Thứ Bảy sau CN5 PS: Vì sao Hội thánh lại bị ghét?

Tại sao Phật Giáo không bị ghét,mà Công Giáo lại bị ? Tại sao Đức Phật không bị bêu nhục, mà Đức Kitô lại bị?

jesus-trial-pilate-1Tôi hân hạnh thuộc về một Hội thánh bị người ta ghét. Đã hẳn, người nhận biết bản tính thần linh của Hội thánh thì yêu mến Hội thánh. Nhưng kẻ tưởng Hội thánh là lỗi thời, lạc hậu, dị đoan, ma thuật thì ghét Hội thánh. Người chịu ơn thiêng liêng của Hội thánh thì yêu mến Người như Mẹ, còn những kẻ khác thì xua đuổi, hoặc dửng dưng. Các giáo phái chia rẽ nhau về nhiều điều, nhưng hợp nhất với nhau trong việc coi Hội thánh là kẻ thù chung.

Thế gian đối xử với Hội thánh y hệt như đã đối xử với Đức Giêsu, Người được yêu mến, nhưng cũng bị ghét bỏ; không ai được quí trọng như Người, nhưng cũng không có ai bị khinh dể như Người.

“Tại sao Phật Giáo không bị ghét, mà Công Giáo lại bị? Tại sao Đức Phật không bị bêu nhục mà Đức Kitô lại bị?”

Trong cuộc đời Đức Giêsu, việc yêu và ghét đã được bày tỏ cách mãnh liệt hơn bất cứ ai khác. Người báo trước mình sẽ được yêu mến cũng như bị ghét bỏ. Người nói người ta sẽ thờ phượng Người, cũng như sẽ khinh dể Người. Người nói rằng, sự mâu thuẫn ấy sẽ kéo dài cho đến tận thế. Người ta sẽ giương cao Người lên thập giá, nhưng khi bị treo trên đó, Người sẽ kéo những tấm lòng yêu mến lên với Trái Tim đầy nhân ái của Người: “Khi nào Tôi bị treo lên, Tôi sẽ kéo mọi sự lên cùng Tôi.” (Ga 12,32)

Đức Giêsu nói, người ta sẽ mến Người hơn cha mẹ yêu con cái, hơn con cái yêu cha mẹ. Như thế không có nghĩa là cha mẹ thôi yêu con cái, hoặc con cái hết yêu cha mẹ, nhưng họ phải yêu nhau trong Người, phải mến Người trên hết. Như vậy chẳng hợp lý sao? Ngọn lửa chẳng hơn tia sáng? Đấng Tạo Hóa chẳng hơn, chẳng đáng mến các tạo vật sao?

Trong lịch sử, thử xem có người nào khi đã chết, còn được người ta yêu mến đến mức tế tự, cầu đảo chăng? Trong mọi thời đại, các thế hệ đã hăm hở chạy đến cùng Cây Thánh Giá thấm đẫm nước mắt tình yêu, và tuyên xưng như Thánh Phaolô: “Tôi tin chắc rằng: cho dẫu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào khác, trời cao hay vực thẳm hay bất cứ mọi loài thọ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta!” (Rm 8,38-39)

Điều ấy, như các bậc vĩ nhân trước ông, Hoàng đế Napoléon đã nhận ra, trong cảnh cô đơn tại đảo Hélène, cay đắng suy nghĩ về sự phù du của đời mình cũng như cuộc đời vua Louis XIV, ông viết “Vị Đại đế này chết đã từ lâu, quần thần bỏ mặc, có khi còn bị khinh rẻ, nay nằm vò võ một mình trong lăng. Ông không còn là chúa tể của họ nữa. Chỉ còn là thây ma trong quan tài. Đó cũng là số phận của tôi. Chẳng bao lâu nữa, sắp tới rồi. Thật xa cách nghìn trùng, giữa số phận khốn khổ của tôi so với Vương Quyền Chúa Giêsu hằng được cao rao, yêu mến, tôn thờ khắp vũ trụ”.

Pascal nói: “Chúa Giêsu đã muốn được người ta yêu mến. Người đã đạt, vậy Người là Thiên Chúa.” Chính sự khát khao một tình yêu toàn hảo, đã dẫn chúng ta đến với Đấng đã dựng nên chúng ta vì Người, và thiếu Người, chúng ta không thể hạnh phúc được.

Nhưng Đức Giêsu đã làm gì nên tội?

Trong cuộc đời Đức Giêsu, việc người ta ghét Người cũng minh chứng Người là Thiên Chúa. Người hiền hoà, rất mực khiêm nhu. Phúc Âm Người rao giảng là tình yêu, cả với kẻ thù. Lúc hấp hối, Người tuyên bố tha thứ cho những kẻ giết hại mình. Người chữa lành các thương tật, lại bị đả thương. Người cho kẻ chết sống lại, lại bị giết chết. Người cải ác khuyến thiện, hiến mạng để cứu độ muôn dân, đem sự sống thần linh hoà giải với loài người, mà lại bị đóng đinh thập giá.

Còn những ai yêu mến Người, tại sao cũng bị ghét?

Họ chọn sống nghèo và khiêm nhu như Chúa của họ. Họ ước ao nên hoàn thiện như Cha trên Trời. Họ chúc phúc cho người nguyền rủa, bách hại. Lời chúc phúc ấy chứng minh cho sự thiện hảo của họ. Một đời sống như thế, một giáo lý như vậy, không có gì để ghét.

Vậy phải tìm lý do nơi khác.

