Thứ ba Tuần Bát Nhật PS: Con tim đã vui trở lại

Những lúc gặp đau khổ hay bế tắc, đừng mãi dán mắt vào đó, nhưng hãy ngước mắt lên trong niềm tin và hy vọng và lắng tai nghe tiếng gọi của Người.

tải xuốngMaria Magdala là người được Đức Giêsu trừ cho khỏi bảy quỷ. Con người tưởng như đã phó mình trong sức mạnh của quỷ dữ, trở nên như công cụ của Satan, đã được giải thoát bởi quyền năng yêu thương của Đức Giêsu. Đó là một câu chuyện dài với những điều tốt đẹp, ấn tượng Đức Giêsu đã thực hiện cho bà cũng như có nhiều dấu chỉ về tình thương mà bà đã dành cho Người.

Maria Magdala đã trở nên môn đệ mộ mến Người, cùng theo Người trong hành trình truyền giáo, can đảm đứng dưới chân thập giá, là chứng nhân cho cái chết của Người, tiễn Người đến nơi an nghỉ trong phần mộ và cũng là người đầu tiên ra mộ, vào sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, lúc trời còn tối.

Như một phần thưởng cho sự kiên trì kiếm tìm và lòng yêu mến dạt dào ấy, bà là người đầu tiên, vinh hạnh được Đấng Phục Sinh hiện ra. Sau khi báo tin về ngôi mộ trống cho các môn đệ, bà trở lại đứng phía ngoài mộ khóc. Bà vừa khóc vừa cúi xuống nhìn vào trong mộ.

Tác giả Gioan nhắc đến từ khóc hai lần, chứng tỏ tình thương mến thương của bà đối với Đức Giêsu rất sâu đậm. Nước mắt là ngôn từ của trái tim, chảy ra cuốn theo những đau đớn, nhưng không sao làm vơi bớt được. Nước mắt là cung bậc của thanh âm diễn tả những điều muốn nói, hay chưa kịp nói. Thương tiếc Thầy hoặc thương tiếc cho thân phẫn hẩm hiu còn lại trên dương gian? Dẫu sao, đó là điều tự nhiên không tránh được. Và thái độ cúi xuống nhìn vào trong mộ cho thấy bà chỉ muốn tìm thấy thi thể Đức Giêsu.

Sự đau thương cùng tột, lấn át cả lý trí khiến cho bà bối rối, không còn tỉnh táo để kết nối những sự kiện, suy xét đến tính hợp lý của vấn đề và hoàn cảnh. Sự xuất hiện hai Thiên thần ngồi tại nơi đặt thi hài Đức Giêsu, một vị phía đầu, một vị phía chân không làm bà ngạc nhiên, chất vấn. Họ đã hỏi bà: “Này bà, sao bà khóc.” Bà thưa: “Người ta đã lấy mất Chúa tôi rồi và tôi không biết họ để Người ở đâu!”; cũng thế, khi quay lại, bà thấy Đức Giêsu đứng ở đó nhưng không biết là Người. Người hỏi bà: “Này bà sao bà khóc? Bà tìm ai?”, bà lại tưởng là người làm vườn và khẩn nài xin lại xác Thầy, nếu người ấy đem đi dấu.

Tình yêu luôn gắn liền với sự sống, nhưng tình yêu vô vọng, không có niềm tin thì chỉ là sự bi thương bế tắc. Hai câu hỏi “này bà, sao bà khóc” và “bà tìm ai?” thoạt tưởng là những câu hỏi ngớ ngẩn trong hoàn cảnh ấy, nhưng thật ra có hàm ý và gợi ý khéo léo kéo cái nhìn của bà rời khỏi phần mộ người chết, như nhắc cho bà nhớ điều cần nhớ, tin điều cần tin, nhưng câu trả lời của bà chung quy là muốn tìm thấy xác Thầy. Có những lời nói, người nói đau hơn người nghe, và có những giọt nước mắt, người thấy còn cảm thương hơn người khóc.

Đức Giêsu gọi bà: “Maria!” Bà quy lại và reo lên: “Rapbuni!” nghĩa là, Lạy Thầy. Có những lời nói, những cung giọng của người mình đặc biết thương mến, in sâu vào trong ký ức, trong tâm hồn người nghe, không bao giờ lầm lẫn với bất kỳ ai khác. Đức Giêsu đã gọi tên bà; cách Người gọi tên bà trong một hoàn cảnh cụ thể nào đó, đã gây ấn tượng độc đáo cho bà. Giờ đây được nghe lại với cung giọng thân thương ấy, không cần suy nghĩ, bà bật thốt lên câu thưa quen thuộc “Rapbuni.” Và có lẽ bà đã chạy đến ôm chân Người, nhưng Đức Giêsu cản ngăn thái độ này. Người phục sinh không phải để tái lập tương quan cũ, với cách diễn tả quyến luyến quen thuộc, mà là thiết lập một tương quan mới, tương quan mà chính Người sẽ tập cho các môn đệ quen với “sự hiện diện ở cùng” họ, dù họ không thấy Người.

Niềm hân hoan dâng tràn, vâng lời Thầy, bà đi báo Tin mừng cho các môn đệ trong kinh nghiệm là tâm điểm của Kitô giáo, “Tôi đã thấy Chúa.” Đó là một kinh nghiệm thiêng liêng mà có thật, được trải nghiệm bằng lòng tin hơn là bằng các giác quan, được gặp gỡ Đức Giêsu, Đấng Phục Sinh đang sống trong sự sống thần linh, và trở nên chứng nhân, nên người nữ tông đồ nhiệt thành, đạo đức và thánh thiện.

Người tín hữu không thể nào làm chứng về sự phục sinh của Đức Giêsu, về sự hiện diện của Đấng Phục Sinh đang sống và luôn ở cùng, nếu không có kinh nghiệm gặp gỡ Chúa.

Có những lúc cuộc đời như nấm mồ chôn những sự ngang trái, đau khổ và bế tắc, tưởng như mất Chúa hoặc như không có Chúa hiện diện ở đó. Đừng mãi dán mắt vào đó, nhưng hãy ngước mắt lên trong niềm tin và hy vọng, hướng về Đấng Phục Sinh, nhưng hãy ngước mắt lên trong niềm tin và hy vọng, tiếng gọi mà chỉ có mỗi người mới nhận ra là Người đang sống và đang ở cùng.

                                                                            Jos Ngô Văn Kha CSsR

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết