Thỏa thuận Vatican-Trung Quốc về việc bổ nhiệm Giám mục được gia hạn thêm 4 năm nữa

Một tín hữu vẫy cờ Trung Quốc khi Đức Thánh Cha rời đi sau buổi tiếp kiến chung hàng tuần vào ngày 12 tháng 6 năm 2019, tại Quảng trường Thánh Phêrô, Vatican (Ảnh: FILIPPO MONTEFORTE /AFP/ Getty Images)

Một tín hữu vẫy cờ Trung Quốc khi Đức Thánh Cha rời đi sau buổi tiếp kiến chung hàng tuần vào ngày 12 tháng 6 năm 2019, tại Quảng trường Thánh Phêrô, Vatican (Ảnh: FILIPPO MONTEFORTE /AFP/ Getty Images)

Hôm thứ Ba, Vatican thông báo đã gia hạn thỏa thuận với Trung Quốc về việc bổ nhiệm các Giám mục Công giáo thêm 4 năm nữa.

Việc gia hạn này diễn ra vài ngày sau khi Viện Hudson đưa ra báo cáo chi tiết về việc 7 Giám mục Công giáo ở Trung Quốc đã bị giam giữ mà không qua xét xử hợp pháp, trong khi các Giám mục khác phải chịu áp lực, giám sát và điều tra của cảnh sát khốc liệt kể từ khi thỏa thuận Trung Quốc-Vatican được ký kết lần đầu tiên cách đây 6 năm.

Với việc gia hạn này, thỏa thuận Trung Quốc-Vatican sẽ vẫn có hiệu lực cho đến ngày 22 tháng 10 năm 2028.

Bản dịch tiếng Anh của tuyên bố chính thức từ Tòa Thánh cho biết rằng “Phía Vatican tiếp tục cam kết thúc đẩy đối thoại tôn trọng và mang tính xây dựng với phía Trung Quốc, hướng tới sự phát triển hơn nữa quan hệ song phương vì lợi ích của Giáo hội Công giáo tại Trung Quốc và toàn thể nhân dân Trung Quốc”.

Tuyên bố nói thêm rằng cả hai bên đã đồng ý gia hạn thỏa thuận tạm thời sau khi “tham vấn và đánh giá phù hợp”.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lâm Kiến (Lin Jian) cũng xác nhận việc gia hạn, đồng thời cho biết rằng hai bên sẽ duy trì “liên lạc và đối thoại trên tinh thần xây dựng”, theo hãng thông tấn Associated Press.

Được ký lần đầu vào tháng 9 năm 2018, thỏa thuận tạm thời trước đó đã được gia hạn thêm 2 năm vào năm 2020 và một lần nữa vào tháng 10 năm 2022.

Các điều khoản của thỏa thuận chưa được công khai, mặc dù Đức Thánh Cha Phanxicô đã tuyên bố rằng thỏa thuận bao gồm một ủy ban chung giữa chính phủ Trung Quốc và Vatican về việc bổ nhiệm các Giám mục Công giáo, do Đức Hồng y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Vatican, giám sát.

Cuộc đối thoại giữa Vatican và Trung Quốc không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Tòa Thánh đã thừa nhận rằng Trung Quốc đã vi phạm các điều khoản của thỏa thuận bằng việc đơn phương bổ nhiệm các Giám mục Công giáo tại Thượng Hải“Giáo phận Giang Tây”, một Giáo phận lớn do chính phủ Trung Quốc thành lập mà không được Vatican công nhận.

Đức Thánh Cha Phanxicô với một số Giám mục Trung Quốc (Ảnh: Vatican News)

Đức Thánh Cha Phanxicô với một số Giám mục Trung Quốc (Ảnh: Vatican News)

Đức Thánh Cha Phanxicô đã bày tỏ sự hài lòng với cuộc đối thoại đang diễn ra với Trung Quốc trong một cuộc họp báo vào tháng 9. Tuy nhiên, Ngoại Trưởng Vatican, Đức Tổng Giám mục Paul Richard Gallagher, đã thận trọng hơn, ngài gọi thỏa thuận này “không phải là thỏa thuận tốt nhất có thể” và đồng thời lưu ý những nỗ lực đang diễn ra để cải thiện việc thực hiện thỏa thuận.

Theo hãng tin Vatican News, kể từ năm 2018, “khoảng 10 Giám mục” đã được bổ nhiệm và tấn phong theo các điều khoản của thỏa thuận Trung Quốc-Vatican.

Theo Asia News, Đức tân Giám mục phó Địa phận Bắc Kinh dự kiến sẽ được bổ nhiệm vào thứ Sáu tuần này theo thỏa thuận với Vatican. Đức Giám mục phó sẽ chỉ trẻ hơn 5 tuổi so với Đức Tổng Giám mục đương nhiệm Joseph Li Shan (Giuse Lý Sơn) của Địa phận Bắc Kinh, người vẫn còn cách tuổi nghỉ hưu thông thường của các Giám mục Công giáo hơn một thập kỷ.

Vào tháng 8, chính phủ Trung Quốc đã chính thức công nhận Đức Cha Melchior Shi Hongzhen (Đức cha Mêchiô Thạch Hồng Trinh), 95 tuổi, một cựu Giám mục hầm trú. Vatican đã gọi sự công nhận này là “thành quả tích cực của cuộc đối thoại” với Bắc Kinh.

Các nhà ủng hộ nhân quyền đã chỉ trích sự im lặng của Vatican về các hành vi vi phạm quyền tự do tôn giáo của Trung Quốc trong các cuộc đàm phán, bao gồm việc giam giữ người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ và giam giữ những người ủng hộ dân chủ người Công giáo như Jimmy Lai ở Hồng Kông.

Theo báo cáo gần đây của Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF), các quan chức Trung Quốc đã ra lệnh tháo dỡ Thánh giá khỏi các nhà thờ và thay thế hình ảnh Chúa Kitô và Đức Trinh Nữ Maria bằng hình ảnh Chủ tịch Tập Cận Bình.

USCIRF cũng báo cáo rằng chiến dịch “Hán hóa tôn giáo” của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã dẫn đến việc kiểm duyệt các văn bản tôn giáo, buộc các giáo sĩ phải rao giảng hệ tư tưởng của ĐCSTQ và yêu cầu treo các khẩu hiệu của ĐCSTQ trong các nhà thờ.

“Mặc dù một số người Công giáo chọn thờ phượng hợp pháp trong Hiệp hội Công giáo Yêu nước Trung Quốc do nhà nước kiểm soát, họ chắc chắn không được tự do vì họ phải tuân thủ các cơ chế kiểm soát và can thiệp khắc nghiệt của ĐCSTQ”, Ủy viên USCIRF Asif Mahmood nói với CNA vào đầu tháng này.

“Cuối cùng, chính phủ Trung Quốc chỉ quan tâm đến việc truyền bá sự tuân thủ và tận tụy không lay chuyển đối với ĐCSTQ, chương trình nghị sự chính trị của đảng này và tầm nhìn của đảng này đối với tôn giáo, chứ không phải bảo vệ quyền tự do tôn giáo của các tín hữu Công giáo”, ông Mahmood nói.

Minh Tuệ (theo CNA)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết