Thiên Chúa của Cựu Ước là Cha của Đức Giêsu Kitô

Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ;  nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử. Thiên Chúa đã nhờ Người mà dựng nên vũ trụ, đã đặt Người làm Đấng thừa hưởng muôn vật muôn loài (Hr 1,1 – 2).

Khởi đầu của Thư Hípri là lời khẳng định mang tính cách chung cuộc về mạc khải của Thiên Chúa: sau các tổ phụ và các ngôn sứ là một mạc khải sau cùng và đầy đủ nhất được thực hiện nơi Người Con là Đức Giêsu Kitô.

chuabangoiĐó là một “mạc khải mầu nhiệm vốn được giữ kín tự ngàn xưa” (Rm 16, 25) giờ được biểu lộ ra nơi cuộc “sinh hạ” Con vào thế giới để con người có thể nhận biết rằng Thiên Chúa của Cựu Ước là Cha của Đức Giêsu Kitô và Đức Giêsu Kitô là Mạc Khải trọn vẹn về Chúa Cha (x. Ga 14,9).

Có thể nói, đây là một mạc khải vô cùng lớn lao làm đảo lộn cách suy nghĩ cũng như tâm thức của người Do Thái, khi một vị Thiên Chúa mà họ đã kinh nghiệm trong chính đời sống mình là Đức Chúa Duy Nhất, Đấng đã dùng quyền năng để giải thoát dân khỏi Ai Cập và xuất hiện cách uy nghi trên núi Sinai, lại có một Người Con (x. Ga 14,11), hay nói cách khác, là Cha của một con người như mọi con người, thậm chí một kẻ tử tội phải chịu án phạt nặng nề nhất là cái chết trên thập giá.

Tuy nhiên, sau khi Đức Giêsu Phục Sinh, và với lời rao giảng của các tông đồ: “Điều Thiên Chúa hứa với cha ông chúng ta, thì Người đã thực hiện cho chúng ta là con cháu các ngài, khi làm cho Đức Giêsu sống lại, đúng như lời đã chép trong Thánh Vịnh 2: Con là Con của Cha, ngày hôm nay Cha đã sinh ra Con” (Cv13, 32 – 33) đã xác định và làm sáng tỏ niềm tin của dân Israel mới, Hội Thánh: Đấng xưa “đã đưa ngươi [dân Israel] ra khỏi đất Ai-cập, khỏi cảnh nô lệ” (Xh 20, 2) trong Cựu Ước cũng chính là “Đấng đã làm cho Đức Giêsu, Chúa chúng ta, sống lại từ cõi chết” (Rm 4, 20) trong Tân Ước. Đấng ấy là Thiên Chúa của Giao Ước, của Ơn Giải Thoát và cũng là Cha của Đức Giêsu Kitô.

Mặc khác, trong Tân Ước, danh xưng “Thiên Chúa” được hiểu như là “Cha của Đức Giêsu Kitô,” và khi Đức Giêsu Kitô được gọi là Con Thiên Chúa thì cũng đồng nghĩa với việc tuyên xưng Ngài là Con của Chúa Cha. Lời Thánh Phaolô: “Chỉ có một Thiên Chúa là Cha, Đấng tạo thành vạn vật và là cùng đích của chúng ta; và cũng chỉ có một Chúa là Đức Giêsu Kitô, nhờ Người mà vạn vật được tạo thành” (1Cr 8, 6) là một lời xác tín rằng vị Thiên Chúa của Tạo Thành là Cha của Đức Giêsu như chính Ngài đã gọi: Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha” (Mt 11, 25). Đó là Đấng mà Đức Giêsu vẫn hằng “thức suốt đêm để cầu nguyện” (Lc 6,12) và gọi Thiên Chúa bằng tên gọi thân thương, trìu mến: “Abba, Cha ơi!” Vị Thiên Chúa ấy cũng là người Cha mà Đức Giêsu đã hướng về trong nỗi đau tột cùng trên thập giá: “Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha” (Lc 23,46).

Hơn nữa, trong đời sống sứ vụ, Đức Giêsu cũng không ngừng mạc khải về Cha như là Đấng mà Ngài hằng ở “trong cung lòng” và hiểu rõ những điều bí nhiệm nơi Cha, và chỉ mình Ngài mới có thể mạc khải những bí nhiệm đó cho con người: “Cha tôi đã giao phó mọi sự cho tôi. Và không ai biết rõ người Con, trừ Chúa Cha; cũng như không ai biết rõ Chúa Cha, trừ người Con và kẻ mà người Con muốn mạc khải cho (Mt 11, 27). Duy chỉ mình Đức Giêsu mới có thể mạc khải về Cha cho con người như lời Thánh Gioan đã diễn tả: “Thiên Chúa, chưa bao giờ có ai thấy cả; nhưng Con Một vốn là Thiên Chúa và là Đấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha, chính Người đã tỏ cho chúng ta biết” (Ga 1, 18). Con là Đấng đã được Cha sai đến và nên một với Cha trong chương trình cứu độ con người.

Như thế, Thiên Chúa của Cựu Ước là Cha của Đức Giêsu cách trọn vẹn trong việc mạc khải và sự thực hiện ý định cứu độ của Cha. Ngài chính là Đấng Cứu Độ, Đấng mà Cha sẽ sai đến vì con người. Tắt một lời, Con chính là Mạc Khải, là Quyết Ý Cứu Độ và cũng Hành Động Cứu Độ của Cha, để nhờ đó, trong niềm tin, con người có thể tuyên xưng: “Thiên Chúa là thân phụ [Cha] Đức Giêsu, Chúa chúng ta” (2Cr 1, 3) và trong Đức Giêsu, Thiên Chúa cũng là Cha của chúng ta.

Giuse Đắc Thịnh, C.Ss.R.

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết