Lc 7,18-23: Lòng thương xót và tình yêu thương của Thiên Chúa đang được thi thố cho những con người nghèo hèn nhất.
Trong trình thuật này, điều đáng chú ý trước hết không chỉ nằm trong câu hỏi của Gioan Tẩy Giả về căn tính của Đức Giêsu, mà nằm trong câu trả lời của Ngài cho các môn đệ của Gioan Tẩy Giả. Khác với những đoạn khác trong Lc (ví dụ 4,18; 6,20; 14,13; 14,21; 16,20.22), ở đây “người nghèo” được đặt ở cuối lời công bố của Đức Giêsu.
Khi đặt người nghèo ở cuối lời công bố của Đức Giêsu trong 7,22, Luca muốn nhấn mạnh điều gì? Có lẽ Luca muốn tóm kết lại lời công bố và muốn nhấn mạnh một cách đặc biệt đến người nghèo là đối tượng lòng thương xót của Thiên Chúa.
Gioan Tẩy Giả sai hai môn đệ đến hỏi Đức Giêsu: “Thầy có thật là Đấng phải đến không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác?”. Để trả lời câu hỏi đó của Gioan, trong trình thuật Lc, ban đầu Đức Giêsu nói đến một loạt việc chữa lành và trừ quỷ. Sau đó bằng việc trích dẫn Isaia, Ngài nhấn mạnh một điểm quan trọng là “Tin Mừng dành cho người nghèo”. Những lời nói và những hành động của Đức Giêsu được hiểu như là những dấu chỉ vương quốc của Đấng Thiên Sai. Những lời nói và những hành động đó, một cách gián tiếp, đã trả lời cho câu hỏi của Gioan: “Thầy có thật là “Đấng phải đến” không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác?”.
Người nghèo được đề cập đến trong đoạn văn này là những người nghèo thật sự. Đó là những người, trong chính hoàn cảnh và nhu cầu cụ thể của mình, ý thức rằng mình cần đến quyền năng và sự hiện diện của “Đấng phải đến”.
Bên cạnh đó, đáng chú ý là Lc đồng nhất hoạt động của Đức Giêsu với những hành động cụ thể vì lợi ích của người nghèo, người đau yếu, người bị quỷ ám và người mù. Dựa vào các đoạn văn của Isaia như Is 26,19; 29,18-19; 35,5-6; 42,18; 43,8; 61,1, Đức Giêsu mời các đồ đệ của Gioan nhìn xem sáu biến cố lạ lùng và làm nhân chứng cho những biến cố ấy (c.22). Ngài cho thấy mình là “Đấng phải đến”, bởi vì Ngài thực hiện chương trình đặc biệt thời Mêsia. Nói cách khác, Ngài đem đến cho những người bị bỏ rơi “ngày hội ơn cứu độ” của Thiên Chúa dành cho họ.
Tuy nhiên, Ngài không thể và không muốn đáp là “đúng” cho câu hỏi được đặt ra. Chính vì thế, Ngài bỏ hẳn khía cạnh “Thẩm Phán” mà Gioan rất quan tâm (x.Lc 3,9.17) và đã được minh nhiên nhắc đến trong các bản văn ngôn sứ. Ví dụ khi trích dẫn Is 61,1-2, Đức Giêsu đã bỏ “ngày báo phục của Thiên Chúa chúng ta”. Một ví dụ khác, khi trích dẫn Is 29,18-20 loan báo việc chữa lành những người điếc và mù lòa, Đức Giêsu cũng lược bỏ “tiêu diệt những kẻ làm điều ác”.
Vì thế, trái ngược với vị Tẩy Giả loan báo cơn thịnh nộ khi làm phép thanh tẩy (Lc 3,17), Đức Giêsu loan báo sự hiện diện của ơn cứu độ chung cuộc. Đó là điều Đức Giêsu quan tâm hơn cả, chứ không phải là viễn ảnh của ngày Thẩm Phán. Người ta nhận ra Đức Giêsu (Đấng phải đến) không chỉ ở việc Ngài chữa bệnh, mà còn ở việc Ngài tha thứ cho kẻ tội lỗi.
Như vậy, với những bằng chứng mà Đức Giêsu nêu ra, Ngài đã mời gọi Gioan nhìn vào thực tại: những người đau yếu, nghèo khó, khiêm nhường đang được cảm nghiệm quyền năng của Chúa và đang được nghe công bố Tin Mừng. Có lẽ Gioan không chờ đợi một câu trả lời như vậy. Hẳn là ông đã trông đợi nơi Đức Giêsu câu trả lời: “Cơn thịnh nộ của Thiên Chúa đang đổ xuống”. Nhưng Đức Giêsu lại khẳng định: “Lòng thương xót, tình yêu của Thiên Chúa đang thi thố ở đây cho những con người nghèo hèn nhất”.
Martino Vũ Tùng, C.Ss.R.