Khi người Do thái thực hiện ý đồ tăm tối là lên án và giết chết Đức Giêsu, đó chính là lúc chân tướng đích thực của Người sẽ rạng ngời.
Căng thẳng và sự đối kháng giữa Đức Giêsu và giới chức Do thái ngày càng cao. Những cuộc tranh luận nảy lửa có thể xảy ra bất cứ lúc nào, bất kể về phương diện nào. Đức Giêsu càng không có ý định tránh né hoặc làm tình hình dịu lại, vì Người thấy cần phải mạc khải cho họ biết ý định của Thiên Chúa, biết công việc Người làm trước lúc ra đi.
Điều họ không hiểu là tại sao Đức Giêsu lại nói Người sắp sửa ra đi và họ sẽ đi tìm Người, nơi Người đi, họ không thể đến được và họ sẽ mang tội nơi mình mà chết. Họ tưởng Người đi tự tử. Thật ra Đức Giêsu muốn nói đến việc Người trở về cùng Chúa Cha, là đi vào trong vinh quang của Người, nhưng trong sự ngộ nhận, họ lại giễu cợt Người, vì tưởng Người đi tìm cái chết bằng việc hủy hoại mạng sống mình. Nếu thế thì quả là họ không thể theo Người được.
Đức Giêsu cho thấy, nếu họ cứ tiếp tục khước từ Ngài thì họ sẽ chết trong tội lỗi của họ. Chết không phải là cùng đích của cuộc đời và chết trong tội lại càng không phải là điểm đến của mọi người. Họ đã từ khước không tin vào Đức Giêsu là chứng tỏ mình bất xứng với ơn giải thoát và sự sống Người ban cho, vì vậy họ sẽ chết trong sự thù nghịch với Thiên Chúa. Một khi họ lên án tử và giết chết Đức Giêsu, họ cũng tự lên án tử cho chính mình. Khi Người đã ra đi, họ sẽ tìm kiếm Người, nhưng không bao giờ có thể gặp được nữa.
Đức Giêsu biết vì ngộ nhận mà họ có suy nghĩ như thế. Vì họ thuộc về hạ giới, thuộc về thế gian tạm bợ và hay thay đổi, đang khi Người thuộc thượng giới. Nhưng Đức Giêsu không có ý đặt thế gian và cõi trời ở trong thế đối nghịch, triệt tiêu nhau. Dù thế gian tội lỗi, xa cách và chống đối Thiên Chúa, nhưng chính Thiên Chúa đã tạo dựng nên thế gian và còn yêu thế gian đến nỗi đã ban Người Con Một xuống cứu thế gian (Ga 3,16). Dù thế gian có tội lỗi thế nào, nó vẫn là đối tượng tình yêu của Thiên Chúa và là nơi nhận được món quà vô giá của Người. Dù thế gian tăm tối, mù lòa, không tiếp nhận Thiên Chúa và bách hại những ai thuộc về Người, nhưng Đức Giêsu đến thế gian để chứng tỏ không một vực thẳm nào không thể bắc cầu được, và Người chính là cây cầu đó, để những ai tin vào Người bước trên đó, thì được đưa đến sự sống đời đời.
Với quyền năng và ân sủng, Đức Giêsu thực hiện việc thanh tẩy, chữa lành và phục hời ân huệ cho thế gian, để con người có thể sống như họ đáng phải sống, và thế gian sẽ trở thành như điều nó phải trở thành, thể theo thánh ý Thiên Chúa từ muôn thuở. Nhân đó, Đức Giêsu công bố mặc khải vĩ đại về Người, trong tư cách là Đấng Hằng Hữu, và Chúa Cha, Đấng Chân Thật đã sai Người đến thế gian, nhưng người ta vẫn có thể từ khước mặc khải vĩ đại này để “mang tội mình mà chết”.
Đức Giêsu biết đó sẽ là cớ để người Do thái tố cáo, lên án và giết chết Người, nhưng khi họ thực hiện ý đồ tăm tối đó, chân tướng đích thực của Người sẽ rạng ngời: “Khi các ông gương cao Con Người lên, bấy giờ các ông sẽ biết là tôi Hằng Hữu”. Hai lần dùng hình ảnh con rắn đồng mà Môsê đã gương cao trong sa mạc, Đức Giêsu biết Người sẽ phải chết cách nào, đó là thánh ý Chúa Cha mà Người phải hoàn thành, và đó chính là lúc chân tướng của Người được bộc lộ rõ ràng, là Con Thiên Chúa và là Đấng Cứu độ (Ga 3,14-15 và 8,24).
Khẳng định mình được Chúa Cha sai đến thế gian, Đức Giêsu cho thấy Người chỉ nói và làm theo thánh ý Chúa Cha, không những như người thừa hành, mà sâu xa hơn, Chúa Cha luôn ở với Người Con, vì có sự hiệp nhất bền chặt giữa Chúa Cha và Người Con. Bởi vậy tin vào Đức Giêsu, đồng nghĩa với việc tin Thiên Chúa, Đấng sai Người đến thế gian.
“Khi Đức Giêsu nói thế, có nhiều kẻ tin vào Người”. Đó là những người biết mở lòng ra đón nhận lời chân lý và làm nổi bật sự cứng lòng của giới lãnh đạo Do thái và sự vô lý của những luận chứng họ dùng để tố cáo Đức Giêsu.
Jos Ngô Văn Kha CSsR