Thứ bảy sau CN5 MC: Chết thay cho toàn dân

Thiên Chúa có thể dùng trung gian là người không ai ngờ đến, để mặc khải thánh ý Người.

Mưu giết 2Tiếng lành đồi xa, tiếng dữ đồn… gấp ba. Sau sự kiện chấn động Đức Giêsu làm cho anh Ladarô chết bốn ngày được sống lại lan tỏa khắp nơi, có nhiều người tin vào Đức Giêsu. Tin tức đến tai giới hữu trách trong đạo Do thái, buộc họ và những người Biệt phái phải triệu tập gấp một cuộc họp Thượng Hội Đồng bất thường, để đưa sự việc “nóng” này ra xem xét và tìm giải pháp ứng phó.

Không thể làm ngơ để cho Đức Giêsu tiếp tục hoạt động mà không bị kiểm soát hay kiềm chế. Vì Đức Giêsu làm nhiều dấu lạ, nhiều người tin vào Người, nếu không có các biện pháp chế tài cấp bách. Nguy cơ trước mắt, họ sẽ mất ảnh hưởng trên dân, kéo theo việc mất đi thế lực, uy tín chính trị cũng như xã hội của mình, và kéo theo những đặc quyền, đặc lợi. Nguy cơ lâu dài, tình hình đó sẽ gây bất ổn xã hội, minh chứng cho sự bất lực và vượt ngoài tầm kiểm soát của họ. Người Rôma có thể nhân cơ hội ấy phá huỷ cả Đền thờ lẫn dân tộc Do thái.

Caipha, một con người nham hiểm và đầy thủ đoạn làm thượng tế năm ấy, chỉ ra “cái dốt” của cả Thượng Hội Đồng, không biết nhắm đến đến “cái lợi” cho mình: “thà một người chết thay cho dân còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt.” Một câu nói “gian ngoan”, có vẻ hợp tình hợp lý được Caipha đưa ra như là giải pháp tối ưu. Vừa trừ được mối hiểm họa “Giêsu”, vừa làm an lòng người Rôma.

Chính sách cai trị của Rô ma đối với những dân tộc bị đô hộ là “mềm nắn, rắn buông”, như đối với người Do thái, một dân có tính độc lập dân tộc rất cao. Họ cho người Do thái được tự do phần nào, nhưng có kiểm soát, về nếp sinh hoạt truyền thống và thực hành đạo giáo, và kiên quyết thẳng tay đập tan những mầm mống chống đối, bạo loạn gây bất ổn xã hội và trật tự cộng đồng.

Nếu Đức Giêsu được cho là nguyên nhân gây ra sự bất ổn, chắc chắn chính quyền Rôma sẽ phản ứng với tất cả sức mạnh quân sự, mà trong quá khứ, họ đã chứng tỏ rất kiên quyết về vấn đề này. Như thế, Đền thờ sẽ mất, giới hữu trách người Do thái sẽ mất địa vị và những đặc quyền, đặc lợi, dân tộc bị phá hủy, họ còn biết sống nhờ ai. “Nhất cử lưỡng tiện!”

Dân Do Thái vẫn tin Thiên Chúa thường phán dạy qua trung gian là các vị thượng tế. Vì thế tác giả Gioan chú thích “điều đó, ông không tự mình nói ra, nhưng vì ông là Thượng tế năm ấy, nên đã nói tiên tri, là Đức Giêsu sắp chết thay cho toàn dân, và không chỉ thay cho dân mà thôi, nhưng còn để quy tụ con cái Thiên Chúa đang tàn mác khắp nơi về một mối” (Ga 11,51-52).

Thiên Chúa có thể dùng trung gian là người không ai ngờ đến, để mặc khải thánh ý Người, mà chính người ấy không hề ý thức Thiên Chúa đang làm như vậy. Kể từ ngày đó, toàn thể Thượng Hội đồng quyết định giết Đức Giêsu. Quyết định này này chính là quyết định tăm tối nhất do bởi tội lỗi của họ, chứ không phải Thiên Chúa muốn giết con của Người.

Đức Giêsu lại lánh đi tại thành Epraim cùng với các môn đệ. Người không tìm sự nguy hiểm cách không cần thiết. Người tự nguyện và sẵn sàng phó mạng sống, nhưng Người không dại khờ, liều lĩnh tự hủy hoại cuộc sống trước khi hoàn tất sứ mạng.

Giêrusalem những ngày ấy thật nhộn nhịp. Mọi người tuân thủ những nghi lễ thanh tẩy thực hiện trong Đền Thờ. Họ cố ý tìm Đức Giêsu nhưng không thấy và thắc mắc bàn tán với nhau, có lẽ anh thợ mộc xứ Galilê sợ đối đầu với toàn thể thế lực của giáo quyền Do Thái đã coi Người là một tội phạm, và đặt Người ngoài vòng pháp luật.

Nhưng…

                                                                            Jos Ngô Văn Kha CSsR

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết