Đức Giêsu không coi chiến thắng của Satan, Thủ lãnh của thế gian trên Người, là một sự thua cuộc, nhưng vì Người yêu mến Chúa Cha và làm đúng những gì Chúa Cha đã truyền cho Người.
Hoàn cảnh lúc bấy giờ thật rối ren. Bầu khí ngột ngạt dự báo những bất trắc sẽ xảy ra cho Đức Giêsu và các môn đệ. Giới lãnh đạo Do thái liên kết, đồng lòng, đang triển khai kế hoạch hãm hại Đức Giêsu. Giuđa ra đi thực hiện sự bội phản. Các môn đệ nhút nhát co cụm lại trong sự xao xuyến, lo âu cho số phận của Thầy và của mình.
Một tương lai bi thảm đang chờ chực; một âm mưu của những kẻ chống đối đang ngầm chuẩn bị trong lúc này. Các môn đệ chờ đợi Đức Giêsu đưa ra một kế hoạch đối phó.
Kế hoạch ấy thế nào và hiệu nghiệm đến đâu? Đức Giêsu không trình bày, nhưng Người lại nói: “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian”
Bình an theo kiểu thế gian là gì? Đó là hóa giải bạo lực bằng thứ bạo lực lớn hơn, dùng sức mạnh để đè bẹp ý chí đối phương, lấy sự trả hận đáp lại hành vi khiêu khích…? hoặc là một sự nhát sợ hèn hạ ẩn nấp dưới hình thức trao đổi, thỏa thuận ngầm, một sự mua chuộc, đánh đổi…
Sự bình an Đức Giêsu muốn để lại, muốn ban tặng cho các môn đệ không phải là thứ bình an rẻ tiền của thứ khôn lỏi rút ra từ sự gian manh của con người, nhưng là sự bình an phát xuất từ ân ban của Thiên Chúa mà Đức Giêsu đem đến cho họ.
Nếu các môn đệ đã biết và tin vào việc Đức Giêsu phải đến cùng Chúa Cha, vì Người từ nơi Chúa Cha mà đến thế gian; nếu họ yêu mến và tin vào lời Đức Giêsu, họ sẽ vui mừng vì Thầy đi về cùng Chúa Cha, vì Chúa Cha cao trọng hơn, và sẽ trở lại đưa họ đi với Người, để Người ở đâu, họ cũng được ở đó với Người.
Nếu các môn đệ yêu mến, tin và giữ lời Đức Giêsu, việc ra đi của Người sẽ không gây ra cho các môn đệ sự xao xuyến, sợ hãi như cảm giác của những kẻ bị bỏ rơi. Trái lại, việc ban bình an của Người cho họ là một sự đảm bảo và che chở. Sự bình an này không phải là một lời nói, mà là một chỗ dựa vững chắc của ơn cứu độ, dựa trên sự hiệp thông “ở trong” với Chúa Cha và với Chúa Con, dưới sự Bảo Trợ của Chúa Thánh Thần. Nếu Thiên Chúa ở cùng và binh vực chúng ta, ai có thể đe dọa và chống lại chúng ta?
Đức Giêsu trở về nhà Cha ngang qua cuộc thương khó, cho thấy cuộc thọ nạn không là điểm cuối, nhưng như Người diễn tả, đó là việc đi về cùng Chúa Cha, vì Chúa Cha cao trọng hơn Người. Như vậy sự xao xuyến và sợ hãi của các môn đệ là không có cơ sở, trái lại, như lời Đức Giêsu nói, họ phải vui mừng, vì Người đi vào sự hiệp thông trọn vẹn với Cha.
Nhắc lại những lời đã loan báo trước đây, Đức Giêsu cho các môn đệ biết những mầu nhiệm cao trọng sắp xảy ra: Người sẽ chịu chết, phục sinh, lên trời, trở lại trong vinh quang, để khi môi việc xảy ra như vậy, họ sẽ tin. Và càng phải vững vàng hơn khi thấy chiến thắng nhất thời của Satan, Thủ lãnh của thế gian. Dầu vậy, Đức Giêsu không cho đó là một sự thua cuộc, nhưng vì Người yêu mến Chúa Cha và làm đúng những gì Chúa Cha đã truyền cho Người.
Jos Ngô Văn Kha CSsR