Thứ ba sau CN3 MC: Tha để được tha

Muốn tha thứ phải nghĩ đến tình, đừng chỉ dựa vào lý hoặc xét trên lẽ công bằng.

forgiveness1Chúng ta đang sống trong một văn hóa của sự độc ác và thù hận, thiếu vắng sự tha thứ. Chúng ta thường suy nghĩ và phản ứng dựa trên những cảm tính, vội chỉ trích và nhanh chóng kết án. Đó chính là cạm bẫy của quỷ dữ. Đức tin Kitô giáo làm cho chúng ta trở nên “khác người”, nhưng lại “nên giống Chúa Kitô” hơn, khi chúng ta hoán cải mình để trở thành những người của lòng xót thương, biết thứ tha để mang lại bình an cho bản thân và cho tha nhân.

Không ai là người không có lỗi lầm, chẳng ai là người không cần tha thứ. Muốn tha thứ phải nghĩ đến cái tình, đừng chỉ dựa vào lý hoặc xét trên lẽ công bằng. Cầu xin Chúa tha thứ cho tội lỗi của dân, Adaria đã không binh vực quanh co, chối tội nhưng nại vào Danh Thánh Chúa, vào tình nghĩa, vào lòng nhân từ thương xót của Chúa, đến tình cảnh khốn khổ, sự khiêm nhường, tinh thần thống hối, lòng cậy trông, tín thác của dân để xin Chúa thứ tha (Dụ ngôn 3,25.34-43). Đức Giêsu trong Tin mừng hôm nay cũng đưa ra yêu sách, phải tha đến bảy mươi lần bảy, nghĩa là phải luôn tha thứ với tất cả lòng thành, nếu muốn được Thiên Chúa thứ tha.

Sự đòi hỏi của Đức Giêsu có thực thi được không, hay chỉ là lý thuyết? Như đã nói, “muốn tha thứ phải nghĩ đến cái tình, đừng dựa vào lý hoặc xét trên lẽ công bằng”. Cái tình không phải là sự hèn nhát, nhu nhược, nhưng là lẽ phải, sự dũng cảm và sức mạnh của người bị xúc phạm, nó mời gọi người ta tha thứ, còn cái lý và lẽ công bằng lại từ chối tha thứ và đòi sự trả thù.

Nếu trả thù là hành vi của sự kiêu ngạo được tô vẽ, biện minh bằng những giá trị như danh dự, lương tri, công bằng, tự vệ hợp pháp, thì tha thứ, đơn giản như một quà tặng, một cơ hội để hối cải, một sự trả thù cao quý. Tổn thương càng lớn, quà tặng càng có giá trị, và đó là giá trị thật.

Nhưng không nên lầm lẫn giữa sự tha thứ với sự dung túng, bao che cho cái xấu, cái ác. Nếu tôi tha thứ, vì điều đó đem lại lợi ích tôi, để tôi dựa vào đó làm áp lực, khống chế, kiểu tha thứ đó chỉ là thứ lưu manh giả dạng đạo đức; nếu tôi tha thứ cho bọn cường hào, ác bá, để mặc chúng thao túng, áp bức dân nghèo, đó là sự hèn nhát, sợ hãi khoác áo cao cả; nếu tôi tha thứ, nhưng cương quyết đấu tranh với những cái xấu và sai, đang tàn phá con người và xã hội, là những thứ “không thể tha thứ” được, thì sự đấu tranh của tôi mới theo lẽ phải, mới có chính nghĩa.

Đức Giêsu dạy cho người ta biết cách giải quyết những bất hòa, căng thẳng, xung đột dựa trên căn bản sự thật, sự hiếu hòa, sự tha thứ. Sự tha thứ không được tỏ ra là sự ban phát, là hành vi của người công chính “ném xuống” trên tội nhân, nhưng phải đặt sự tha thứ – cảm thông cho nhau trong sự tha thứ của Thiên Chúa, để từ đó tìm ra những biện pháp hoà giải với nhau, như lời Kinh Lạy Cha.

Sự tha thứ như thế còn giúp cho người ta biết cách giải quyết những bất hòa, căng thẳng, xung đột ngay trong bản thân mình. Vì sao trong lòng ta ứ đầy những thái độ tiêu cực như bực bội, tức tối, bất an và muốn trả báo? Đó là vì ta chưa tha thứ cho chính mình.

Vì sao tôi đúng, nó sai, mà tôi lại phải tha thứ cho tôi? Vì tôi chưa có cái tình, chỉ nghĩ đến lý, đến sự bất công của tôi, còn đòi hỏi công bằng, ân đền, oán trả. Chừng nào ta biết quý, biết xót, biết thương bản thân đã bị người ta đối xử ác độc, bất công như thế, và không muốn nó tiếp tục bị đày đọa, bị giam cầm trong sự khốn khổ, dằn vặt của chính mình, ta sẽ dễ dàng biết tha thứ cho ta và cho họ.

Tha thứ thì được, nhưng làm sao quên được những ký ức đau thương ấy? Vẫn biết  sự tha thứ không thể làm thay đổi quá khứ, nhưng nó có thể mở rộng cho tương lai. Chôn chặt nó. Đừng bao giờ nghĩ và nói về nó, dù là những lời tâm sự với bạn thân và coi đó như là những bài học đắt giá của cuộc đời và thời gian sẽ bào mòn những tổn thương. Hãy nhủ lòng rằng, ai cũng có lầm lỗi, nhưng nếu ta không biết cách tha thứ cho tha nhân, đừng mong có ai đó tha thứ cho ta. Có ai đó nói rằng: “Người đầu tiên biết nói lời xin lỗi là người dũng cảm nhất. Người đầu tiên biết cách tha thứ là người mạnh mẽ nhất. Và người đầu tiên biết cách quên đi quá khứ đau buồn là người hạnh phúc nhất.

Nếu Chúa không tha thứ cho tội nhân, thiên đàng sẽ trống không; nếu Chúa đã tha thứ cho ta, Người muốn ta vào thiên đàng tay trong tay với những kẻ được ta tha thứ. Không có cách nào khác.

Jos Ngô Văn Kha CSsR

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết