Nhiều năm nay, ai cũng nhận thấy nền đạo đức xã hội Việt Nam ta đang suy thoái và xuống cấp một cách trầm trọng trong mọi lãnh vực của đời sống.
Nguyên nhân cội rễ của thảm trạng này bởi đâu? Chắc chắn có nhiều nguyên nhân – khách quan cũng như chủ quan – nhưng phải thừa nhận một trong những nguyên nhân quan trọng vào hàng bậc nhất là sự suy thoái đạo đức và lối sống của giới cầm quyền và quản lý xã hội. Nói theo cách của ông Tổng bí thư Đảng CSVN, Nguyễn Phú Trọng: “…suy thoái nghiêm trọng về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp”. Từ đó dẫn đến việc mất lòng tin của dân chúng vào nhà cầm quyền. Một khi người dân mất lòng tin, mất lòng trông cậy nhà cầm quyền, thì chắc chắn đời sống của họ trở nên bơ vơ, bấp bênh, mất an toàn và mất phương hướng. Trong hoàn cảnh ấy, người ta sẽ mạnh ai nấy sống, bất chấp phép tắc, luật lệ, đẩy xã hội đến trình trạng hỗn loạn và đạo đức băng hoại là điều không tránh khỏi.
Vậy làm gì để khôi phục nền đạo đức xã hội? Giáo huấn Xã hội Công giáo (GHXHCG) cho ta một giải pháp là Xã hội Dân sự (XHDS). GHXHCG xác nhận sự hiện của XHDS giúp khôi phục và củng cố nền đạo đức xã hội: “Hãy nhìn XHDS như một nơi có thể khôi phục lại nền đạo đức chung” .[1]
XHDS là gì?
GHXHCG xác định rõ, đó là tổng hợp bao gồm các mối quan hệ và các nguồn lực về văn hoá lẫn hiệp hội. Nói cách khác, là những nhóm, hiệp hội, tổ chức được người dân tự thành lập nhằm:
- Bày tỏ sở thích riêng của nhóm, đoàn hội, câu lạc bộ…
- Đáp ứng nhu cầu căn bản của con người.
- Bảo vệ các quyền lợi chính đáng của con người cũng như nhóm, đoàn hội, câu lạc bộ…
Đặc điểm: các tổ chức XHDS đúng nghĩa có tính độc lập (một cách tương đối) với lĩnh vực chính trị và kinh tế.[2]
Thí dụ: các tổ chức tôn giáo, câu lạc bộ thể thao, nghiệp đoàn, tổ chức hướng đạo,……
Các hình thức XHDS giả hiệu
Do “các hệ tư tưởng chính trị mang bản chất chủ nghĩa cá nhân và các ý thức hệ chính trị mang tính chất độc tài, đang có xu hướng thâu tóm xã hội dân sự vào trong phạm vi của Nhà Nước”.[3]
Hiện nay, trong các tổ chức như Hội Liên hiệp Thanh niên, Hội Phụ nữ, Liên đoàn Lao động,Công đoàn…, người nắm quyền điều hành hầu hết là các đảng viên của đảng cầm quyền, tức là không có sự độc lập với cộng đồng chính trị. Ngay cả Ban chấp hành công đoàn cơ sở tại các công ty cũng không hề là tổ chức độc lập: họ bị chi phối bởi lãnh đạo công ty, cho nên khó có tiếng nói để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người lao động.
Giá trị của XHDS
XHDS thực sự cần thiết cho một xã hội phát triển đến mục tiêu giàu có, công bằng, dân chủ và văn minh, với những giá trị như sau:
- Mang tính phổ quát,[4]
- Hướng tới công ích, tự do, công bằng,[5]
- Khôi phục nền đạo đức xã hội,[6]
- Tạo ra những không gian mới cho các công dân hiện diện tích cực và hoạt động trực tiếp, kết hợp với những chức năng của Nhà Nước,[7]
- Là nơi phẩm giá con người được phát huy.[8]
Tương quan giữa nhà nước và XHDS [9]
- XHDS không thể được coi như một phần mở rộng của cộng đồng chính trị hay một thành phần thay đổi của cộng đồng chính trị. Do đó, đảng phái cầm quyền cũng như chính quyền của họ không thể sử dụng XHDS như là công cụ để phục vụ cho mưu đồ và lợi ích của đảng phái mình, nhưng phải giữ tương quan với các tổ chức XHDS theo nguyên tắc bổ trợ, như thế XHDS mới tồn tại theo đúng chức năng và mang lại lợi ích phổ quát cho toàn xã hội.
- Nhà nước nhờ XHDS mà được chính danh tồn tại, cho nên phải phục vụ XHDS: bảo hộ, tạo điều kiện cho các tổ chức XHDS phát triển và phát huy được tính năng, tính chất đặc thù hữu hiệu cho đời sống con người và xã hội.
- Ngoài ra, nhà Nước phải cung cấp một khung pháp lý thích đáng để các chủ thể xã hội được tự do tham gia vào các hoạt động khác nhau của họ. Nghĩa là nhà nước chỉ được điều hòa và chỉnh đốn XHDS bằng pháp luật công minh.
- Như thế, sự tương tác giữa các hiệp hội tự do luôn nhắm tới công ích. Nhà nước phải sẵn sàng can thiệp khi thấy cần, nhưng vẫn tôn trọng nguyên tắc bổ trợ.
Tương quan giữa các đảng phái chính trị và XHDS [10]
Các đảng phái chính trị được mời gọi diễn đạt các nguyện vọng của XHDS. Để làm được điều này, các đảng phải chính trị phải luôn sát sao, gần gũi để hiểu biết và nắm được tâm tư, cũng như những nhu cầu chính đáng của các tổ chức XHDS, qua đó có tiếng nói yêu cầu với đảng cầm quyền. Đồng thời, họ cũng cần phải điều chỉnh và hướng nguyện vọng của các tổ chức XHDS đến công ích, chứ không có động thái mị dân, lôi kéo để tạo thành phe nhóm lợi ích cục bộ. Ngoài ra, các đang phái chính trị cũng cần tạo điều kiện mọi công dân có cơ hội để lên tiếng, đóng góp ý kiến hữu hiệu vào những quyết sách, những chọn lựa mang tính chính trị của nhà cầm quyền.
Tóm lại, chúng ta thấy nguyên nhân của thực tế đạo đức xuống cấp nghiêm trọng trong hầu hết các lãnh vực chính trị, kinh tế, giáo dục, y tế, văn hóa,… tại Việt Nam hiện nay là do thiếu vắng XHDS thực sự. Các hình thức XHDS giả hiệu chỉ là công cụ mị dân dân của đảng cầm quyền, chủ yếu tồn tại để bao che, biện hộ, tuyên truyền giúp hợp thức hóa các quyết sách của nhà cầm quyền, cho dù quyết sách ấy là bất lợi cho người dân, cho quốc gia và dân tộc. Cho nên, nó tồn tại chỉ gây cho xã hội trở nên chia rẽ, phân hóa và ngờ vực lẫn nhau.
Chỉ có thể hàn gắn vết trọng thương đạo đức trong xã hội hiện nay bằng các hình thức XHDS thực sự. Với những hình thức hợp tác, liên đới trong XHDS sẽ giúp làm giảm sự căng thăng do sự cạnh tranh vô hạn trong xã hội. Cạnh tranh khốc liệt trong các lãnh vực cũng là nguyên nhân chính yếu gây suy thoái đạo đức. Hơn nữa, việc hợp tác và liên đới cùng với đối thoại huynh đệ còn giúp hàn gắn sự đổ vỡ, chia rẽ và ly tán do ý thức hệ, góp phần chủ lực để khôi phục lại nền đạo đức chung cho cộng đồng dân tộc Việt Nam ta.
Kỳ Đồng
[1] Tóm lược GHXHCG, số 420.
[2] Xem Tóm lược GHXHCG, số 417.
[3] Xem Tóm lược GHXHCG, số 417.
[4] Xem Tóm lược GHXHCG, số 417.
[5] Xem Tóm lược GHXHCG, số 417.
[6] Xem Tóm lược GHXHCG, số 420.
[7] Xem Tóm lược GHXHCG, số 419.
[8] Xem Tóm lược GHXHCG, số 185.
[9] Xem Tóm lược GHXHCG, số 418.
[10] Xem Tóm lược GHXHCG, số 413.