Có kẻ cho Chúa Giêsu là phỉnh gạt, Phúc Âm là gian dối. Nếu thật như thế, thì nó phải canh tân xứ sở, cải hoá nhân tâm, chấn hưng thuần phong mỹ tục… Thế nhưng thực tế nó đã làm gì? Thành tích mỹ hảo của nó ở đâu? Nó đã giải thoát người ta cách nào khỏi sự bại hoại đạo đức? Nó khích lệ, an ủi được bao nhiêu tâm hồn, có đem lại sự an ủi, nhân ái, an bình? Đâu là Nữ Tu bác ái, Nữ Tu người nghèo của nó? Sự ghét Chúa có sản sinh được anh hùng tuẫn nghĩa, thiếu nữ đồng trinh, gia đình hạnh phúc? Không hề có!

Vậy giải thích sự thù hằn thâm căn cố đế kia thế nào?

Chưa hề có người nào bị ghét cay ghét đắng cho bằng Chúa Giêsu. Chưa có Vị sáng lập tôn giáo nào báo trước mình bị ghét bỏ, bị giết chết. Người ta không ghét Đức Phật, hay Ông Mahômet. Một ít người bị ghét lúc sinh thời như Hoàng đế Néron, là vì sự phóng dật của ông và ngăn cản người dân Rôma thiết lập nền công bằng xã hội. Hoàng đế Hốt Tất Liệt bị ghét vì sự chinh phục của ông để lại từng núi xương, sông máu. Nhưng ngày nay, còn có ai nghĩ đến tội ác của họ để ghét họ nữa? Họ chết là hết bị ghét!

Vậy sao hai mươi thế kỷ đã qua, sự ghét Đức Giêsu vẫn chưa nguôi. Đâu là lý do? Đó là vì Đức Giêsu và giáo lý của Người ngăn cản thị dục người ta. Vì Người còn là một chướng ngại vật cản trở tội lỗi, tính ích kỷ, thuyết vô thần và tinh thần thế tục. Người quở trách kẻ tội lỗi không chịu sửa mình, cảnh cáo những tâm hồn còn lưu luyến tinh thần thế tục. Nếu Đức Kitô còn, thì sự thù ghét Người vẫn còn.

Nếu Người còn mãi, sống mãi, thì Người phải là Thiên Chúa. Và Người tiếp tục hoạt động nơi Hội thánh.

Vì thế, Hội thánh còn bị bách hại bao lâu tinh thần thế tục chưa bị tiêu diệt. “Trong thế gian, anh em sẽ phải gian nan khốn khó. Nhưng can đảm lên, Thầy đã thắng thế gian.” (Ga 16,33)

Đó là lý do Hội thánh bị người ta ghét, vì mối thù ghét ấy dai dẳng, đến nỗi tất cả những ai yêu mến Người, cũng sẽ bị thế gian ghét bỏ; Thế gian đây, phải hiểu là tinh thần thế tục, mâu thuẫn với tinh thần Phúc Âm. Người nói: “Nếu thế gian ghét anh em, anh em hãy biết rằng, nó đã ghét Thầy trước. Giả như anh em thuộc về thế gian, thì thế gian đã yêu thích cái gì là của nó. Nhưng vì anh em không thuộc về thế gian, và Thầy đã chọn, đã tách anh em khỏi thế gian, nên thế gian ghét anh em. Hãy nhớ lời Thầy đã nói với anh em: tôi tớ không lớn hơn chủ nhà. Nếu họ đã bắt bớ Thầy, họ cũng sẽ bắt bớ anh em.” (Ga 15,18-21)

Hôm nay, nếu Bạn muốn gặp Chúa Giêsu, hãy tìm đến Hội thánh, vì Hội thánh mà thế gian ghét bỏ, như nó đã ghét bỏ Chúa Giêsu không chịu thích nghi với thế gian.

Hãy tìm đến Hội thánh, dù Hội thánh bị chế giễu là lạc hậu như Chúa Giêsu từng bị khinh khi là vô học. Những kẻ cuồng tín chủ trương phải huỷ diệt Hội thánh, như xưa những kẻ đóng đinh Chúa Giêsu tưởng làm như vậy là phụng sự Thiên Chúa.

Hãy tìm đến Hội thánh mặc dù Hội thánh bị ghét bỏ, giáo dân không có địa vị cao trong xã hội, nhưng Hội thánh có Chân lý, có sự tự do của con cái Chúa và thông ban sự sống của Thiên Chúa.

Vì Hội thánh được con cái yêu mến, ngang với Chúa Giêsu, mặc dầu họ rất khác nhau về tư kiến. Tiếng nói của Hội thánh là tiếng nói của Đức Giêsu.

Rồi bạn sẽ hiểu sở dĩ thế gian ghét Hội thánh, vì Hội thánh không thuộc về thế gian mà thuộc về một thế giới khác. Chính bởi Hội thánh thuộc về một thế giới khác, nên Hội thánh được yêu mến vô cùng và cũng bị ghét bỏ vô cùng, như Đức Kitô.

Nhưng chỉ có sự gì thuộc về Thiên Chúa, mới được yêu mến vô cùng, hoặc bị ghét bỏ vô cùng.

Vì thế, chúng tôi yêu mến Hội thánh, chúng tôi hy vọng được chết trên cánh tay lành thánh của Hội thánh.

(Lược tóm Chương XII: Yêu và Ghét, trong tác phẩm “Người Galilê muôn thuở” của Đức Hồng Y Tổng Giám Mục Fulton Sheen)
                                                                             Jos Ngô Văn Kha CSsR

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết