Một em bé sơ sinh, yếu đuối, thụ động, quấn tã, vô danh… lại chính là Đấng Cứu Độ – Đấng Kitô – Đức Chúa. Chỉ có lòng tin mới cho phép người ta chấp nhận điều đó.
“Trong vùng ấy [Bêlem], có những người chăn chiên sống ngoài đồng và thức đêm canh giữ đàn vật. Bỗng sứ thần Chúa đứng bên họ, và vinh quang của Chúa chiếu toả chung quanh, khiến họ kinh khiếp hãi hùng” (Lc 2,8-9).
Khung cảnh là cánh đồng quanh Bêlem, ban đêm, với những người chăn chiên đang canh giữ đàn vật. Bỗng xuất hiện một cảnh tượng thật kỳ vĩ: các thiên sứ, ánh sáng và vinh quang. Thực tại của Thiên Chúa đã mở ra với thế giới nghèo khổ khốn cùng và cô quạnh của con người.
Nghề nghiệp và tình cảnh của các mục đồng nghèo khổ là hình ảnh của thế giới khốn khổ của con người. Thiên Chúa đã chọn những con người khốn khổ đó để công bố tin vui Đấng Mêsia giáng sinh. Đàng khác, vua Đavít, cũng chào đời tại Bêlem, vốn là một mục đồng trước khi làm vua Israel và mang trên vai mình gánh nặng của lời hứa Mêsia. Hình ảnh các mục đồng trong đêm Giáng Sinh có chức năng văn chương là làm nổi bật vai trò Mêsia của Hài Nhi Giêsu.
“Sứ thần bảo họ: “Anh em đừng sợ. Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân: Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đavít, Người là Đấng Kitô Đức Chúa”(Lc 2,10-11).
Sứ thần báo một tin mừng trọng đại: cuộc hạ sinh của Đấng Mêsia trong thành vua Đavít. Đấng ấy được “định tính” bằng ba danh hiệu: Đấng Cứu Độ, Đấng Kitô và Đức Chúa. Cứu độ vốn là chức năng cơ bản của Đấng Mêsia. Tuy tác giả không xác định rõ nội dung, nhưng theo Lc 1,69t.77, thì đó là tha tội và giải phóng khỏi tay địch thù. Trong 1,47, tước hiệu Đấng Cứu Độ là tước hiệu dành cho Thiên Chúa, nhưng bây giờ được áp dụng cho Hà Nhi vừa được sinh ra tại Bêlem. Tước hiệu kép “Đấng Kitô Đức Chúa” trình bày một lời tuyên xưng lòng tin rất “đậm đặc” của Kitô giáo. Trong bài giảng của thánh Phêrô trong ngày Lễ Ngũ Tuần, Hội Thánh tuyên bố: “Toàn thể nhà Israel phải biết chắc điều này: Đức Giêsu mà anh em đã treo trên thập giá, Thiên Chúa đã đặt Người làm Đức Chúa và làm Đấng Kitô” (Cv 2,36).
Rồi sứ thần nói tiếp: “Anh em cứ dấu này mà nhận ra Người: anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ” (Lc 2,12). Sứ thần cung cấp cho các mục đồng một dấu hiệu để nhận biết Đấng Cứu Độ – Đấng Kitô – Đức Chúa. Con Thiên Chúa đã không tự thể hiện mình trong những dấu hiệu của quyền năng, của vinh quang hay của một thân thế được bảo đảm. Thiên Chúa tự diễn tả mình giữa nhân loại bằng một sự can thiệp và hiện diện vô cùng gần gũi với con người, và là những con người đau khổ. Ngay từ giây phút đầu tiên chào đời, Ngài đã liên kết mật thiết với những con người nghèo khổ và bị bỏ rơi hơn cả. Ngài hiện diện giữa nhân loại trong tư thế của một con người hết sức yếu đuối: “một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ”! Đó cũng là dấu hiệu báo trước giáo huấn, cách hành xử và cái chết của Chúa Giêsu sau này. Và vì thế, đó là dấu hiệu có giá trị mời gọi sám hối và hoán cải.
Trẻ sơ sinh, yếu đuối, thụ động, quấn tã, vô danh… lại chính là Đấng Cứu Độ – Đấng Kitô – Đức Chúa. Chỉ có lòng tin mới cho phép người ta chấp nhận điều đó.
“Bỗng có muôn vàn thiên binh hợp với sứ thần cất tiếng ngợi khen Thiên Chúa rằng: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương” (Lc 2,13-14). Cảnh tượng đột ngột được mở rộng với bài ca tụng tuyệt vời của hội nhạc thiên quốc.
Phần đông người Công Giáo chúng ta quen với cách dịch của bản Phổ Thông: “Vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời, bình an dưới thế cho người thiện tâm”. Tuy nhiên, cách dịch đó không tương ứng với ý nghĩa của bản văn Tin Mừng, vốn tập trung chú ý không phải trên thái độ của con người, mà là trên cách hành xử của Thiên Chúa. Đây là những con người được Thiên Chúa thương, những con người mà trên họ, Thiên Chúa đổ tràn tình yêu và ân sủng.
Vậy vấn đề là tình yêu và lòng trung thành của Thiên Chúa, chứ không phải là sự ngay lành của con người, vốn trước hết chỉ là hiệu quả của tình yêu mà Thiên Chúa dành cho con người, cho dù đã đành là sự ngay lành đó rất quý. Vì thế, hơn lúc nào hết, Lễ Giáng Sinh là dịp tuyệt vời để chúng ta hợp tiếng với các thiên thần mà hát lên: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương…”.
Giuse Nguyễn Thể Hiện