Ngày hôm qua, trận hỏa hoạn đau lòng tại Nhà thờ Đức Bà ở Paris dường như khiến cả thế giới bàng hoàng. Bước vào những ngày đầu của Tuần Thánh, trong khi các Kitô hữu trên toàn thế giới đang cùng nhau sống hiệp thông trong mầu nhiệm của cuộc thương khó, cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu, thì hình tượng ngày hôm qua đã quá sức chịu đựng. Và tôi phải thú nhận rằng tôi đã khóc khi nhìn thấy ngôi Nhà thờ cổ kính kia bị thiêu rụi trong lửa.
Đám khói bốc lên, ngọn lửa vụt ra từ mái nhà gỗ và trong thời khắc kinh hoàng đó, ngọn tháp lộng lẫy của Nhà thờ đá thời Trung Cổ sụp đổ như bụi than, thật khó cho nhiều người trong chúng ta không nghĩ đến sự đau khổ và cái chết của Chúa Giêsu. Trong lúc Người bị đóng đinh, cũng như ngày hôm qua, đám đông dân chúng đã phải đối diện với nỗi kinh hoàng đó cảm thấy vô vọng, bất lực và tự hỏi họ có thể làm gì để vượt qua sự việc đau khổ này.
Trong số những người đó có Mẹ Chúa Giêsu, Mẹ của chúng ta: Đức Bà Maria. Không ai khác chính Mẹ là người thấu rõ nỗi đau khi đứng bên cạnh và trông thấy người mình yêu thương chịu đau khổ cho đến chết. Và Đức Mẹ cũng biết rằng, bằng cách nào đó, Thiên Chúa đã ở cạnh Mẹ trong suốt thời gian đau thương đó. Còn chúng ta, chúng ta sẽ hỏi rằng: “Ngày hôm qua, tại Paris Thiên Chúa đã ở đâu ?”
Và câu trả lời là: Chúa ở khắp mọi nơi. Người đã hiện diện cùng đám đông đang quỳ gối, cầu nguyện và hát vang bài “Ave Maria” và Thánh ca Truyền thống Lộ Đức. Ngay trước Đền thờ Đức Bà, mỗi lời nguyện cầu và mỗi câu hát là từng lời kêu cầu Danh Thánh Mẹ. Điều này thể hiện một niềm tin mãnh liệt từ họ, và vì vậy Thiên Chúa đã ở đó.
Thiên Chúa đã ở đó trong những người lính cứu hỏa – những người đã hy sinh cả mạng sống mình để cứu lấy ngôi Nhà thờ cổ – một hình ảnh linh thiêng của nước Pháp. Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta nhiều đến dường nào? Ngay tại đó, nhiều nhất có thể, qua những người lính cứu hỏa quả cảm lao thẳng vào tòa nhà đắm chìm trong lửa để cứu lấy nó.
Và Thiên Chúa đã ở cùng Cha Tuyên Uý lính cứu hỏa, người đã liều cả mạng sống mình để cứu lấy một trong những Thánh tích quý giá nhất trong Nhà thờ, Thánh tích được tin là chính Vương miện mão gai. Đây là một dấu ấn sống động về câu chuyện của ngôi Nhà thờ phát hỏa, câu chuyện về Mẹ Maria, là sự gắn bó mật thiết với sự yêu mến và cái chết của Chúa Giêsu.
Đêm qua, sau khi đám lửa đã được dập tắt, chúng tôi được chiêm ngắm một hình ảnh đầy ấn tượng: Thánh giá nơi bàn thờ phát sáng rực rỡ, một biểu tượng mạnh mẽ của niềm hy vọng Kitô Giáo.
Tín thác vào Thiên Chúa, đó là điều duy nhất Ngài muốn nhắn gửi nơi mỗi người chúng ta. Và không ai khác biết rõ điều này ngoài Đức Mẹ. Mẹ thấu rõ rằng đau khổ không phải là kết thúc.
Bởi câu chuyện của Tuần Thánh không chỉ đơn giản kể về sự chết chóc và hủy diệt. Quan trọng hơn hết đó là sự tín thác và tái sinh cuộc sống mới. Thứ Sáu Tuần Thánh sẽ vô nghĩa nếu không có Chúa Nhật phục sinh. Đức Mẹ biết rằng hy vọng sẽ chiến thắng tuyệt vọng, tình yêu sẽ mạnh hơn hận thù và sự sống thì tốt đẹp hơn sự chết. Và với Thiên Chúa, không gì là không thể. Người Ki-tô hữu là những người sống tín thác tuyệt đối vào Thiên Chúa mặc cho nỗi buồn là gì đi chăng nữa.
Khi trông thấy những hình ảnh này và cả khi Nhà thờ Đức Bà được trùng tu trong thời gian tới, chúng ta hãy cầu nguyện cùng Đức Mẹ, người thấu hiểu ý nghĩa của việc làm chứng cho sự đau khổ và niềm hy vọng vào lời hứa cứu độ từ Thiên Chúa.
Chuyển ngữ: Giới Trẻ Thừa Sai Chúa Cứu Thế Miền Nam.