Thông điệp Phục Sinh của Đức Hồng y Myanmar

20160328-Bai-ThongDiepPhucSinhDHYMienDien-HoaBinh_AnhChúng ta được rửa bởi máu của Chúa Giêsu

Anh Chị Em Thân Mến,

Mùa Phục Sinh đã mở ra phía trước giống như một dòng sông trong một sa mạc dài. Hôm nay, thật là một Mùa Phục Sinh đặc biệt đối với người dân Myanmar. Dòng sông của dân chủ đang từ từ lan toả vẻ huy hoàng của nó với những dấu chỉ cùa sự phục sinh quanh chúng ta. Giờ đây đang là buổi sáng sớm của Ngày Phục Sinh ở Myanmar. Chúc Mừng Phục Sinh.

Đức Kitô, Đấng đã bị treo lên Thập Giá, cây của sự tra tấn, đã phục sinh. Bóng tối của Ngày Thứ Sáu Tuần Thánh đã bị Đức Kitô làm cho tan biến. Thập Giá trở thành cây của niềm hy vọng. Niềm tin của chúng ta bắt đầu bằng một thân cây, cây của sự hiểu biết, cây trong vườn Địa Đàng, cây của bản chất sa ngã. Nhưng thân cây có độc của Ađam và Evà được thay thế bằng cây cứu độ của Ađam thứ hai. Đức Kitô Đấng đã bị giết chết trên Thập Giá, ngang qua máu của Ngài đã tẩy rửa tội lỗi của nhân loại. Lòng hận thù đã nhường lối cho tình yêu. Sự trả thù đã nhường lối cho sự tha thứ và hoà giải. Ngày hôm nay, Chúa Giêsu hoà giải chúng ta với Chúa Cha. Vì bản chất con người đầy rẫy tội lỗi, cái chết của Đức Kitô là một sự thanh tẩy. Như Phêrô đã kêu lên trong niềm vui sướng: “Tội lỗi của chúng ta, chính Người đã mang vào thân thể mà đưa lên cây thập giá, để một khi đã chết đối với tội, chúng ta sống cuộc đời công chính. Vì Người phải mang những vết thương mà anh em đã được chữa lành” (1 Pr 2,24). Đó là thông điệp của Ngày Phục Sinh: Ôi nhân loại tội lỗi, Ôi nhân loại hận thù, tôi lỗi của ngươi đã được tha và lòng hận thù của ngươi đã được biến thành niêm hy vọng bởi một sự hy sinh ngoại thường của Chúa Giêsu và máu của Người. Đây là mùa của niềm hy vọng. Trong thế giới của sự tối tăm ngột ngạt hy vọng, lịch sử cho thấy rằng sự phục sinh là niềm hy vọng tiếp tục ở trong tâm hồn con người và trong lịch sử nhân loại.

Lịch sử đầy rẫy những con người mang lại niềm hy vọng phục sinh này ngang qua những việc làm cao quý của họ. Hãy nghĩ đến Abraham Lincoln. Đối với hàng ngàn người nô lệ da đen đã bị chôn vùi trong nấm mồ của sự nô lệ, ông đã công bố một sự phục sinh của tự do. Nhưng trong khi đó, lòng hận thù lại khát máu của ông, như người Do Thái khát máu của Chúa Giêsu. Licoln đã bị giết, không phải trên Thập Giá, mà bởi một viên đạn của lòng hận thù. Nhưng máu của ông lại được chứng minh là mạnh mẽ hơn. Máu ấy bắt đầu tẩy sạch lòng hận thù sắc tộc của người Mỹ. Những tia sáng của sự phục sinh đã đâm thâu qua màn mây đen tối của lòng hận thù.

Martin Luther King Jr, đã có một giấc mơ. Một giấc mơ là con người không bao giờ bị phán xét bởi mầu da của họ nhưng bởi tính cách của họ. Đối với hàng triệu người Mỹ gốc Phi, ông đã là niềm hy vọng, ánh sáng chiếu soi trên thành phố của niềm hy vọng. Nhưng lòng hận thù, cơn giận của nhóm người phân biệt sắc tộc, đã khát máu của ông. Ông cũng bị treo lên thân cây của lòng hận thù và bị giết bằng một viên đạn. Nhưng máu vô tội của ông đã tẩy sạch lòng hận thù. Ngày nay một người da đen đã nắm giữ Nhà Trắng, một điều đã từng bị coi là không thể. Đối với hàng triệu người Mỹ da đen thì Obama là một dấu chỉ của niềm hy vọng rằng những dân tộc bị nô lệ trong nấm mồ của sự tuyệt vọng sẽ phục sinh giống như Chúa Giêsu Đấng đã chiến thắng sự chết của Ngài.

Nelson Mandela đã mang nơi thân xác ông nhiều dấu vết của sự tra tấn và sự hạ nhục. Khi ông được tha bổng thì ông đã làm trống những ngôi mộ của lòng hận thù bằng việc kêu gọi sự hoà giải giữa các sắc tộc. Bằng một hành động hoà giải, Mandela đã chứng tỏ những dấu chỉ của sự phục sinh đối với một đất nước đã chịu đau khổ rất lâu.

Đất nước Myanmar không bị bỏ lại phía sau. Hãy nghĩ đến Tướng Aung San. Ông đã làm việc cho sự giải phóng toàn diện về sự tự do kinh tế và chính trị. Ngay cả trước thời điểm bình minh của sự tự do, máu của ông đã đổ ra. Đất nước đã được chữa lành khỏi lòng hận thù lẫn nhau giữa các dân tộc. Myanmar ngày nay có thể tuyên bố là một quố gia, nhờ máu của Aung San.

Ngày nay chúng ta thấy một sự phục sinh khác: sự phục sinh của niềm hy vọng ở nơi một người phụ nữ mỏng giòn: Bà Aung San Sui Kyi. Bà cũng đã bị treo lên chiếc cây của sự đau khổ trong hơn 15 năm trong nhà tù. Bóng tối đã thâm nhập vào Myanmar trong hơn 50 năm. Nỗi đau khổ và sức mạnh của Daw Aung San Sui Kyi ngay giữa đau khổ đã mang lại sự phục sinh của sự tự do. Ngày nay, Myanmar có thể bừng tỉnh trong bình minh của niềm hy vọng bởi vì những người như Aung San Sui Kyi đang sẵn sàng để chịu mang thương tích nhưng sử dụng nỗi khổ ấy như là một nỗi khổ cứu chuộc. Ngày nay, một quốc gia mới được khai sinh và đang nuôi dưỡng niềm hy vọng của sự tự do, hoà bình, sự thịnh vượng và sự phát triển con người.

Đây là mùa Phục Sinh. Đây là mùa của Niềm Hy Vọng đối với dân tộc của tôi. Người dân Myanmar hãy vui mừng về cây hy vọng này.

Hôm nay chúng ta cử hành sự vinh thắng của thập giá. Cây cứu độ. Đức Kitô đã bị thương trên Thập Giá và máu của Ngài đã chảy tràn từ Thập Giá. Thập Giá là một sự ô nhục đối với người Do Thái. Như Thánh Phaolô tự hào công bố “chúng tôi rao giảng một Đấng Ki-tô bị đóng đinh, điều mà người Do-thái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ. Nhưng đối với những ai được Thiên Chúa kêu gọi, dù là Do-thái hay Hy-lạp, Đấng ấy chính là Đức Kitô, sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa” (1 Cr 1,23). Cây của thập giá không phải là cây của sự ô nhục, nhưng là cây của ơn cứu độ. Ađam đầu tiên đã bất tuân khi ông tìm kiếm cây của sự hiểu biết. Người dân trong sa mạc đã không vâng phục ông Môsê và Thiên Chúa, nhưng họ lại được cứu bởi con rắn được giương lên giống như một thân cây. Đức Kitô đã đồng hoá chính Ngài với cây ấy. Ngài đã được đặt trong máng cỏ bằng gỗ khi còn là một hài nhi, là một người thợ mộc làm việc với gỗ và Ngài chết trên một thân gỗ, Thập Giá.

Tất cả các cây trên thế giới đều giống như Giêsu. Những cây này đều lấy khí các-bon độc hại trong không khí và biến chúng thành chất ô-xy mang lại sự sống. Các cây đều cứu lấy sự sống. Đức Kitô là cây của ơn cứu độ. Ngài mang lấy các tội lỗi độc hại ở nơi Ngài như Thánh Phêrô nói: “Tội lỗi của chúng ta, chính Người đã mang vào thân thể mà đưa lên cây thập giá, để một khi đã chết đối với tội, chúng ta sống cuộc đời công chính” (1 Pr 2,24). Ngài là cây vĩnh cửu của sự sống. Bằng việc mang lấy những vết thương mà Ngài mang lại cho chúng ta sự sống. Chúng ta được các vết thương của Ngài chữa lành.

Mùa Phục Sinh mời gọi sự hiểu biết này. Bước ra khỏi tội lỗi, khỏi sức mạnh của tội lỗi. Ở mức độ thử thách cá nhân, cuộc đời của chúng ta giống như cây Hiểu Biết của Sách Sáng Thế mà các trái độc của nó đã làm cho cha mẹ đầu tiên của chúng ta mất đi mối tương quan với Thiên Chúa. Tội lỗi đang rình rập ở cửa, đợi chờ để cắn xé bất cứ ai (1 Pr 5,8). Thường thì chúng ta tự đóng đinh chính mình vào một chủ nghĩa bi quan yếm thế thất bại. “Những con người hư hỏng” như Đức Giáo hoàng gọi chúng ta, những con người với một não trạng xi măng, nhìn mọi sự bằng một lăng kính tuyệt vọng, không bao giờ để cho sự sống được tạo lập. Não trạng bại trận là một nấm mồ niêm phong lại cuộc sống của chúng ta và khước từ mở ra cho tinh thần của sự tha thứ. Giuđa Iscariot đã tự chôn mình trong nấm mồ của tội lỗi trong khi Phêrô lại thấy lòng thương xót của Thiên Chúa và đã trỗi dậy khỏi nấm mồ là sự tuyệt vọng của ông. Những ai trong chúng ta tin vào sự phục sinh thì được mời gọi để bước ra khỏi những nấm mồ tự tạo của sự tuyệt vọng, hận thù và mất niềm hy vọng.

Năm thương xót là một tiếng kêu vang dội. Đức Giáo hoàng mời gọi chúng ta hãy biết xót thương chính bản thân. Hãy thương xót như Cha trên trời thương xót (Lc 6,36). Đối với nhiều người chúng ta bị chôn vùi trong nấm mồ của tội lỗi và sự sai phạm, Đức Giáo hoàng Phanxicô mời gọi chúng ta trở về với Thiên Chúa trong sự tha thứ. “Không có tội lỗi nào lớn hơn lòng thương xót của Thiên Chúa”, Đức Thánh Cha nói. Tha thứ cho người khác, hoà giải với những người mà chúng ta làm tổn thương và mang lấy một thái độ tích cực, đó là những dấu chỉ của con người của Sự Phục Sinh.

Là cộng đồng Công giáo, chúng ta cần phải là những dấu chỉ của niềm hy vọng cho đất nước này. Chúng ta đã bị bách hại, chúng ta đã bị chôn vùi trong các nấm mồ của sự nghèo nàn, áp bức và bị từ chối các quyền. Đối với nhiều người chúng ta, đó là một chặng đàng Thánh Giá dài. Chúng ta là một dân của Thứ Sáu Tuần Thánh, đôi khi hoài nghi về việc có một Thứ Bảy Tuần Thánh. Thậm chí chúng ta còn tự hỏi liệu có một Chúa Nhật Phục Sinh ở đất nước này không. Nhưng Thiên Chúa là Thiên Chúa của lịch sử. Ngài nói ngang qua các dấu chỉ của thời đại. Tôi mạnh mẽ tin rằng sự phục sinh của Myanmar từ quá khứ đau khổ của nó, đang diễn ra. Chúng ta là một cộng đồng cần phải làm chứng cho Mùa Phục Sinh ấy của niềm hy vọng. Trong một buổi hội thảo mới kết thúc gần đây về việc xây dựng quốc gia, Giáo hội đã có kế hoạch đóng góp cho quốc gia ngang qua hoà bình và hoà giải, sự phát triển con người ngang qua giáo dục và sự khẳng định các quyền của những anh chị em của chúng ta.

Đất nước này đã bị thương tích do con người và các thảm hoạ tự nhiên gây ra. Myanmar cần sự chữa lành. Quá khứ không thể được hoàn tác. Quá nhiều nhóm người đã bị thương tích. Như Thánh Gioan nói về những hoàn cảnh của các Kitô Hữu tiên khởi trong Sách Khải Huyền: “Vị ấy bảo tôi: ‘Họ là những người đã đến, sau khi trải qua cơn thử thách lớn lao. Họ đã giặt sạch và tẩy trắng áo mình trong máu Con Chiên’” (Kh 7,14), những người nam nữ của đất nước chúng ta đã đến từ những thử thách lớn lao. Đất nước này đã bị đóng đinh trên thập giá của sự bất công. Những người tị nạn, những người di dân không an toàn, chiến tranh ảnh hưởng lên con người, người nghèo, các nạn nhân nghiện và các nạn nhân của nạn buôn người. Làm sao chúng ta có thể quên hàng trăm người nam nữ của chúng ta là những người đã bị hao mòn trong các nhà tù hay thậm chí những người đã mất mạng sống họ vì sự tự do của đất nước này.

Máu của con chiên làm cho hết mọi vết thương được chữa lành. Tất cả những chiếc áo đều được tẩy trong máu của sự hận thù. Họ đã được tẩy trong máu của con chiên và được hoà giải. Quá khứ là một vết thương gây phiền toái trong đất nước này. Nhưng là một đất nước, chúng ta cần chữa lành. Sự tha thứ cần phải dẫn đến hoà bình với công lý. Chúa Giêsu kêu gọi “tha thứ bảy mươi lần bảy” (Mt 18,22).

