Đâu là hình ảnh trung thực về Thiên Chúa? Đây là điều rất quan trọng, bởi chính cái nhìn của chúng ta về Thiên Chúa sẽ chi phối và ảnh hưởng đến niềm tin và lối sống đạo của ta.
Có những thứ ta nhìn mà không thấy, thấy bên ngoài nhưng không thấy bên trong, chỉ cảm nhận được, hoặc chỉ thấy qua các dấu chỉ như các yếu tố tinh thần, ý nghĩ, tâm tư, tình cảm…
Thiên Chúa vô hình, Người cấm tạc tượng (Xh 20,4-5), vì không có hình ảnh nào có thể khắc họa trung thực về Người, vì biết người ta dễ bị hấp dẫn bởi vẻ linh thiêng huyền bí bên ngoài, bởi suy nghĩ và sở thích riêng của họ, để rồi làm méo mó “khuôn mặt” của Thiên Chúa, hoặc đi đến chỗ phiếm thần.
Vậy đâu là hình ảnh đích thực của Thiên Chúa? Đây là điều rất quan trọng, bởi chính cái nhìn của chúng ta về Thiên Chúa sẽ chi phối và ảnh hưởng đến niềm tin và lối sống đạo của ta.
Ví dụ người Do thái quan niệm:
– Thiên Chúa là Đấng Chí Thánh nên hoàn toàn tách biệt với những gì phàm tục và tội lỗi. Do đó những ai muốn là con cái Chúa, phải sống tách biệt như vậy. Điều này đúng, nhưng sai ở chỗ người ta lại khinh khi và loại trừ những người tội lỗi, bỏ qua việc Thiên Chúa, dù ghét tội lỗi nhưng lại rất yêu thương những tội nhân và muốn họ được cứu thoát.
– Thiên Chúa công bằng vô cùng, thưởng phạt nghiêm mình. Vì thế phải chu toàn lề luật để trở nên công chính. Ai sống công chính sẽ được phúc lành, kẻ tội lỗi sẽ gặp hoạn nạn tai ương.
– Có người lại nghĩ Thiên Chúa chỉ thấy bên ngoài, nên họ sống giả hình; thích ăn hối lộ, nên họ dâng cúng tiền bạc vào đền thờ để mua chuộc, trao đổi…
Thiên Chúa là Cha của Đức Giêsu (Ga 5,17-18), đó là mạc khải vô cùng lớn lao, làm đảo lộn mọi suy nghĩ của người Dothái. Người còn khẳng định: “Ai thấy Ta là thấy Cha” (Ga 14,9). Đức Giêsu chính là khuôn mặt của Chúa Cha ở trần gian này.
Dụ ngôn Người Cha nhân hậu của Đức Giêsu (Lc 15, 1-3.11-32) mô tả rõ nét về Dung mạo của Thiên Chúa, vì Người chính là hình ảnh Thiên Chúa vô hình (Cl 1,15).
Làm nổi bật Dung mạo Thiên Chúa đầy lòng xót thương, luôn khoan dung và tha thứ tội lỗi của hai đứa con trong dụ ngôn, Đức Giêsu cho nhóm biệt phái và các kinh sư thấy quan niệm của họ về Thiên Chúa là sai lầm trầm trọng, kéo theo sự lầm lẫn về đức tin và thái độ sống đạo của họ, ở đây là thái độ đối với tội nhân.
Đừng tưởng Thiên Chúa xa cách những tội nhân và chỉ có con người mới vất vả đi tìm Thiên Chúa. Không. Chính Thiên Chúa, nơi Đức Giêsu mới đi tìm con người và luôn yêu thương, sẵn lòng tha thứ, nếu họ ăn năn, trở về, đồng thời mời gọi mọi người hãy có lòng nhân từ thương xót như Thiên Chúa, để mừng vui vì một người đã mất, nay tìm thấy, kẻ tưởng đã chết nay được cứu sống.
Đức Giêsu, hình ảnh trung thực của bản thể Thiên Chúa (Dt 1,3), nên chỉ có Người mới tỏ cho thấy lòng từ bi nhân hậu và hay thương xót, được diễn tả qua việc chậm bất bình và giàu ân sủng (Xh 34,6).
Thiên Chúa là Đấng Siêu Việt, bóng tối đau khổ không chạm được tới Người. Nhưng vì Người cũng là Thiên Chúa Tình Yêu, nên Người không thể dửng dưng, chẳng chút chạnh thương khi nhìn thấy con người tội lỗi chịu đau khổ và phải chết.
Trong dụ ngôn, ta thấy một trật, đau khổ của người con như được ôm lấy bởi hạnh phúc của Người Cha và hạnh phúc của người con được đón nhận, cảm nghiệm được những nỗi khắc khoải khổ đau của Người Cha, qua hai cánh tay đang ôm chặt lấy mình. Hai cánh tay biểu tượng cho quyền năng và sức mạnh thống trị, nay trở nên trìu mến và yếu đuối cách lạ thường
Trong dụ ngôn, ta thấy sự Thánh Thiện uy nghiêm của Thiên Chúa tách biệt khỏi thế giới phàm tục, tội lỗi, không phải là khép kín, mà tỏa rạng khi “ra khỏi mình”, ra khỏi quan niệm hạn hẹp của con người, để trông chờ, ngóng đợi và để chạy vội đến với người con, ôm lấy và hôn lấy hôn để. Điều này được Đức Giêsu bày tỏ qua thái độ sự đón tiếp các tội nhân và ăn uống với họ, để thánh hóa và tái lập tình con thảo nơi họ.
Trong dụ ngôn, ta thấy Sự Công Chính của Thiên Chúa không phải là chuyện đúng – sai, nhưng là “tín trung và nhân hậu” (Hs 2,11), không phải là đức công bằng báo thù, mà là đáp cứu kẻ khốn cùng, vì “Ngoài Ta ra, không có thần nào nữa, chẳng có thần công minh cứu độ, ngoại trừ Ta” (Is 45,21); Sự công bằng của con người trừng phạt lầm lỗi, còn sự công bằng của Thiên Chúa chỉ là thứ tha (Đn 9,16).
Trong dụ ngôn, ta thấy Người Cha nói với người con cả, đó cũng là lời Đức Giêsu nhắm tới những người biệt phái và kinh sư, để mời gọi họ gạt bỏ mọi quan niệm sai lầm về Thiên Chúa, để tiếp nhận một hình ảnh trung thực của Dung mạo của Thiên Chúa, Đấng giầu lòng từ bi và hay thương xót, chậm giận và hay thứ tha. Điều này sẽ chi phối và ảnh hưởng đến niềm tin và lối sống đạo của họ.
Còn chúng ta thì sao?
Jos Ngô Văn Kha CSsR