Thứ Sáu Tuần Thánh. Một thứ sáu chìm đắm trong u buồn, tang thương, nhắc lòng người suy tư về bạo lực. Một đám quân binh rần rần khí giới, theo chỉ thị hùng hổ đi lùng bắt người vô tội. Một Phêrô chém đứt tai người đầy tớ thầy thượng tế. Một đám đông cuồng nộ mù quáng. Một Philatô “rửa tay” làm ngơ mặc cho những thượng tế, những Pharisêu toa rập, mưu toan hại người vô tội… Bạo lực ngùn ngụt được âm thầm điều khiển bởi bàn tay của quỷ dữ, đẩy Con Người vào bi thương, khốn nạn!
Có dáng dấp của một kiểu bạo lực hướng vào kẻ yếu thế. Có lẽ đó là kiểu bạo lực điển hình và rộng khắp nhất, nó tàng ẩn bên trong bất kì cốt cách, dung mạo nào của phàm nhân, mà chỉ cần một phút giây mất kiểm soát, nó lộ mặt như một phản ứng cố nhiên rất đỗi con người – một chất “người” bị sa ngã trong sự tội. Đó là thứ bạo lực – có thể về tinh thần hay thể chất – mà người ta sử dụng để làm cho rạch ròi bề trên – lớp dưới, kẻ lớn – người nhỏ, chủ – tớ, vua – tôi… Nó tồn tại ngay trong cái gọi là tổ ấm, cộng đoàn, gia đình.
Có loại bạo lực đám đông – một kiểu cuồng nộ theo xu thế bầy đàn, và thường bị giật dây, lèo lái bởi những âm mưu chính trị, kinh tế hay ý thức hệ. Những thượng tế, những Pharisêu, những Philato…, thời nào cũng có. Những nhà lãnh đạo tôn giáo và chính trị đó thừa biết Đức Giêsu không có tội, nhưng nhất quyết Ngài phải bị loại trừ, để Sự Sáng không thể chiếu soi vào cái đen tối, dối trá, độc ác của họ được. Và bạo lực đám đông ‘quần chúng tự phát’ được sử dụng như công cụ để đốn ngã đối phương. Người đời vô tình bị cuốn trôi, bị lèo lái, bị thu hút bởi những chiêu trò xanh đỏ, để rồi bị xoay tít như đèn cù, không còn nhận ra đâu là thật là giả!
Khi những giá trị tôn giáo chân chính được thực thi, khi nhân quyền, dân chủ, tự do được quyền bính chính trị và tư pháp tôn trọng đúng nghĩa, thì tình trạng bạo lực, giết người, nổ súng…, thường chỉ rơi vào những trường hợp cá biệt, hay do yếu tố tâm lý, tâm thần.
Ở nơi khác, tuy phần đông dân chúng vẫn đề cao trách nhiệm bản thân và ý thức cộng đồng, bạo lực có vẻ ít xảy ra trong xã hội nhưng tỉ lệ tự tử lại cao, ví dụ ở Nhật Bản. Xét cho cùng, đây cũng là một dạng bạo lực với chính bản thân mình, khi hình như con người quá đề cao trách nhiệm và năng lực bản thân, cao đến nỗi không còn chỗ đứng cho Thượng Đế, Đấng có quyền năng trên sự sống – chết, thành – bại của họ, Đấng có những huyền nhiệm mà trí khôn loài người không hiểu thấu. Chính vì không có Đấng ấy, nên họ không có chỗ để cậy trông khi thất bại, không có nơi để tựa đầu tín thác khi yếu đuối, không có chỗ để họ phó dâng xác hồn và lãnh nhận ơn tha thứ. Và họ nghĩ họ có quyền “tự xử lý” bản thân!
Trong nhiều xã hội, người ta lại sẵn sàng thực hiện hành vi bạo lực với người khác mà không cần đến một lý do rõ ràng nào. Bạo lực trong ánh mắt, lời nói, ngôn từ, hành động. Người ta có thể giết người chỉ vì thấy “ngứa mắt”, “ngứa tay”. Vợ chồng giết nhau, cha con giết nhau, chủ thợ giết nhau, bè bạn giết nhau! Chúng ta có thể thấy nhan nhản kiểu bạo lực này trong xã hội Việt Nam hôm nay. Dường như khi có mâu thuẫn hay xung đột, dù nhỏ, thì người ta liền chỉ muốn lấy mạng nhau, chứ không đơn giản chỉ là gây gổ, đánh nhau như trước. Cái gì đang diễn ra trong nội tâm con người Việt Nam, khi mà đâu đâu, gia đình, nhà trường, bệnh viện, đồn công an, cơ quan công quyền, toà án…, và ngay cả trên đường phố, đều sẵn sàng bùng nổ những quả bom bạo lực? Cứ như thể ai cũng muốn thực hiện một cuộc “cách mạng bạo lực”! Con người luôn chứa đựng những bức bối, hằn học nhau, quy tội nhau thay vì nhìn nhận trách nhiệm bản thân…
Giải pháp nào, hy vọng nào cho nước Việt? Một nước Việt với những thuần phong mỹ tục, con người hiền hoà, nho nhã… Nước Việt ấy vẫn đang rên lên một tiếng kêu tha thiết giữa biển bạo lực…
Những người Công Giáo đã từng đọc kinh Mân Côi cầu nguyện cho “nước Nga trở lại” có quyền hy vọng một “nước Việt trở lại”. Một sự trở lại không phải bằng giải pháp quân sự, giải pháp kinh tế hay xã hội nào, nhưng là hy vọng vào một “giải pháp Giêsu”.
Nước Việt đang chìm đắm trong Thứ Sáu của Tuần Thánh u buồn, nghĩa là vẫn còn niềm hy vọng trở lại trong Chúa Nhật Phục Sinh. Một sự trở lại nhờ vào quyền năng và tình yêu của Đấng đã chiến thắng sự chết và tội lỗi…
Tịnh Khê