Nếu bạn đứng lên với lòng kiêu ngạo, Thiên Chúa sẽ tránh xa bạn. Nếu bạn hạ mình xuống với lòng khiêm nhường, Thiên Chúa sẽ đi xuống tới bạn (Augustino).
Tục ngữ có câu: “Đừng xem mặt mà bắt hình dong”, để cảnh báo những người hay vội vàng trong nhận xét và đánh giá theo cái nhìn bên ngoài, dựa trên những suy nghĩ phiến diện đầy chủ quan của mình trong lúc này và áp đặt lên người khác, lên hành vi của họ. Có những người trông thật giầu sang, có địa vị, phúc hậu, chuyên làm việc tốt nhưng lại tham lam, gian ác, xảo quyệt! Lại có những kẻ trông như dân “đầu gấu” giang hồ, nhưng lại có tấm lòng chân thành, ngay chính!
Ai cũng có kinh nghiệm sai lầm này, nhiều khi trả giá rất thương đau. Làm sao biết được ai tốt ai, xấu, biết ai công chính, biết ai tội lỗi?
Chỉ có Thiên Chúa, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, mới có quyền kết luận.
Đạo đức là một điều tốt, nhưng tự mãn về đạo đức của mình lại là một sự ngạo mạn đáng trách. Làm việc lành là một điều tốt, nhưng nếu dùng việc lành để khinh chê tha nhân lại là điều đáng ghê tởm.
Đức Giêsu kể một dụ ngôn cho một số người tự hào cho mình là công chính mà khinh chê người khác, để giúp mọi người soi mình vào đó mà rút ra bài học quý giá cho mình.
Có một ông Pharisêu và một người thu thuế lên Đền thờ cầu nguyện. Lời cầu nguyện của họ diễn tả thái độ nội tâm, một thái độ “rất thật” trước Chúa.
Ông Pharisêu đứng thẳng, tạ ơn Chúa, nhưng đó không phải là một lời tạ ơn đích thật là nhận ra ơn Chúa ban, phải quy về Chúa, mà ông phô trương công trạng, khoe khoang tán dương sự tốt lành của mình, trong một thái độ kiêu căng, tự mãn, như thể Thiên Chúa không biết gì và cũng chẳng coi Thiên Chúa ra gì.
Ông ta tự coi mình là một người hoàn thiện và công chính, vì đã tuân thủ lề luật quá hạn mức và còn làm được những điều tốt đẹp. Điều đó khiến ông ta thấy mình là “đỉnh”, sung sướng với hào quang đó, ông khinh thường hết mọi người, nhất là so với “tên thu thuế ” hèn kém kia, và cứ tưởng nhờ đó, Thiên Chúa hài lòng và buộc phải ban thưởng cho ông. Thánh Augustino nói: “Nếu bạn đứng lên với lòng kiêu ngạo, Thiên Chúa sẽ tránh xa bạn. Nếu bạn hạ mình xuống với lòng khiêm nhường, Thiên Chúa sẽ đi xuống tới bạn”.
Người thu thuế thì trái lại, anh ta đứng đằng xa, thậm chí chẳng dám ngước mắt lên trời, vừa đấm ngực vừa cầu xin: “Lạy Thiên Chúa, xin xót thương con, vì con là kẻ tội lỗi”. Thái độ khiêm nhu và sự xấu hổ về bản thân tội lỗi, việc tỏ lòng sám hối và biết kính sợ Chúa cho thấy anh ý thức, và không chút biện minh, về tình trạng tội lỗi của mình, ý thức mình bất xứng mà còn “dám cả lòng” hiện diện trước Thánh Nhan Chúa và nài xin Chúa.
Lời cầu nguyện của anh chỉ van nài Thiên Chúa xót thương và anh phó mình cho lòng thương xót của Chúa. Thái độ hoàn toàn lệ thuộc vào phán quyết của Chúa, thật ra lại là sự biểu dương Ơn Cứu Độ của Thiên Chúa đối với tội nhân, mà anh là một trong số đó. Anh không kể thêm bất cứ điều gì, kể cả những những tội đã phạm. Vì anh biết Chúa thông tỏ mọi sự và không ai có thể che được mắt Chúa, và thật vậy, Người đã thấy thái độ chân thành của anh, nghe được tiếng kêu cầu của anh từ xa, từ cuối đền thờ, nên Người không thể làm ngơ không đoái tới, vì đó là thái độ lột trần linh hồn người ta trước nhan Thánh Chúa, không còn bám víu vào bất cứ điều gì.
Thiên Chúa đã nghe tiếng kêu xin của anh từ đàng xa, từ cuối đền thờ và Người đã nhậm lời. Vì Thiên Chúa muốn tình yêu chứ đâu cần hy lễ, thích được mọi người nhận biết hơn là được của lễ toàn thiêu (Hs 6,6).
Rồi Đức Giêsu kết luận một cách quả quyết, như một phán quyết tối hậu, Người thu thuế tội lỗi được Thiên Chúa làm cho nên công chính, còn người Pharisêu thì không. “Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên” (Lc 18,14).
Jos Ngô Văn Kha CSsR