“Những ai được xét là đáng hưởng phúc đời sau và sự sống lại từ cõi chết thì sẽ được là con cái Thiên Chúa”
Chúa Nhật XXXII Thường Niên C: Lc 20,37-38
Tháng 11 là tháng cầu nguyện cho các linh hồn. Nhưng không chỉ như thế, tháng này còn nhắc nhở chúng ta về tính cách phù vân của cuộc sống thế gian, và nhất là về tính cách quan trọng đặc biệt của sự sống vĩnh cửu. Vì thế, thật ý nghĩa khi trong ngày Chủ Nhật đầu tháng 11 này, chúng ta được đọc bài tin mừng Lc 20, 37-38.
Cuộc đời phù vân. “Trăm năm còn có gì đâu, chẳng qua một nấm cổ khâu xanh rì” (Nguyễn Gia Thiều). Xét theo một phương diện, suy nghĩ đó đúng. Nhưng xét theo phương diện khác thì không hẳn. Vì có sự sống lại, và trong sự sống lại đó, chúng ta là con cái được tham dự vào sự sống của chính Thiên Chúa là Cha chúng ta. Bài tin mừng hôm nay dạy chúng ta điều đó.
Bài tin mừng được mở đầu bằng một sự kiện đáng chú ý: “Có mấy người thuộc nhóm Xađốc đến gặp Đức Giêsu. Nhóm này bảo rằng không có sự sống lại” (c.27). Đây là lần đầu tiên và cũng là lần duy nhất tin mừng Luca nói đến những người thuộc nhóm Xađốc. Nhóm này bao gồm những gia đình tư tế giàu có và các giáo dân quý tộc. Hoạt động của họ tập trung chính yếu ở đền thờ và trong lãnh vực chính trị. Họ không gần gũi với dân chúng như những người Pharisêu. Về phương diện tư tưởng và thần học, họ là những người bảo thủ. Sau năm 70 họ không còn vai trò gì quan trọng trong lịch sử nữa.
Những người Xađốc tin rằng Thiên Chúa đã tạo nên vũ trụ và loài người. Họ cũng tin rằng Thiên Chúa đã ban cho Israel Lề Luật, nhờ cụ Môsê, để dân Chúa tổ chức đời sống mình theo ý của Thiên Chúa. Nhưng vì Luật Môsê không nói gì đến sự sống lại, nên họ không công nhận điều đó. Vậy lập trường của họ không hẳn là một sự phủ định mạnh mẽ. Tuy nhiên, chính khi chủ trương như vậy, thì trong thực tế, họ đã chấp nhận một tiền giả định sai lầm về Thiên Chúa và về mối tương quan của người ta đối với Thiên Chúa. Theo đó, Thiên Chúa không thể và không muốn làm bất cứ điều gì cho con người bên ngoài thế giới hiện tại và cuộc sống trong thế giới này. Người Israel, theo quan điểm của nhóm Xađốc, sống dưới sự hướng dẫn của Luật và trong tương quan với Thiên Chúa, nhưng một khi cái chết đã xảy đến, thì sự sống chấm dứt và mối tương quan với Thiên Chúa cũng chấm dứt.
Những người Xađốc tìm gặp Đức Giêsu, và theo ngữ cảnh, có lẽ là để tranh luận với Ngài. “Họ hỏi Ngài: “Thưa Thầy, ông Môsê có viết cho chúng ta rằng: Nếu anh hay em của người nào chết đi, đã có vợ mà không có con, thì người ấy phải lấy nàng, để sinh con nối dòng cho anh hay em mình. Vậy có bảy anh em trai. Người thứ nhất lấy vợ, nhưng chưa có con thì đã chết. Người thứ hai, rồi người thứ ba đã lấy bà ấy. Cứ như vậy, bảy anh em đều chết đi mà không để lại đứa con nào. Cuối cùng, người đàn bà cũng chết. Vậy trong ngày sống lại, bà ấy sẽ là vợ của ai trong số họ, vì bảy người đó đã lấy bà làm vợ?” (cc.28-33). Câu hỏi kết luận phần lập luận của mấy người thuộc nhóm Xađốc có vẻ rất lôgích, nhưng thật ra, chỉ lôgích khi chấp nhận giả thiết cho rằng sự sống lại thực chất chỉ là bản sao hoàn hảo hơn của sự sống thế tạm này mà thôi.
