Thứ ba Tuần Thánh: Vắt cạn Tình Yêu

Sự mênh mông, bao la của tình yêu Giêsu đã dồn cả vào trong thời khắc quan trọng, quyết định này: Vắt cạn tình yêu.

thbaTrong bầu khí yêu thương ngập tràn của bữa ăn tối, “Đức Giêsu biết giờ của Người đã đến, giờ Người phải bỏ thế gian mà về cùng Chúa Cha. Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng” (Ga 13,1), đến nỗi hạ mình rửa chân cho các môn đệ.

Phải dìm mình trong bầu khí ấy, ta mới cảm nhận được thế nào là tình thương nhập thể, tình thương ngấm vào từng chi thể của Đức Giêsu, và tình thương ấy thể hiện qua hành động rửa chân của Người cho các môn đệ, lần lượt từng người một, trong đó có Giuđa Íchcariốt, để nghiệm ra tiếng gọi cuối cùng của một tình yêu mong mỏi những người mình yêu… hiểu.

Thật bi thương cho niềm khát khao này và càng bi đát hơn khi đang trong “gam” hồng yêu thương hoàn hảo ấy, xuất hiện sự chai lỳ, trơ trẽn rắp tâm phản bội của môn đệ Giuđa, con ông Simon Íchcariốt.

Nên đang lúc dùng bữa, Đức Giêsu cảm thấy tâm thần bị chấn động, xao xuyến, Người tuyên bố có một người trong nhóm sẽ nộp Người. Đang khi các môn đệ khác còn chưa hết ngỡ ngàng, phân vân và bối rối, Giuđa đã hiểu. Dù ông khéo che đậy dã tâm với màn kịch khéo, nhưng không thể dấu được cảm nhận nhạy bén của tâm hồn vô cùng tinh tế của vị Thầy, của ánh mắt yêu thương của Thầy.

Vì yêu thương cho đến tột cùng, nên ánh mắt ấy xoáy vào tận cõi lòng Giuđa, thấy được bên trong những hành vi tận tụy, ngoan ngùy, là cái tăm tối ghê sợ của một người đã bán rẻ linh hồn cho quỷ dữ .

Phêrô làm hiệu cho người môn đệ Chúa yêu lúc đó đang ở bên cạnh Người, đầu ngả vào lòng Người, hỏi là ai. Đức Giêsu nói: “Thầy chấm bánh đưa cho ai, chính là kẻ ấy”.

Theo thói tục người Do thái khi dùng bữa, người ta ngả người trên bàn ăn chứ không ngồi, khuỷu tay trái chống xuống đỡ thân mình, tay mặt lấy thức ăn. Đức Giêsu chủ tọa, nên có vị trí ở giữa bàn ăn. Người môn đệ Chúa yêu ngồi bên phải Người, vì khi tựa khuỷu tay trái xuống thì đầu của người ấy kề ngay trên ngực Người, và như thế Giuđa hẳn phải ở bên trái, vì Đức Giêsu có thể nói với ông mà các môn đệ khác không thể nghe được, và khi Đức Giêsu chấm miếng bánh, ông phải ở gần để nhận. Chỗ ngồi và miếng bánh chủ tiệc trao cho ai nói đến thế giá và vinh dự cho người đó đối với cả bàn tiệc. Giuđa luôn được Thầy dành cho tình cảm đặc biệt. Ngay lúc này, Đức Giêsu còn tế nhị không tiết lộ tên ông ra, mà chỉ dùng hành vi để người môn đệ Chúa yêu hiểu.

Nhưng Giuđa đã phớt lờ, lòng dạ không lay chuyển trước sự ưu ái thấm đượm tình mến của Thầy. Sự bi thảm là đây, Đức Giêsu không hề tìm cách cứu mình, mà chỉ muốn cứu Giuđa khỏi công việc ông đang làm. Người thấy ông bình thản ăn hết miếng bánh, và Satan nhập vào ông. Thất bại trong đau đớn, Người bảo: “Anh làm gì thì làm mau đi”. Đang tìm lý do chính đáng để rời bàn tiệc, tiến hành ý định phản bội, nghe thế, Giuđa đi ra, lúc đó trời đã tối.

Đức Giêsu thấy Giuđa lao mình vào trong cảnh tối tăm của đất trời, như muốn hòa trộn với sự tăm tối ma quái trong lòng Giuđa cùng sự hả hê đắc thắng của Satan. Đó là sự bi thảm nhất của cuộc đời Đức Giêsu, lúc giờ của sự tội, của thế gian, của Satan chụp xuống Người, nhưng lạ lùng thay, Đức Giêsu lại thấy đó là Giờ mà Người được tôn vinh, và Chúa Cha cũng được tôn vinh nơi Người.

Giuđa đã đi ra và thập giá chắc chắn sẽ đến. Đức Giêsu ý thức việc Chúa Cha sẽ tôn vinh Người Con nơi chính mình. Vì thế, Người bước vào cuộc thương khó trong tư thế của một Người Con hoàn toàn vâng lời và phó mình trong tay Chúa Cha. Các môn đệ sẽ thấy con đường Thầy đi, thấy điểm cuối con đường ấy, nhưng nơi Người đến, bây giờ họ không thể đến được.

Phêrô khẳng khái muốn đi theo Thầy, dù phải bỏ mạng, nhưng Đức Giêsu, trong tình thương mến, cho ông biết về con người thật của ông: ý chí thì yếu đuối và thái độ thì hèn nhát. Dù vậy, Đức Giêsu vẫn quý mến bản chất trung thực và lòng mến của ông đối với Người.

Báo trước sự yếu đuối của Phêrô, Đức Giêsu không có ý làm tổn thương ông, nhưng cho thấy chính thái độ hèn nhát chối Thầy của ông mới gây ra cho Người nhiều thương tổn, như thái độ dứt khoát “phụ tình” của Giuđa. Sự thấu hiểu của Đức Giêsu cho Phêrô thấy, chẳng những Người biết rõ về ông, mà còn biết rõ con người ông sẽ trở thành.

Sự mênh mông, bao la của tình yêu Giêsu đã dồn cả vào trong thời khắc quan trọng, quyết định này: Vắt cạn Tình Yêu. Những gì người ta thấy trong những ngày sắp tới là mặt bên kia của tình yêu ấy: Một Tình Yêu bị đóng đinh.

   Jos Ngô Văn Kha CSsR

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết