Giao Ước là một khái niệm căn bản và là chủ đề chính yếu trong mạc khải Do Thái giáo cũng như Kitô giáo qua chính việc Thiên Chúa bước vào lịch sử, đi vào trong tương quan hiệp thông với con người như một người Cha đầy lòng xót thương và trung tín.
Kinh Thánh Cựu Ước phác hoạ dung mạo của một Thiên Chúa can thiệp vào trong lịch sử loài người như một Đấng tìm đến với con người, yêu thương và vẫn mãi sắc son với tình yêu “thủa ban đầu” dành cho con người. Người là Đấng “vô thuỷ vô chung” trong chính chọn lựa tự do yêu thương của Người. Người là vị Thiên Chúa của lời hứa và giao ước, vị Thiên Chúa dường như không thể sống thiếu con người, vị “Thiên Chúa của con người và cho người” (Joseph Ratzinger).
Thiên Chúa đã khởi đầu mạc khải tình yêu của Người qua việc tuyển chọn một dân tộc làm nền móng để chương trình cứu độ được thực hiện. Giữa bao dân tộc hùng mạnh, Thiên Chúa đã tuyển chọn cách nhưng không một dân du mục bé nhỏ, phức tạp và gồm nhiều thành phần khác nhau, để làm một Dân thuộc quyền sở hữu của Thiên Chúa: “Đức Chúa đã đem lòng quyến luyến và chọn anh em, không phải vì anh em đông hơn mọi dân… Nhưng chính là vì yêu thương anh em, và để giữ lời thề hứa với cha ông anh em” (Đnl 7, 7 – 8). Chính trong tình yêu tuyển chọn ấy, qua việc Ngài trung thành giữ lời hứa với Abraham (x. St 22, 17 – 18), Thiên Chúa đã ký kết với Dân một giao ước được thiết lập trên núi Sinai, để từ nay, đối với Thiên Chúa, dân Israel là Dân Riêng, là sở hữu riêng của Thiên Chúa, là dân thuộc về Người trong mọi sự: “Giao ước mà ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh (em), lập với anh (em) hôm nay, … đặt anh (em) lên làm dân của Người, còn chính Người sẽ là Thiên Chúa của anh (em)” (Đnl 29, 11-12); và đối với Dân, Thiên Chúa sẽ là Thiên Chúa độc nhất của họ và sẽ chỉ tôn thờ một mình Người mà thôi (x. Xh 20, 3tt; Đnl 5, 7tt). Còn Thiên Chúa, trải qua muôn thế hệ, Người vẫn mãi là vị Thiên Chúa trung tín trong lời nói và hành động của Người (x. Tb 14, 4; Ds 23, 19; Is 55, 11).
Tuy nhiên, đối với Thiên Chúa là thế, còn với dân được tuyển chọn thì sao? Nhìn vào chiều dài của lịch sử dân Israel, họ đã không một mực trung thành với Thiên Chúa. Họ đã bội ước, thờ ngẫu tượng và sống như dân ngoại, để rồi lãnh lấy hậu quả khi phải trải qua những kinh nghiệm đau thương của việc ly khai, thành trì bị tiêu huỷ, dân bị lưu đày. Thế nhưng, một lần nữa, vì tình yêu, Thiên Chúa lại tỏ lòng xót thương với dân Người đã chọn, vẫn trung thành với giao ước và lời hứa cứu độ của Người. Hơn thế nữa, Thiên Chúa muốn lập một giao ước mới và vĩnh cửu, một giao ước mà con người không thể bẻ gãy, một giao ước mãi mãi cột chặt Thiên Chúa với con người, một giao ước mà trong sách Hôsê, Thiên Chúa gọi là cuộc “hôn nhân vĩnh cửu” (x. Hs 2, 18 – 21), còn trong sách Giêrêmia thì Người công bố: “Ta sẽ ghi vào lòng dạ chúng, sẽ khắc vào tâm khảm chúng Lề Luật của Ta. Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng, còn chúng sẽ là dân của Ta” (Gr 31,33).
Trong kinh nghiệm đức tin của dân Israel, Thiên Chúa mà họ tuyên xưng trước tiên là Thiên Chúa của giao ước và cứu độ. Rất khác với đức tin của dân ngoại về các thần hay thiên chúa, dân Israel đụng chạm một vị Thiên Chúa rất thiết thân và cụ thể trong tương quan riêng tư của sự thuộc về nhau. Thiên Chúa là Đức Chúa của riêng họ, còn họ là dân riêng của Người, một Thiên Chúa luôn trung thành, xót thương và cứu họ. Chính trong kinh nghiệm đức tin này, dân Israel dù đang sống trong tình cảnh khó khăn, bị đô hộ bởi các nước khác, hay bị lưu đày, họ vẫn toát lên một niềm tin tưởng và hy vọng, rằng Đức Chúa sẽ đoái thương giải thoát họ. Như xưa Chúa đã ra tay đi bước trước, chọn và ký kết giao ước với họ, cũng như đã ra tay uy quyền giải thoát họ như thế nào trong biến cố “xuất Ai Cập” (x. Đn 9, 5 – 9), thì nay Người sẽ trung thành với giao ước và lời hứa, lại một lần nữa sẽ đến cứu họ.
Như vậy, trong việc giáo dục đức tin cho dân Người, Thiên Chúa, qua các ngôn sứ, muốn dân vừa ý thức họ là dân riêng của Chúa, đồng thời họ lại là “phúc lành” mà qua họ, Thiên Chúa mạc khải chính Người là Thiên Chúa của giao ước và cứu độ cho muôn dân. Nói cách khác, với giao ước mà Thiên Chúa đã “xé lòng” mình để ký kết, tình thương và ơn cứu độ của Người giờ đây không chỉ dừng lại ở dân thuộc “số sót”, nhưng còn mở ra với toàn thể nhân loại, nghĩa là tất cả những người tin vào tình yêu và ơn giải thoát của Thiên Chúa (x. Is 49, 6). “Người bốn bể rồi ra sẽ nhìn thấy, ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta” (Is 52, 10).
Giuse Đắc Thịnh, C.Ss.R