảy Tuần Bát Nhật PS: Vì sao phải Truyền Giáo và phải truyền những gì?

“Nếu Đức Kitô đã không sống lại thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng, và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng” (1Cr 15,14).

r04Trước cái chết của Đức Giêsu trên thập giá, các môn đệ chẳng còn niềm tin và hy vọng nào. Mọi sự đã kết thúc trong bi thảm. Vì thế, chứng cớ mạnh nhất cho sự sống lại của Người là sự hiện hữu Hội Thánh. Chẳng có điều gì có thể khiến các môn đệ thay đổi từ những người đang buồn sầu, tuyệt vọng trở thành những con người rạng rỡ niềm vui, và rao truyền niềm vui mang lại Ơn Cứu Độ với sự nhiệt thành, can đảm. Phục sinh là sự kiện trung tâm cho toàn thể đức tin và là niềm hy vọng duy nhất. Để đón nhận được toàn bộ đức tin này, ta phải đặt mình trong đức tin và lời chứng của Hội thánh để khám phá sự Hiện diện của Đấng Phục sinh.

Hiện ra với những kẻ theo Người, Đức Giêsu cho thấy, Đấng phục sinh hôm nay cũng chính là vị Thầy của họ hôm qua, Người không phải là một đức Kitô khác, nhưng là một Đức Kitô đã được biến đổi.

Người đã hiện ra với nhiều người thuộc nhiều nhóm khác nhau. Maria Mácđala, đại diện cho nhóm phụ nữ đi theo Chúa được nêu danh đầu tiên. Bà là người tội lỗi, được Chúa trừ cho bảy quỷ, đã trở nên chứng nhân đầu tiên loan Tin mừng Phục sinh, là tông đồ nhiệt thành và yêu mến Chúa trên hết mọi sự. Tác giả Mác cô muốn nhấn mạnh, tội lỗi không chỉ là sự ngăn cách với Chúa, nhưng có thể là khởi điểm cho một hành trình thiêng liêng mà kết quả là trở nên người được yêu mến.

Nhóm các tông đồ và hai môn đệ thuộc nhóm bảy mươi hai môn đệ. Họ đều có những điểm chung: tất cả đã theo Đức Giêsu và đã ở với Người, đã từng nghe lời Người giảng, thấy các việc kỳ diệu Người làm, đặt nhiều hy vọng nơi Người và đã từng thất vọng trước cái chết của Ngài. Họ thật đáng thương.

Thánh Phaolô bảo: “Nếu chúng ta đặt hi vọng vào Đức Kitô chỉ vì những sự đời này, thì chúng ta là những kẻ đáng thương hại nhất” (1Cr 15,19). Nhưng Đấng Phục Sinh vẫn hiện ra với họ với nhiều bằng chứng cho thấy là chính Người, Người đang sống và luôn hiện diện với họ trong mọi hoàn cảnh của cuộc đời.

Điều cao cả đáng quý nhất của Đấng Phục Sinh là Người vẫn tin cậy họ ngay tại điểm họ đã bị đánh bại và tuyệt vọng. Người vẫn hiện ra và giao sứ mạng cho họ. Điều này có nghĩa là Người đã tha thứ cho họ, và lòng cứng tin của họ trở nên sức mạnh cho chứng tá sau này.

Quở trách thái độ cứng tin, bất chấp những tá của những chứng nhân của Đấng Phục Sinh cho thấy sự tai hại cố chấp không mở lòng ra để tin, sẽ đưa đến việc đánh mất ơn cứu rỗi. Đức tin là ơn Chúa ban, ban trực tiếp hay qua nhiều trung gian phải được đón nhận trong thái độ khiêm nhường và biết lắng nghe.

Các môn đệ là những người đã quen nhìn Đức Giêsu với cái nhìn trần tục. Giờ đây, họ phải tập nhìn ra sự hiện diện phong phú của Người nơi các dấu chỉ: Tiếng gọi thân thương, đó là Thầy; hành vi “Bẻ Bánh,” là chính Người; cứ vâng nghe lời Người đi, “Chúa đó”; dù bằng bất cứ hình dạng nào, nhưng  đều là sự tỏ mình của Thầy trong thân xác phục sinh đã đổi mới. Vì thế rất cần được Đức Giêsu mở mắt, mắt tai, mở lòng cho để nhận ra Đấng Phục Sinh là chính Người.
Kinh nghiệm vất vả để được biến đổi ấy được các môn đệ làm chứng qua “những gì họ đã chứng kiến”.

Đấng Phục Sinh không phải là một nhân vật trong quá khứ, nhưng Người là một Hiện Diện sống động, để bất cứ ai cũng có thể gặp gỡ Người.

Đấng Phục Sinh không phải là một kỷ niệm trong ký ức, mà Người là một Hiện Tại đầy quyền năng, mà mọi con người ở mọi nơi, mọi thời có thể gặp và sống trong sự Hiện diện và Quyền năng của Người.

Đời sống người tin vừa là đời sống của người biết về Chúa Giêsu là Đấng Chịu Đóng Đinh và Phục Sinh để đem lại ơn tha tội, vừa làm chứng cho niềm hy vọng đặt nơi Chúa. (x. 1Pr 3,15). Niềm hy vọng loại trừ mọi hành vi bi thảm, cay đắng.

Thật lạ lùng việc Đấng Phục Sinh giao phó sứ mạng rao giảng Tin mừng cho những con người mỏng dòn ấy, nhưng đó cũng là dấu chỉ khả tín nơi mỗi người trong Hội thánh, bằng niềm vui phục sinh. Nếu sự cứng tin của họ vào các chứng nhân là kinh nghiệm đẫn đến việc suýt mất Ơn Cứu Độ, thì việc hăng say rao giảng Tin mừng bằng chứng tá cá nhân và tập thể, sẽ là thế mạnh để Đấng phục sinh được hiện diện trong các tâm hồn và trong thế giới.

Jos Ngô Văn Kha CSsR

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết