Thứ Ba sau CN 4 PS: Lời Tuyên Bố Kinh Khủng

Đức Giêsu luôn qui hướng mọi sự về Thiên Chúa, đã thể hiện mình là sự vâng phục thánh ý Chúa Cha, vì Người với Chúa Cha là một.

Jesus03Khi ấy Đức Giêsu đi lại ở hành lang Salômôn trong Đền thờ Giêrusalem. Người Do thái nói với Đức Giêsu: “Ông còn để lòng trí chúng tôi phải thắc mắc cho đến bao giờ? Nếu ông là Đấng Ki tô, thì xin nói công khai cho chúng tôi biết.”

Chắc chắn Đức Giêsu đã có ảnh hưởng đối với dân chúng, qua lời dạy và các phép lạ, và chắc chắn qua những lần tranh luận với người Biệt phái, cũng đã có nhiều ý kiến đoán định về Người. Một phần, người ta nóng lòng muốn biết Người có phải là Đấng giải phóng, Thiên Chúa đã hứa qua lời các ngôn sứ, phần khác thì chờ câu trả lời của Đức Giêsu để có thể bóp méo, gài bẫy để có cớ buộc tội, tố cáo Người.

Đức Giêsu đã khẳng định Người là Đức Kitô với người phụ nữ Samari và được lan truyền trong dân miền Samari (x.Ga 4,26), nhưng người Do thái không có tương quan với người Samari, nên có lẽ họ không tin lắm.

Nhưng Đức Giêsu đã dùng một cách khác chắc chắn hơn để trả lời: “Tôi đã nói với các ông rồi mà các ông không tin. Những việc tôi làm nhân danh Cha tôi, những việc đó làm chứng cho tôi.” Đức Giêsu đã “nói” qua “việc làm”. Người muốn người ta phải “động não”, phải suy nghĩ cân nhắc, rồi tự mình đưa ra kết luận. Đức tin không phải là “mù như bầy cừu” mà đức tin thức tỉnh người ta, bắt người ta phải tự mình suy nghĩ, cân nhắc những hành vi, những lời nói của Đức Giêsu có làm trọn thánh ý Chúa Cha trong các sách ngôn sứ, rồi mới đi đến kết luận.

Lặp lại điều này như lúc trước, khi chữa lành người bịnh ở hồ Bếtdatha trong ngày Sabát, Đức Giêsu đã công bố Người có một lời chứng còn lớn hơn cả ông Gioan, đó là hoàn thành những việc Chúa Cha giao. Sự hoàn thành đó chính là lời chứng Chúa Cha đã sai Người đến (x.Ga 5,36) để khai mở kỷ nguyên của Thiên Chúa.

Và Người kết luận: “Nhưng các ông không tin, vì các ông không thuộc về đoàn chiên của tôi.” Nghĩa là vì tâm trí họ không trong sáng, nhưng kỳ thị và cố chấp, không chịu lắng nghe để hiểu mà chỉ nhìn qua lăng kính tiên kiến và yên trí. Họ hay gây gổ và thách thức, không tạo mối giây liên hệ thân tình với Đức Giêsu, nên mãi mãi không biết Đức Giêsu là ai. Không thuộc về đoàn chiên, là ở ngoài sự hướng dẫn và chăm sóc, dưỡng nuôi và bảo vệ của mục tử là Đức Giêsu; họ ở ngoài Ơn Cứu Độ.

Đức Giêsu đã diễn tả cả cuộc đời Người là một hành động vâng phục Chúa Cha trọn vẹn. Chính Chúa Cha đã giao cho Người công việc phải làm, và Người thực hiện công việc ấy đến cùng.

Đức Giêsu, dù là Con Thiên trong sự liên hệ độc nhất vô nhị với Chúa Cha, Người có quyền làm bất cứ việc gì Người muốn, nhưng Người đã không làm thế, trái lại, Người đã qui hướng mọi sự về Thiên Chúa, đã thể hiện mình là sự vâng phục thánh ý Chúa Cha, đến nỗi chịu chết trên thập giá, để quy tụ mọi đoàn chiên của Thiên Chúa tản mác ở khắp nơi về một mối (x.Ga 10,16/ 11,52)

Những ai tin vào Người thì theo Người, vì chỉ nơi Người mới có sự sống đời đời, chẳng bao giờ bị diệt vong, chẳng có ai giật họ khỏi tay Người được, và Chúa Cha, Đấng cao cả, đã ban họ cho Người, nên cũng chẳng có ai có thể cướp chúng khỏi tay Chúa Cha. Vì Người với Chúa Cha là một.

Mối dây ràng buộc của sự hiệp nhất là tình yêu; bằng chứng của tình yêu là vâng lời. Kitô hữu hiệp nhất với nhau, là cùng được ràng buộc bởi sợi dây yêu thương và cùng vâng lời Chúa Kitô. Đức Giêsu, trong tư cách là Người Con, là một với Chúa Cha, vì Người vâng lời và yêu mến Chúa Cha trọn vẹn. Sự hiệp nhất “đồng bản thể” với Chúa Cha, là sự hiệp nhất trong tình yêu tuyệt đối, với sự vâng lời tuyệt đối.

                                                                            Jos Ngô Văn Kha CSsR

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết