Lòng tin vào Đức Giêsu không phải là sự thấu hiểu những lý thuyết, dù là những chân lý, nhưng là tin và gắn bó với một Đấng có tên là Giêsu.
Như những người Do thái, các môn đệ Đức Giêsu cũng lấy làm chướng tai khi nghe Người tuyên bố mình “là Bánh Hằng Sống từ trời xuống. Ai ăn sẽ được sống muôn đời”. Họ không chấp nhận điều trái khoáy này.
Các môn đệ biết Đức Giêsu là Đấng Thánh của Thiên Chúa vì có quyền năng. Họ sẵn sàng bỏ mọi sự theo Người, để mong được tham dự vào Nước Thiên Chúa đầy uy lực. Họ chẳng bao giờ nghĩ phải “ăn” Người mới có sự sống đời đời. Họ đang đứng trước thách đố niềm tin, một thách đố quá sức tưởng.
Họ chỉ thấy một Giêsu lịch sử đang đứng trước mắt họ, và chẳng để tâm đến lời Người: “Nếu anh em thấy Con người lên nơi ở trước kia thì sao?”. Đó là một phạm trù khác, một thế giới khác hoàn toàn với cõi đất này; đó là mầu nhiệm mà người ta phải đón nhận để trải nghiệm, hơn là đòi phải được diễn giải bằng lý lẽ.
Đức Giêsu, Đấng Cứu Chuộc con người không chỉ là một người sống cao quí và chết dũng cảm cho một chính nghĩa, mà Người còn là một mầu nhiệm. Phải vượt qua những thực tại trần gian để chạm tới mầu nhiệm; phải hiểu trong chiều kích mầu nhiệm, những hình ảnh thuộc về trần gian mà Đức Giêsu đã diễn tả, như sinh ra (trong thế gian) – sinh lại (bởi ơn trên) (Ga 3,3-4), nước này – nước tôi cho (Ga 4,13-14), thờ phượng trên núi này – thờ phượng trong Thần Khí và sự thật Ga 4,21-23), bánh này – bánh tôi ban, ăn uống – thịt máu (Ga 6,49-51.55-56).
Vì thế, Đức Giêsu tuyên bố: “Thần Khí mới làm cho sống chứ xác thịt chẳng ích gì”. Giá trị của một điều tùy vào mục đích tốt đẹp và sự trỗi vượt của nó: “Lời Tôi là Thần khí và là sự sống.”
Sự sống có giá trị hay không tùy mục tiêu nó nhắm tới. Chỉ một mình Đức Giêsu cho chúng ta thấy mục tiêu đích thật của đời sống, và cũng chỉ một mình Người ban cho chúng ta năng lực để thực hiện mục tiêu ấy
Không ai có thể tin nhận Đức Giêsu nếu không bởi sức mạnh của Chúa Cha lôi kéo, nếu không được Thánh Thần tác động. Nhưng con người cũng có thể chống lại sức mạnh ấy cho đến cùng. Vì vậy Đức Giêsu biết là ngay từ đầu có những kẻ không tin và kẻ nào sẽ nộp Người.
Mặc khải vĩ đại về mầu nhiệm của Người, một phương thế duy nhất để có sự sống đời đời, lại có một kết thúc thất bại trong bi thảm. Người ta chỉ chấp nhận những gì như mình nghĩ, không chấp nhận những gì theo Thiên Chúa nghĩ. Người ta khước từ Người vì khó sống những lời Người dạy, vì những lời ấy luôn đặt họ trong sự thách đố phải tin tưởng, phải chọn lựa, chứ không phải vì không biết Người.
Từ nay trở đi, sự chối bỏ, chống đối ngày càng tăng cho đến đỉnh điểm là thập giá.
Trước tiên là sự bỏ cuộc, vì thấy việc làm môn đệ Đức Giêsu sẽ chẳng được lợi lộc hoặc vinh dự gì. Kế đến là sự suy thoái, phản bội như Giuđa.
Trước tình thế đó, Đức Giêsu hỏi Nhóm Mười Hai: “Cả anh em nữa, anh em cũng muốn bỏ đi hay sao?”. Ông Simon Phêrô liền đáp: “Bỏ Thầy chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời. Phần chúng con, chúng con đã tin và nhận biết rằng chính Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa.”
Trong hoàn cảnh bi đát này, tác giả Gioan đặt lời tuyên xưng đức tin của Phêrô vào Đức Giêsu như chứng tỏ cho thấy đức tin và sự lôi kéo của Chúa Cha, chính là lòng trung thành mà Người mong muốn.
Lòng trung thành của Phêrô sẽ bị thử thách và ông sẽ quỵ ngã vì bản tính yếu hèn của bản thân, nhưng tình thương của Đức Giêsu đã nâng ông trỗi dậy.
Bây giờ, ông vẫn còn nhiều điều khúc mắc, không hiểu hết những lời của Đức Giêsu và những hành động Người sẽ làm, nhưng ông dám nói lên những xác tín của mình và quyết tâm đi theo cho đến cùng.
Lòng tin vào Đức Giêsu không phải là sự thấu hiểu những lý thuyết, dù đó là những chân lý, nhưng là tin vào một bản vị, gắn bó với một Đấng, một người có tên là Giêsu.
Jos Ngô Văn Kha CSsR