Chúa Giêsu không trực tiếp trả lời cho câu hỏi của mấy người thuộc nhóm Xađốc, nhưng Ngài phản bác chính những tiền giả định sai lầm của họ. Nhưng thay vì như trong Mc 12,24tt (câu trả lời của Chúa Giêsu được trình bày như một sự sửa sai trong cách giải thích Sách Thánh của nhóm Xađốc) tác giả Lc cố ý trình bày một lời giáo huấn của Chúa Giêsu phủ nhận cách nhìn mang tính duy vật của nhóm này về sự sống lại: “Đức Giêsu đáp: “Con cái đời này cưới vợ lấy chồng, còn những ai được xét là đáng hưởng phúc đời sau và sự sống lại từ cõi chết, thì không cưới vợ cũng chẳng lấy chồng” (cc.34-35). Trong thế giới hiện tại, việc cưới vợ lấy chồng là cần thiết để nhân loại tiếp tục sống còn, vì con người ta phải chết. Nhưng trong thế giới mai hậu, con người sẽ không phải chết nữa, nên chuyện dựng vợ gả chồng không còn cần thiết. Như thế, Chúa Giêsu khẳng định rằng sự sống trong thế giới tương lai hoàn toàn khác hẳn sự sống trong thế giới hiện tại.
Sau đó, Chúa Giêsu nói đến một số đặc điểm quan trọng của cuộc sống trong thế giới tương lai dành cho những ai được xét là đáng hưởng phúc đời sau và sự sống lại từ cõi chết. Ngài nói: “Quả thật, họ không thể chết nữa, vì được giống như các thiên sứ. Họ là con cái Thiên Chúa, vì là con cái sự sống lại” (c.36). Họ không còn phải chết, trái lại, trong tư cách là con cái Thiên Chúa, họ được tham dự sự sống của chính Thiên Chúa.
“Giống như các thiên sứ” nghĩa là gì? Trong Lc 1,19 thiên sứ Gabriel tự giới thiệu rằng ngài “hằng đứng chầu trước mặt Thiên Chúa”. Trong Mt 18,10 Đức Giêsu khẳng định rằng các thiên thần ở trên trời hằng chiêm ngưỡng Nhan Thiên Chúa. Những con người phàm trần chúng ta thì khác. Khi chúng ta còn ở trong cuộc sống thế tạm này, chúng ta không thể trực tiếp chiêm ngưỡng Nhan Thiên Chúa. Tác giả Thánh Vịnh nói rất đúng tâm sự và hoàn cảnh của chúng ta trong cuộc sống trần gian này: “Như nai rừng mong mỏi tìm về suối nước trong, hồn con cũng trông mong được gần Ngài, lạy Chúa. Linh hồn con khao khát Chúa Trời, là Chúa Trời hằng sống. Bao giờ con được đến vào bệ kiến Tôn Nhan? Châu lệ là cơm bánh đêm ngày, khi thiên hạ thường ngày cứ hỏi: “Này Thiên Chúa ngươi đâu?” (Tv 42,2-4). Nhưng tình cảnh này sẽ chấm dứt trong thế giới tương lai, vì ở đó, chúng ta sẽ “giống như các thiên sứ”, tức là sẽ được chầu trước Nhan Thiên Chúa, sẽ được chiêm ngưỡng Thánh Nhan Ngài, sẽ được hưởng sự hiện diện thánh thiện, phúc lạc và viên mãn của Ngài.
Nhưng không chỉ như thế. Theo lời Đức Giêsu, những ai được xét là đáng hưởng phúc đời sau và sự sống lại từ cõi chết thì sẽ được là con cái Thiên Chúa. Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, và Ngài nói về mối tương quan của Ngài với Thiên Chúa như sau: “Cha tôi đã giao phó mọi sự cho tôi. Và không ai biết người Con là ai, trừ Chúa Cha, cũng như không ai biết Chúa Cha là ai, trừ người Con, và kẻ mà người Con muốn mặc khải cho” (10,22). Trong thế giới mai hậu, chúng ta là con cái Thiên Chúa tức là chúng ta được tham dự vào mối tương quan tình yêu và hiệp thông vô cùng sâu xa đó giữa Chúa Giêsu và Chúa Cha, chúng ta thuộc về gia đình của Thiên Chúa, đón nhận sự sống thần linh của tình yêu giữa Cha – Con – Thánh Thần. Đó là sự sống hoàn toàn khác hẳn sự sống thế tạm hiện tại.
Những người thuộc nhóm Xađốc hiểu sai về sự sống lại nên không chấp nhận có sự sống lại. Nhưng họ chấp nhận thẩm quyền của cụ Môsê, nên Đức Giêsu dùng chính thẩm quyền đó để đối thoại với họ. Ngài nói tiếp: “Còn về vấn đề kẻ chết trỗi dậy, thì chính ông Môsê cũng đã cho thấy trong đoạn văn nói về bụi gai, khi ông gọi Đức Chúa là Thiên Chúa của Ápraham, Thiên Chúa của Ixaác, và Thiên Chúa của Giacóp” (c.37). Thiên Chúa của Apraham, của Isaác và của Giacóp là vị Thiên Chúa đã ký kết giao ước với các tổ phụ. Người đã tự nguyện bảo vệ và giải thoát họ một cách nhưng không, nên Người sẽ chẳng thể bỏ mặc họ cho sự chết.
“Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là của kẻ sống, vì tất cả đều sống cho Người” (c.38). Có hai cách hiểu mệnh đề cuối cùng của câu này. Bản văn Hy Lạp dùng tặng cách, có thể hiểu là tặng cách chỉ phương tiện (= nhờ) hoặc tặng cách chỉ ý hướng (= cho, vì). Theo cách hiểu thứ nhất, có người dịch: “vì tất cả đều đang sống nhờ Người”. Trong trường hợp này, tác giả Lc muốn nói rằng Thiên Chúa ban sự sống cho các tổ phụ như Người sẽ ban sự sống cho tất cả những ai được xét là đáng hưởng phúc đời sau và sự sống lại từ cõi chết. Theo cách hiểu thứ hai, có lẽ hợp lý hơn, nhiều người (trong đó có Cha Nguyễn Thế Thuấn) dịch: “vì tất cả đều sống cho Người”. Nói theo kiểu của Thánh Phaolô trong Rm 6,8-11, chính Đức Kitô sống cho Thiên Chúa và chúng ta cũng được mời gọi sống cho Thiên Chúa trong Đức Kitô Giêsu. Hoặc hiểu theo đường hướng khác: tất cả những ai, trong cuộc sống thế tạm này, đã sống cho Thiên Chúa (như các tổ phụ đã sống) thì đều sẽ được Thiên Chúa ban cho sự sống lại, vì Người sẽ không để cho những kẻ đã sống vì Người phải đi vào sự chết.
Gợi ý suy niệm và chia sẻ
(1). Bài tin mừng hôm nay trình bày cho chúng ta một mạc khải về Thiên Chúa mà chúng ta tin yêu và phụng thờ.
Thiên Chúa sáng tạo nên thế giới này và mọi sự trong đó. Thế giới hiện tại và mọi thực tại sống trong thế giới này đều tùy thuộc Thiên Chúa. Nhưng chương trình và quyền năng của Thiên Chúa không chỉ gói gọn trong đó. Nói cách khác, Thiên Chúa không chỉ thực hiện tình yêu thương của Người cho nhân loại nơi thế giới mau qua này mà thôi. Người còn muốn cho nhân loại hưởng phúc đời sau và sự sống lại từ cõi chết. Vậy Thiên Chúa là Đấng không chỉ ban cho chúng ta sự sống thế tạm mau qua này. Người càng không phải là Đấng bỏ mặc chúng ta cho sự chết. Ở bên kia sự sống thế tạm, Người đưa chúng ta vào sự hiệp thông vĩnh cửu với sự sống thần linh của chính Người. “Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là của kẻ sống”.
(2) Bài tin mừng hôm nay còn trình bày cho chúng ta mạc khải về cuộc sống và thân phận của con người chúng ta.
Chúng ta không được dành cho sự chết. Chúng ta không phải là những hữu thể được sinh ra để chết. Cuộc sống của chúng ta không phải là cuộc hành trình tiến dần về nấm mồ đen tối và lạnh lẽo của cõi chết. Cuộc sống của chúng ta không kết thúc trong sự hư vô. Nhưng cuộc sống hiện tại là con đường dẫn đến ánh sáng của Thiên Chúa, và ở cuối con đường này sẽ là sự tham dự vào sự sống vĩnh hằng, viên mãn và tràn đầy phúc lạc của chính Thiên Chúa. Và như thế, mối tương quan của chúng ta với cuộc sống và thế giới này trở nên khác hẳn. Cuộc sống thế tạm này sẽ không phải là thực tại duy nhất mà chúng ta có, nhưng chỉ là sự khởi đầu và là cuộc hành trình đi về sự viên mãn vĩnh cửu.
Chúng ta sẽ chỉ có thể có được một lập trường đúng đắn và một cách sống quân bình an lạc đối với những thực tại thế tạm này, nếu chúng ta ý thức điều đó.
“Hết thảy đều đang sống cho Thiên Chúa”.
(3). Ngày nay cũng có nhiều người không tin vào sự sống đời sau. Lập luận của họ không giống với lập luận của những người thuộc nhóm Xađốc trong bài tin mừng, nhưng sâu xa ra, vẫn đặt trên cũng một loại giả định sai lầm. Những người thuộc nhóm Xađốc ngày xưa đã có một quan niệm duy vật về sự sống đời sau, theo đó, sự sống ở thế giới bên kia thực chất chỉ là bản sao của sự sống hiện nay. Chính quan niệm như vậy cũng đã dẫn nhiều người thời nay đến chỗ không tin có sự sống đời đời.
Rất nhiều khi chính chúng ta, do vô tình hoặc do thiếu sót, lại là những kẻ làm cho người khác không tin vào sự sống đời sau, khi chúng ta hiểu sai và gây ra sự hiểu sai về sự sống đời đời. Nhiều bạn trẻ không tin vào sự sống đời sau chỉ vì chúng ta trình bày sai về sự sống đó. Nhiều bạn trẻ không cảm thấy hạnh phúc trong đời sống Đạo vì họ hiểu không đúng về sự sống lại đang được dành cho họ trong thế giới mai hậu.
Lm. Giuse Nguyễn Thể Hiện, C.Ss.R.