
Một con kênh gần thủ đô Dhaka của Bangladesh tràn ngập rác thải. Tại Bangladesh, các nhà máy công nghiệp và các nhà máy gần các con sông và các nguồn nước bị đổ lỗi cho tình trạng ô nhiễm đặc hữu (Ảnh: Stephan Uttom / UCA News)
Giáo hội tham gia cùng với thế giới trong việc đánh dấu kỷ niệm 5 năm Thông điệp Laudato Si’ của Đức Giáo hoàng Phanxicô về môi trường.
Chỉ trong vòng một tháng, Sumon Roy đã trồng 15 cây ăn quả xung quanh ngôi nhà làng của mình ở khu vực Kellabari thuộc quận Nilphamari của Bangladesh.
Roy, 32 tuổi, là một ông bố Công giáo của một đứa con tham gia sinh hoạt tại Nhà thờ Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội thuộc Giáo phận Dinajpur.
Anh Roy được khuyến khích trồng cây xanh bởi vị Linh mục coi sóc Giáo xứ, người cũng đã kêu gọi các tín hữu Công giáo khác làm như vậy và chăm sóc môi trường nhằm kêu gọi sự chú ý đối với lời kêu gọi từ của Đức Giáo hoàng Phanxicô.
Tuy nhiên, họ không được thông báo rằng Giáo hội Công giáo toàn cầu đang cử hành Tuần lễ Laudato Si’ (từ ngày 16-24 tháng 5) để đánh dấu kỷ niệm 5 năm Thông điệp Laudato Si’ của Đức Giáo hoàng Phanxicô về môi trường.
“Tôi không nghĩ là nhiều người Công giáo trong Giáo phận thực sự biết đến Thông điệp Laudato Si’, ngoại trừ một số người có học thức và hiểu biết về truyền thông xã hội. Đây là một tài liệu đặc biệt mà mọi người nên học hỏi và làm theo”, anh Roy, một giáo viên tiểu học, chia sẻ với UCA News.
“Là một người Công giáo, tôi cảm thấy tự hào rằng nhà lãnh đạo tinh thần tối cao của chúng ta đã bày tỏ sự bận tâm về môi trường và kêu gọi mọi người quan tâm đến nó. Mọi người cần phải quan tâm đến môi trường và hành động phù hợp”.
“Trong khi Thông điệp Laudato Si’ chỉ tạo được tiếng vang không đáng kể trong số các Kitô hữu thiểu số ở vùng nông thôn và các khu vực vùng sâu vùng xa của Bangladesh, các nhóm về môi trường đã rút ra được nhiều bài học từ thông điệp của Đức Giáo hoàng trong tài liệu này”.
Thông điệp Laudato Si’ có liên quan hơn bao giờ hết, Abdul Karim, một nhà hoạt động chia sẻ với nhóm bảo vệ môi trường mang tên ‘Bangladesh Poribesh Andolon’ (BAPA).
“Đức Giáo hoàng Phanxicô không chỉ được coi như là một nhà lãnh đạo Kitô giáo mà còn là một nhà lãnh đạo toàn cầu, và thông điệp của Ngài về môi trường có sức hấp dẫn trên toàn cầu. Ngài đã mạnh mẽ kêu gọi việc tố cáo chủ nghĩa tiêu dùng và sự xa xỉ vì mục đích bảo vệ môi trường. Ngày nay, thế giới đang phải trả giá đắt vì không nghe theo những điều Đức Giáo hoàng Phanxicô đã cảnh báo cách đây 5 năm trước”, Karim, một người Hồi giáo, chia sẻ với UCA News.
Các nhà lãnh đạo chính trị ở Bangladesh và trên toàn cầu đã không chú ý đến lời kêu gọi của Đức Giáo hoàng Phanxicô và giờ đây đang phải họ vật lộn với tình trạng ô nhiễm đặc hữu.
“Điều quan trọng là phải nắm lấy lời kêu gọi của Đức Giáo hoàng Phanxicô và hành động. Laudato Si’ nên được trình bày trong các cuộc thảo luận và thương thuyết trên toàn quốc để nó có thể thúc đẩy những thay đổi tốt hơn về mặt môi trường”, ông Karim chia sẻ.
Lời kêu gọi hành động vì môi trường
Mặc dù bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, Giáo hội Công giáo ở Bangladesh đã đưa ra các sáng kiến để cử hành Tuần lễ Laudato Si’ với chủ đề: “Chúng ta xanh tốt, chúng ta sạch đẹp” (We are green, we are clean).
Ban chuyên trách về vấn đề biến đổi khí hậu của Hội đồng Giám mục Công giáo đã gửi thông điệp đến các gia đình và các viện giáo dục Công giáo trên khắp đất nước kêu gọi hành động vì môi trường, điều phối viên ‘Holy Cross’, Linh mục Liton H. Gomes, chia sẻ.
“Trồng cây xanh, quản lý chất thải và nhựa, khu vườn nhà bếp, làm sạch các kênh rạch và đường thủy, và cầu nguyện cho thiên nhiên và môi trường là một số hoạt động mà mọi người có thể làm”, Cha Gomes chia sẻ với UCA News.
Kế hoạch để mỗi người Công giáo trồng một cây xanh trong năm nay đã bị cản trở do đại dịch Covid-19 vì việc phân phối cây giống là không thể, Cha Gomes lưu ý.
Quả là một vấn đề phổ biến khi hầu hết mọi người lên tiếng kêu gọi phản đối vấn đề biến đổi khí hậu, nhưng lại không nhìn vào cách chúng ta gây ô nhiễm môi trường, vị Linh mục than phiền.
“Thông thường, chúng ta nói rằng chúng ta cần sự phát triển nhưng lại không hướng đến sự phát triển toàn diện, vốn không hủy hoại thiên nhiên hay môi trường. Có những nhóm kinh doanh quan tâm đến vấn đề lợi nhuận bằng cái giá của thiên nhiên và chính phủ không thể ngăn chặn họ”, Linh mục Gomes cho biết thêm.
Tổ chức Caritas Bangladesh, cơ quan dịch vụ xã hội của Giáo hội và là một trong những tổ chức phi chính phủ lớn nhất trong cả nước, đã đi đầu trong việc quảng bá Thông điệp Laudato Si’ trong những năm qua, theo James Gomes, Giám đốc khu vực của Tổ chức Caritas Chittagong.
“Laudato Si’ đã được tích hợp vào các chương trình và hoạt động của Caritas. Một sự sự nhận thức rõ ràng là hoàn toàn cần thiết vì vậy hãy xem chúng ta đã hủy hoại thiên nhiên và phá hủy hành tinh xinh đẹp này như thế nào”, ông Gomes chia sẻ với UCA News.
Trong những năm qua, Tổ chức Caritas đã làm việc với các nhóm bảo tồn để bảo vệ môi trường bao gồm việc giải cứu các dòng sông bị ô nhiễm và truyền bá sự nhận thức của mọi người về việc ô nhiễm có thể có những tác động tàn phá đến cuộc sống của con người như thế nào, ông Gomes nói.
“Chúng tôi đã khuyến khích các em sinh viên trồng cây xanh và hạn chế sử dụng nhựa. Chúng tôi hy vọng mọi người sẽ học hỏi và sự thay đổi sẽ xuất hiện”, ông Gomes nói.

Một người đàn ông đang chèo thuyền trên một con sông ở quận Gopalganj của Bangladesh. Nhiều dòng sông ở quốc gia ven sông rộng lớn này đang thoi thóp chờ chết do tình trạng ô nhiễm và hành động xâm lấn (Ảnh: Stephan Uttom / UCA News)
Ô nhiễm môi trường và các mối đe dọa
Bangladesh nằm ở vị trí thấp ngang bằng mực nước biển là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất khi nói đến những tác động của vấn đề biến đổi khí hậu do tình trạng nóng lên toàn cầu bao gồm cả việc mực nước biển dâng cao.
Các chuyên gia khí hậu đã cảnh báo rằng mực nước biển dâng cao vào năm 2050 sẽ quét sạch phần lớn bờ biển phía nam Bangladesh và khiến cho khoảng 20 triệu người phải di tản.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, chính đất nước này đã bị cáo buộc là một trong những quốc gia gây ô nhiễm môi trường. Bangladesh có kế hoạch xây dựng một loạt các nhà máy nhiệt điện than vào năm 2031 trong một động thái được các nhà hoạt động mô tả là một thảm họa carbon đang xuất hiện lờ mờ.
Trong khi đó, các chuyên gia cũng cảnh báo về các mối đe dọa về môi trường và y tế gây ra bởi nhà máy hạt nhân Rooppur ở quận Pabna được xây dựng với sự hỗ trợ kỹ thuật từ Nga.
Thủ đô Dhaka của Bangladesh thường xuyên được xếp hạng trong số các thành phố có mức độ ô nhiễm không khí tồi tệ nhất, khiến cho hàng ngàn người tử vong mỗi năm.
Sự ô nhiễm của các con sông ở phần lớn ven sông Bangladesh cũng mang tính đặc hữu. Một cuộc khảo sát gần đây của chính phủ đã liệt kê khoảng 50.000 trường hợp lấn chiếm sông ngòi trên toàn quốc, nhưng các nhóm môi trường cho biết con số thực tế còn cao hơn nhiều. Nghiên cứu cũng lưu ý rằng 178 con sông đòi hỏi cần phải được nạo vét ngay lập tức để được cứu khỏi bị bức tử.
Giáo hội Công giáo và Tổ chức Caritas đã có những đóng góp đáng chú ý trong các lĩnh vực như giáo dục, y tế, trao quyền kinh tế và môi trường, nhưng họ không công khai chỉ trích các dự án quan trọng về môi trường được chính phủ ủng hộ hoặc tài trợ, Sanjeeb Drong, một nhà hoạt động Công giáo thuộc nhóm sắc tộc Garo, cho biết.
“Đức Giáo hoàng Phanxicô đã dạy chúng ta rằng bảo vệ môi trường là một vấn đề của sự sống còn và cũng là quyền của con người. Ở Bangladesh, phần lớn là do tình trạng thiểu số của mình, Giáo hội không thể đưa ra lập trường táo bạo để bảo vệ môi trường hoặc có thể bị cáo buộc vì bị ảnh hưởng bởi phương Tây hoặc lợi dụng tôn giáo”, ông Drong chia sẻ với UCA News.
Vấn đề tương tự cũng khiến Giáo hội giữ một vị thế phòng thủ đối với các vấn đề bản địa dân tộc, ông Drong lưu ý.
Giáo hội cần thành lập một liên minh mạnh mẽ với các nhóm xã hội dân sự, thiết lập các tổ chức nghiên cứu, phân tích và vận động chính sách, và các phong trào xã hội, đồng thời trao quyền cho Ủy ban Công lý và Hòa bình để lên tiếng mạnh mẽ hơn về vấn đề môi trường và nhân quyền, ông Drong nói.
“Ít nhất, Giáo hội có thể quảng bá Thông điệp Laudato Si’ trên toàn quốc hầu nâng cao vị thế của mình”, ông Drong cho biết thêm.
Linh mục Gomes thuộc Hội đồng Giám mục đã thừa nhận rằng Giáo hội không thể đưa ra một lập trường quá mạnh mẽ về các vấn đề môi trường nhưng giải thích một chính sách cố hữu.
“Giáo hội giống như một lương tâm và Giáo hội mong muốn hành động quan trọng hơn lời nói. Chúng tôi chỉ là một nhóm thiểu số và không thể làm những điều mà một Giáo hội lớn mạnh về số lượng ở các quốc gia khác có thể làm. Chúng tôi hoạt động và hợp tác theo những cách thức bất bạo độn và hài hòa”, Linh mục Gomes nói.
Minh Tuệ (theo UCA News)