Thông điệp về Thánh Tâm Chúa Giêsu của Đức Thánh Cha Phanxicô tập trung vào những điều cốt yếu của đức tin

Đức Thánh Cha Phanxicô tại nhà thờ Thánh Tâm ở thủ đô Manama của Bahrain, ngày 6 tháng 11 năm 2022 (Ảnh: Marco BERTORELLO / AFP)

Đức Thánh Cha Phanxicô tại nhà thờ Thánh Tâm ở thủ đô Manama của Bahrain, ngày 6 tháng 11 năm 2022 (Ảnh: Marco BERTORELLO / AFP)

Trong Thông điệp mới của mình, Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi các tín hữu Công giáo tái khám phá Thánh Tâm Chúa Giêsu để lan tỏa tình yêu của Thiên Chúa trong một xã hội hời hợt.

“Tất cả chúng ta cần tái khám phá tầm quan trọng của Thánh Tâm Chúa Giêsu” để chống lại một thế giới biến con người thành “những kẻ tiêu dùng tham lam vô độ và nô lệ cho các cơ chế của thị trường không quan tâm đến ý nghĩa sâu xa hơn của cuộc sống chúng ta”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói trong Thông điệp thứ tư của ngài, Dilexit Nos (“Người đã yêu thương chúng ta”), được công bố vào ngày 24 tháng 10 năm 2024.

Sau hai Thông điệp tập trung nhiều hơn vào các chủ đề xã hội, Fratelli Tutti Laudato Si’, vị Giáo hoàng người Argentina hiện đã xây dựng một văn bản dành riêng để nói về “Tình yêu nhân bản và thần thiêng của Thánh Tâm Chúa Giêsu Kitô”, tập trung vào các Giáo huấn thiêng liêng truyền thống.

Trong văn bản dài khoảng 40 trang này, Đức Thánh Cha Phanxicô đã trình bày một suy tư sâu rộng về sự cần thiết đối với người Kitô hữu trong việc mở rộng tâm hồn để chiêm nghiệm và đón nhận tình yêu của Thiên Chúa.

Đức Thánh Cha đã dựa trên nhiều Giáo huấn của Đức Gioan Phaolô II và nhiều nhân vật của nền linh đạo Công giáo, chẳng hạn như Thánh Phanxicô de Sales, Thánh Catarina thành Siena, Thánh Têrêsa thành Lisieux, Thánh Charles de Foucauld và nhiều vị thánhi khác.

Văn bản này tiếp nối truyền thống lâu đời của các Giáo hoàng và Thánh nhân đã thúc giục lòng sùng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu, một lòng đạo đức truyền thống được phổ biến qua các lần hiện ra tại Paray-Le-Monial (Pháp) vào cuối thế kỷ 17.

Một xã hội đã mất đi trái tim

Bắt đầu bằng một trích dẫn từ Thư của Thánh Phaolô gửi tín hữu Rôma – ‘Dilexit Nos’ trong tiếng Latin, có nghĩa là ‘Người đã yêu thương chúng ta’ – vị Giáo hoàng 87 tuổi bắt đầu Thông điệp này bằng một suy tư sâu rộng về trái tim theo nghĩa rộng nhất, dựa trên thần thoại (Homer), triết học cổ điển (Plato) và Kinh Thánh.

Lời Chúa “nói với chúng ta về trái tim như một cốt lõi ẩn giấu bên dưới mọi vẻ bề ngoài, thậm chí bên dưới những suy nghĩ hời hợt có thể khiến chúng ta lạc lối”, Đức Thánh Cha giải thích. Ngài trích dẫn ví dụ về cảm xúc của các môn đệ khi gặp gỡ Chúa Kitô phục sinh trên đường Emmaus: “Lòng chúng ta chẳng bừng cháy lên sao khi Người trò chuyện với chúng ta dọc đường?” (Lc 24:32).

Đức Thánh Cha lên án xã hội “hay thay đổi” ngày nay, trong đó con người bị hạ thấp thành những người tiêu dùng. Tuy nhiên, ngài cũng chỉ ra rằng “sự coi thường cốt lõi sâu thẳm của nhân loại chúng ta – trái tim – có một lịch sử lâu dài hơn nhiều. Chúng ta thấy nó đã hiện diện trong chủ nghĩa duy lý Hy Lạp và tiền Kitô giáo, trong chủ nghĩa duy tâm hậu Kitô giáo và trong chủ nghĩa duy vật dưới nhiều hình thức khác nhau của nó”.

“Trong nhân chủng học, trái tim đã bị bỏ qua, và truyền thống triết học vĩ đại coi đó là một khái niệm xa lạ, ưa chuộng những khái niệm khác như lý trí, ý chí hoặc tự do”, theo Đức Thánh Cha Phanxicô, người đến từ một quốc gia Mỹ Latinh luôn quan sát kỹ lưỡng sự dư thừa của chủ nghĩa duy lý hiện diện trong tư tưởng phương Tây, đặc biệt là thông qua triết học Khai sáng.

Sự bận tâm của Đức Thánh Cha Phanxicô đối với trí tuệ nhân tạo và chiến tranh

Với những tham chiếu chiết trung từ Romano Guardini đến Dostoyevsky cho đến triết gia người Đức Martin Heidegger, Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh cách tiếp cận các mối tương quan giữa con người và mối tương quan của một người với Thiên Chúa, tạo không gian rộng rãi cho trái tim và cảm xúc. “Trong thời đại trí tuệ nhân tạo này, chúng ta không thể quên rằng thơ ca và tình yêu là điều cần thiết để cứu rỗi nhân loại của chúng ta”, Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh.

Dựa trên Sách Linh thao của Thánh Inhaxiô thành Loyola và được tu sĩ Dòng Tên người Pháp Michel de Certeau đọc lại, Đức Thánh Cha sử dụng chính gia đình tu trì của mình để giải thích rằng tình cảm là một phần không thể thiếu của đời sống thiêng liêng, và cảm xúc của trái tim phải là một phần của mối tương quan với Thiên Chúa thông qua lời cầu nguyện.

“Thiên Chúa cứu độ chúng ta bằng cách nói với trái tim chúng ta từ Thánh Tâm của Người”, Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh, dựa trên thần học của Đức Hồng y John Henry Newman người Anh, một Linh mục Anh giáo đã trở lại đạo Công giáo và được ngài tuyên thánh vào năm 2019.

“Chỉ khi bắt đầu từ trái tim, các cộng đồng của chúng ta mới có thể thành công trong việc đoàn kết và hòa giải những tư duy và ý chí khác nhau, để Chúa Thánh Thần có thể hướng dẫn chúng ta trong sự hiệp nhất như anh chị em. Sự hòa giải và hòa bình cũng nảy sinh từ trái tim”, Đức Thánh Cha giải thích.

“Trước sự hiện diện của Thánh Tâm Chúa Giêsu, một lần nữa tôi cầu xin Chúa Giêsu thương xót thế giới đau khổ này, nơi Người đã chọn để ngự trị như một người trong chúng ta. Xin Người tuôn đổ kho tàng ánh sáng và tình yêu của Người, để thế giới chúng ta, đang tiến về phía trước bất chấp chiến tranh, bất bình đẳng kinh tế xã hội và việc sử dụng công nghệ đe dọa nhân loại của chúng ta, có thể giành lại được điều quan trọng và cần thiết nhất: trái tim của nó”.

“Sự sùng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu không phải là sự tôn kính một cơ quan duy nhất”

Sau đó, Đức Thánh Cha Phanxicô đề xuất một bài đọc Tin Mừng làm nổi bật cảm xúc của Chúa Giêsu. “Thật an tâm biết bao khi biết rằng, ngay cả khi người khác không hay biết về ý định hay hành động tốt lành của chúng ta, Chúa Giêsu vẫn nhìn thấy và đánh giá cao chúng”, Đức Thánh Cha viết.

 “Lòng sùng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu không phải là sự tôn kính một cơ quan riêng biệt ngoài Con Người của Chúa Giêsu. Điều chúng ta chiêm ngưỡng và tôn thờ là toàn thể Con Người Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa làm người, được biểu trưng bằng một hình ảnh làm nổi bật Thánh Tâm của Người”, Đức Thánh Cha tiếp tục, trích từ một Thông điệp dành riêng về chủ đề này, Haurietis Aquas, do vị tiền nhiệm của ngài, Đức Piô XII, viết vào năm 1956.

“Thánh Tâm Chúa Giêsu là ‘kiệt tác của Chúa Thánh Thần’”

 “Thánh Tâm Chúa Giêsu chính là ‘kiệt tác của Chúa Thánh Thần’”, Đức Thánh Cha Phanxicô giải thích trong một trong nhiều lần ngài nhắc đến Đức Gioan Phaolô II, người mà ngài đã tuyên phong hiển thánh vào năm 2014.

Trích dẫn lại một bài Giáo lý từ năm 1994 của vị tiền nhiệm người Ba Lan, Đức Thánh Cha Phanxicô giải thích rằng “lòng sùng kính Thánh Tâm, như đã phát triển ở châu Âu cách đây hai thế kỷ, dưới sự thúc đẩy của những trải nghiệm huyền bí của Thánh Margaret Mary Alacoque, là một phản ứng đối với sự khắc nghiệt của giáo thuyết Jansenius, vốn đã kết thúc bằng việc coi thường Lòng thương xót vô bờ bến của Thiên Chúa. Những người nam và nữ của thiên niên kỷ thứ ba cần đến Thánh Tâm Chúa Giêsu để biết Thiên Chúa và biết chính mình; họ cần Trái tim ấy để xây dựng nền văn minh của tình yêu”.

Ngày nay, “chúng ta tự nhận thấy mình đang đứng trước một làn sóng tục hóa mạnh mẽ đang tìm cách xây dựng một thế giới không có Thiên Chúa”, Đức Thánh Cha Phanxicô lưu ý. “Trong xã hội của chúng ta, chúng ta cũng đang chứng kiến sự gia tăng của nhiều hình thức mộ đạo khác nhau không liên quan gì đến mối tương quan cá nhân với Thiên Chúa Tình yêu, nhưng là những biểu hiện mới của một nền tâm linh kỳ quái”.

“Tôi hướng mắt về Thánh Tâm Chúa Giêsu và tôi mời gọi tất cả chúng ta hãy đổi mới lòng sùng kính của mình đối với Thánh Tâm ấy. Tôi hy vọng điều này cũng sẽ thu hút sự bén nhạy của ngày hôm nay và do đó giúp chúng ta đối mặt với thuyết nhị nguyên, cũ và mới, mà lòng sùng kính này đưa ra một phản ứng hiệu quả”, Đức Thánh Cha nhấn mạnh.

Thánh Mary Margaret, Thánh Phanxicô de Sales và những vị thánh khác …

Nhấn mạnh chủ đề về “sự khao khát” Thiên Chúa được diễn tả trong Kinh Thánh, cũng như trong sự phát triển của đời sống tu trì các tu viện qua nhiều thế kỷ, Đức Thánh Cha giải thích rằng “lòng sùng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu vượt ra khỏi các bức tường của các tu viện để làm phong phú thêm đời sống tâm linh của những thầy dạy thánh thiện, các nhà giảng thuyết và những người sáng lập các Dòng tu, những người sau đó đã truyền bá lòng sùng kính này đến tận cùng trái đất”.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã trích dẫn ví dụ về các hoạt động truyền giáo của Thánh Gioan Eudes ở Normandy vào cuối thế kỷ 17 hoặc sự đóng góp của Thánh Phanxicô de Sales. Thánh Phanxicô de Sales “thường xuyên chiêm ngắm Thánh Tâm rộng mở của Chúa Giêsu, mời gọi chúng ta chìm đắm trong đó, trong một mối quan hệ yêu thương cá nhân soi sáng những mầu nhiệm trong cuộc đời của Người”, Đức Thánh Cha nói.

Nhắc đến sự lan truyền lòng sùng kính Thánh Tâm thông qua trải nghiệm thiêng liêng của Thánh Margaret Mary Alacoque tại Paray-Le-Monial, Đức Thánh Cha nhấn mạnh vai trò cơ bản của vị Linh hướng của Thánh nhân, Tu sĩ Dòng Tên Claude de La Colombière, người đã “kết hợp trải nghiệm tâm linh của Thánh Margaret Mary với mục đích của các Bài tập Linh thao”.

Thánh Charles de Foucauld và Thánh Têrêsa thành Lisieux

“Thánh Charles de Foucauld và Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu, tuy không chủ ý, đã tái định hình một số khía cạnh của lòng sùng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu và do đó giúp chúng ta nhận thức điều này theo một tinh thần truyền giáo hơn nữa”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.

Đức Thánh Cha đã phát triển sâu rộng di sản tinh thần của hai vị thánh người Pháp mà ngài thường nhắc đến, đáng chú ý là trong việc tuyên phong hiển thánh cho Chân Phước Charles de Foucauld vào năm 2022, và trong việc dành riêng Tông Huấn về Thánh Têrêsa thành Lisieux, C’est la confiance (“Chính sự tin tưởng”), vào tháng 10 năm 2023.

“Tình bạn của Thánh Charles de Foucauld với Chúa Giêsu, từ trái tim đến trái tim, không phải là một lòng đạo đức cá nhân. Nó truyền cảm hứng cho cuộc sống khắc khổ mà ngài đã sống ở Nazareth, xuất phát từ mong muốn noi gương Chúa Kitô và trở nên giống Người”, Đức Thánh Cha giải thích, khi nhìn lại cuộc đời của cựu chiến binh và ẩn sĩ người Pháp này, người đã bị giết hại trong sa mạc Algeria năm 1916.

“Giống như Thánh Charles de Foucauld, Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu chịu ảnh hưởng của phong trào đổi mới lòng sùng kính lan rộng khắp nước Pháp vào thế kỷ XIX”, Đức Thánh Cha Phanxicô viết.

“Con đường của riêng tôi là sự tin tưởng và tình yêu, và tôi không thể hiểu được những tâm hồn sợ hãi một Người Bạn trìu mến như vậy”, Thánh Têrêsa viết trong một lá thư gửi cho Cha Adolphe Roulland, trong đó vị Nữ tu trẻ chia sẻ rằng ngài không hiểu một số luận thuyết tâm linh khô khan và thích đắm mình trực tiếp vào Kinh Thánh.

“Con cầm lấy quyển Kinh Thánh. Thế là mọi sự dường như sáng ra với con; chỉ một chữ thôi cũng mở ra cho con những chân trời vô biên, sự hoàn thiện tỏ ra đơn giản với con. Con nhận thấy rằng chỉ cần nhận ra sự hư vô của mình và phó thác mọi sự như một đứa trẻ trong vòng tay của Chúa là đủ”, Thánh Têrêsa, người được Đức Gioan Phaolô II tuyên bố là Tiến sĩ Hội thánh vào năm 1997, đã viết.

Sự đền bù và sự tha thứ

Vẽ nên một bức tranh toàn cảnh rộng lớn về vị thế của lòng sùng kính Thánh Tâm trong tư tưởng của Dòng Tên và trong lịch sử linh đạo nói chung, Đức Thánh Cha Phanxicô giải thích rằng “một sự đền bù bề ngoài đơn thuần là không đủ, cho thế giới của chúng ta hay Thánh Tâm Chúa Giêsu. Nếu mỗi người chúng ta xem xét tội lỗi của chính mình và ảnh hưởng của chúng đối với người khác, chúng ta sẽ nhận ra rằng việc sửa chữa những tổn hại đã gây ra cho thế giới này cũng đòi hỏi mong muốn chữa lành những trái tim bị tổn thương nơi sự tổn hại sâu sắc nhất đã xảy ra, và sự tổn thương là đau đớn nhất”.

“Giáo hội cũng cần tình yêu đó, để tình yêu của Chúa Kitô đừng bị thay thế bởi những cấu trúc và những mối bận tâm lỗi thời, sự gắn bó quá mức với những ý tưởng và quan điểm của riêng mình, và sự cuồng tín dưới nhiều hình thức, điều cuối cùng sẽ thay thế tình yêu nhưng không của Thiên Chúa, vốn giải thoát, làm sống động, mang lại niềm vui cho tâm hồn và xây dựng cộng đồng”, Đức Thánh Cha nói, nhấn mạnh chủ đề sự đền bù và sự tha thứ.

Sứ mạng của chúng ta với tư cách là những người Kitô hữu

Thông điệp kết thúc bằng lời mời gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô đối với Giáo hội để trở thành những nhà truyền giáo, ngài đích thân ngỏ lời với các độc giả của mình: “Có thể nói về Chúa Kitô, bằng chứng tá hay lời nói, theo cách mà người khác tìm cách yêu mến Người, là mong muốn lớn nhất của mọi nhà truyền giáo tâm hồn”.

“Chúa Giêsu mời gọi bạn đừng bao giờ hổ thẹn khi nói với người khác, với tất cả sự thận trọng và tôn trọng, về tình bạn của bạn với Người. Người yêu cầu bạn mạnh dạn nói với người khác rằng bạn đã tìm thấy Người tốt đẹp và tuyệt vời dường bao”.

Văn bản này, có vẻ gần giống như một di chúc của vị Giáo hoàng sắp bước sang tuổi 88, đánh dấu sự thay đổi chủ đề so với các Thông điệp trước đây của ngài.

“Trong sự kết hiệp với Chúa Kitô, giữa những đổ nát mà chúng ta đã để lại trên thế giới này vì tội lỗi của mình, chúng ta được mời gọi xây dựng một nền văn minh tình yêu mới. Đó chính là ý nghĩa của việc đền bù như Thánh Tâm Chúa Giêsu muốn chúng ta thực hiện. Giữa sự tàn phá do sự dữ gây ra, Thánh Tâm Chúa Giêsu mong muốn chúng ta cùng cộng tác với Người để khôi phục lại sự tốt lành và vẻ đẹp cho thế giới của chúng ta”.

Minh Tuệ (theo Aleteia)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết