Đức Giêsu là sự mặc khải của Chúa Cha và Chúa Cha được mặc khải nơi Người Con.
Thiên Chúa là Đấng vô hình, vô phương đạt thấu. Ngay cả khi khi Thiên Chúa tỏ bày vinh quang cho Môsê được thấy, ông cũng chỉ thấy được vẻ “thoáng qua” của Người (Xh 33,12-23). Vì không ai có thể thấy Thiên Chúa mà còn sống!
Không ai có thể biết Thiên Chúa, nếu chính Người không mặc khải; cũng không ai có thể thấy Thiên Chúa nếu chính Người không “lộ hình”.
Chỉ nhờ Đức Giêsu trong mầu nhiệm mà Người mặc khải, là Con Thiên Chúa, là Đấng luôn kết hợp khắn khít với Chúa Cha mà Người diễn tả là “nên một”, mà chúng ta mới biết và thấy được Thiên Chúa Chí Tôn là Cha từ muôn đời trong sự hiệp thông yêu thương với Người Con (x.Ga 1,18).
Người là con đường duy nhất đưa con người đến với Thiên Chúa, là sự thật bộc lộ cho các môn đệ, là những người Đức Giêsu yêu mến cho đến cùng, và là sự sống thần linh, Người sẵn lòng ban trọn vẹn cho họ.
Không ai trong nhân loại chỉ nhờ sức riêng mà có thể đạt tới Thiên Chúa trong thực tại đích thực của Người. Chỉ nhờ Đức Giêsu mà chúng ta được biết Chúa Cha.
Đức Giêsu sống thế nào, chúng ta không biết, cũng không thể tưởng tượng ra được, nhưng nhờ Người nói: “ Thầy ở với anh em bấy lâu, thế mà anh Philípphê, anh chưa biết Thầy ư? Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha”, mà chúng ta biết được Thiên Chúa là ai, Người làm gì và muốn gì.
Cái “thấy” không phải là thấy hình tướng, nhưng là “thấy cái nội tâm huyền nhiệm” mà Đức Giêsu bày tỏ cho các môn đệ thấy qua chính cuộc sống của Người; cái “biết” không phải là cái biết về tri thức trong phạm trù nhân loại, mà là cái “biết những huyền nhiệm” là những gì bí ẩn nhất của Người mà Người tỏ cho các các môn đệ trong suốt đời sống của Người.
Đức Giêsu mặc khải một bí ẩn lớn nhất về sự kết hiệp nên một, là “ở trong”. Không phải là có cái tôi thứ hai nhập vào trong Người, khuấy động Người, điều khiển Người, khiến Người không tự chủ được, nhưng là sự kết hợp hoàn hảo hòa quyện của hai Ngôi vị trong một bản tính, mà không pha trộn, lẫn lộn, vẫn phân biệt bằng ngôi thứ, Cha và Con.
“Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha”. Vì thế, Đức Giêsu bảo: “Những lời Thầy nói với anh em, Thầy không tự mình nói ra.” Nếu Đức Giêsu không tự mình nói ra, thì ai nói? Phải chăng đó là sự hé mở cho các môn đệ “biết và thấy” một mầu nhiệm cao cả, là cái phúc cho họ, những phàm nhân, được thấy và biết mọi sự thật về Chúa Cha nơi Người Con.
Thiên Chúa nơi Đức Giêsu đã bước vào một gia đình tầm thường. Người đã thánh hóa việc con người được sinh ra, nơi con người sống và lớn lên. Người đã lao nhọc vất vả để kiếm miếng ăn, để thánh hóa công việc và giúp con người học biết cách tạ ơn Chúa, Đấng nuôi sống họ từng ngày.
Thiên Chúa nơi Đức Giêsu biết tất cả những khó khăn, bấp bênh của cuộc sống phải lụy thuộc vào quá nhiều điều, biết từng vấn đề của đời thường mà con người phải đối diện và phải giải quyết hàng ngày.
Thiên Chúa nơi Đức Giêsu biết thế nào là họa, phúc, biết những yếu đuối hạn chế của thân phận làm người, biết những cám dỗ rình rập, lôi kéo người ta xa lìa con đường của Thiên Chúa.
Thiên Chúa nơi Đức Giêsu, biết những mối mối hiểm nguy dẫn người ta đến sự chết người là tội lỗi, và đàng sau nó, thấp thoáng bóng đen của Ác thần.
Trong Đức Giêsu, người ta thấy một Thiên Chúa dám lột bỏ vinh quang và vì quá yêu thương đã hạ mình mang lấy kiếp phàm nhân, để trở nên một Thiên Chúa đồng thân, đồng phận với con người.
Lúc Tình Yêu bước vào đời, chúng ta thấy vị Thiên Chúa đang cúi xuống với hết khả năng để chăm sóc những vết thương của con người và mặn nồng ôm choàng lấy mọi người, với những cảm xúc xuyên thấu tâm hồn, quặn thắt trước những nỗi đau thể xác và tinh thần của con người. Có thể nói, những gì đang xảy ra cho con người, cũng xảy ra cho vị Thiên Chúa làm người ấy.
Và để chứng minh điều đó là sự thật, Người đã mang lấy tất cả những vết thương của nhân loại và mãi mãi in trên thân thể Người, mãi mãi in vào trong tâm hồn Người, trong Trái Tim Tinh Khiết đầy ắp yêu thương của Người, trong cả sự sống và cái chết của Người.
“Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha” là thế! Đức Giêsu là sự mặc khải của Chúa Cha và Chúa Cha được mặc khải nơi Người Con. Sự mặc khải vĩ đại này khiến cho tâm trí loài người phải ngạc nhiên sửng sốt, nhưng tâm hồn lại ngập tràn hân hoan.
Jos Ngô Văn Kha CSsR