Đất nước này đã chứng kiến con đường của thập giá, Đức Kitô bị thương tích được tháo xuống khỏi thập giá từ năm 2010. Chúng ta đã chứng kiến những tia hy vọng và phục sinh. Nhưng tất cả chúng ta, những nhà lãnh đạo của đất nước này, các nhóm sắc tộc, người dân Myanmar, cần phải học từ lịch sử.

Myanmar đã bắt đầu như là một đất nước hoà bình. Sự phân biệt đối xử đối với một tôn giáo ở đất nước này từ năm 1956 đã là vết thương đầu tiên. Sự đối xử tệ bạc đối với các tôn giáo khác đã tạo nên những mâu thuẫn và sự trục xuất kinh niên. Srilanka là đất nước đã đi cùng một lộ trình và đã chứng kiến việc tắm trong máu và mâu thuẫn, đã có một nhà lãnh đạo sẵn sàng chữa lành và hoà giải. Đất nước ấy giờ đây đang tiến bước về hoà bình và thịnh vượng. Các nhà lãnh đạo của đất nước này đã chữa lành vết thương của sự phân biệt sắc tộc và các nhóm tôn giáo nhỏ. Không có công lý thì không có hoà bình và Thứ Sáu Tuần Thánh sẽ tiếp tục với đất nước này. Sự bất công cần phải được tẩy sạch bằng máu của sự hoà giải.

Những vết thương lịch sử cần phải chữa lành. Vào những năm 1960, một sức mạnh quân sự ngạo mạn đã chiếm đoạt các cơ sở giáo dục được quản lý bởi người Kitô Hữu. Các Kitô hữu nhắm đến người nghèo và những người ở bên lề của nền giáo dục. Sự khước từ quyền này suốt 60 năm đã tạo nên một hậu quả là làm cho đất nước này thành một đất nước có nền giáo dục nửa vời. Giáo dục là một quyền căn bản. Một chính sách đầy mưu đồ của việc không giáo dục người trẻ đã làm cho chúng tiếp cận với các hình thức hiện đại của sự nô lệ ở các nước lân cận, buôn thuốc phiện, buôn người. Tuổi trẻ là một thế hệ bị thương tích. Sự hoà giải thực sự là có thể. Chúng ta đã chôn vùi ba thế hệ của dân tộc chúng ta mà không có một sự giáo dục nào. Tôi kêu gọi tất cả mọi người có liên quan “đừng đóng đinh thế hệ trẻ trong nấm mồ của sự tội nghiệp”, hãy mang lại cho chúng niềm hy vọng về một tương lai tươi sáng qua việc giáo dục có chất lượng.

Đức Giáo hoàng Phanxicô đã kêu gọi Giáo hội hãy là một thông điệp Phục Sinh cho người nghèo. Thông điệp thứ ba của Năm Thương Xót là hãy có lòng thương cảm với người nghèo và người bị tổn thương. Bất chấp mọi giới hạn, Giáo hội Myanmar đã chưa bao giờ chần chừ phục vụ người nghèo, đặc biệt là ngang qua những trường tiểu học, qua trung tâm phong cùi, trung tâm HIV, qua nhiều chương trình khác. Theo sự hướng dẫn của Đức Giáo hoàng Phanxicô trong Tông Huấn Niềm Vui Tin Mừng, Giáo hội sẽ đi ra để chạm đến những “vùng ngoại biên” của xã hội và mang lại niềm hy vọng Phục Sinh.

Một lần nữa, Chúc Mừng Phục Sinh tất cả anh chị em Kitô Hữu của tôi. Anh chị em là những Kitô hữu và những công dân Myanmar. Hãy tự tin đứng trong vị trí của các bạn giữa đất nước mới này. Chúng ta không còn là một dân tộc của Thứ Sáu Tuần Thánh nữa, chúng ta là một dân Phục Sinh. Chúng ta tạo nên niềm hy vọng. Đừng để cho mình chỉ được thắp sáng bằng sự nhỏ bé của mình. Hãy luôn luôn nhớ lời của Chúa Giêsu.

Chúa Giêsu nói: “Tại anh em kém tin! Thầy bảo thật anh em, nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải thôi, thì dù anh em có bảo núi này “rời khỏi đây, qua bên kia”, nó cũng sẽ qua. Và sẽ chẳng có gì mà anh em không làm được” (Mt 17,20-21).

Đúng, anh chị em thân mến của tôi, là một dân tộc Phục Sinh chúng ta hãy mang lấy vai trò di dời các ngọn núi của những bi kịch nhân loại và mang lại niềm hy vọng cho một Myanmar mới của hoà bình, thịnh vượng và bằng hữu. Hãy là một dân của niềm tin và niềm hy vọng. Chúng ta hãy di dời những ngọn núi.

Chúc mừng Phục Sinh.

Đức Hồng y Charles Maung Bo – TGP Yangon

Hoà Bình (chuyển ngữ từ Zenit)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết