Tình trạng xuống cấp đã kéo dài lâu năm, đến khi có dự án cải tạo lại không đồng bộ, thi công không đến nơi đến chốn khiến con đường càng trở nên “sống dở, chết dở”.
Dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đường ĐT 714 – dài 42 km nối liền QL 28 và QL 55, từ xã Hàm Trí đến xã La Dạ, thuộc địa bàn huyện Hàm Thuận Bắc – đã được UBND tỉnh Bình Thuận ra Quyết định số 990/QĐ-UBND, ngày 7/5/2010, phê duyệt dự án đầu tư. Tổng kinh phí cho dự án gần 207 tỷ đồng, được chia thành 3 gói thầu, với chiều dài gần 21,5 km.
Tai nạn thường xuyên do đường đèo quá xấu
Từ lúc khởi công dự án đến nay đã gần 6 năm, thế nhưng chỉ mới có gói thầu số 7 và số 4a được hoàn thành, những đoạn còn lại đang xuống cấp trầm trọng. Đặc biệt, đoạn qua đèo Đông Giang, gồm 7 nhịp đèo, dài 3,5 km, bị hư hỏng rất nặng. Những ổ voi, ổ gà xuất hiện dày đặc ngay khắp mặt đường khiến các phương tiện giao thông di chuyển rất khó khăn.
Hằng ngày, lượng xe cộ lưu thông qua đoạn đường này rất lớn. Hầu hết là xe tải trọng lớn chở đất đá, gỗ, vật liệu, nông sản… càng khiến con đường hỏng nặng hơn. Một số đoạn bề mặt đường bị bong tróc nghiêm trọng. Thậm chí có đoạn chỉ còn lại đất đá và các mảng nhựa đường lổm chổm.
Ở đây, đã xảy ra nhiều vụ tai nạn té xe do đường quá xấu. “Hàng ngày tôi đi rẫy, thấy nhiều người đi đường bị té ngã. Đi phải cẩn thận, đường hư rất nguy hiểm”, anh Tuprông Nim (dân tộc K’Ho) cho biết.
Trước thực trạng tai nạn giao thông rình rập, nhưng cơ quan chức năng vẫn chưa giải quyết dứt điểm, khiến cuộc sống người dân gặp muôn vàn khó khăn.
Cần nói thêm rằng, đây là đoạn đường đèo rất ngoằn nghèo, độ dốc cao, tầm nhìn hạn hẹp. Xe cộ chỉ lưu thông với tốc độ rất chậm. Những người chưa từng đi qua đoạn đường này, đặc biệt về đêm, khi đổ đèo không kiểm soát được tốc độ rất dễ rơi vào ổ gà hoặc va vào các mảng đất đá, mép đường bong tróc, hết sức nguy hiểm.
Dân “sống dở, chết dở” theo con đường
Từ một tuyến đường trọng điểm nối xã La Dạ xuống thị trấn Ma Lâm, nhưng chính vì thi công kéo dài, hiện đường ĐT 714 đang nằm “chờ chết”. Khách du lịch đều tỏ ra e ngại khi đi qua tuyến đường này.
Theo chị Nguyễn Thị Lan, một người đi đường, ai cũng phải “toát mồ hôi hột” mới vượt được đoạn đường này. “Mặc dù phong cảnh ở đây rất đẹp nhưng tôi không còn thời gian để nhìn ngắm khung cảnh xung quanh vì phải tập trung cao độ vào tay lái”, chị nói.
Nhiều năm chờ đợi mòn mỏi, cư dân nơi đây chỉ mong muốn con đường sớm hoàn thành để cuộc sống của họ bớt khổ hơn. “Qua đây phải chạy thật chậm, mất thời gian, ảnh hưởng rất lớn đến công việc. Bản thân tôi cũng như nhiều người dân khác rất khổ sở vì đường xuống cấp. Dù con đường được đầu tư lớn nhưng việc thi công kiểu đánh rắn giữa khúc, cũng như thiếu sự vào cuộc mạnh mẽ từ chính quyền nên chúng tôi muốn chết dở với con đường đã 6 năm nay vẫn chưa làm xong”, một người dân địa phương bức xúc.
Đó là chưa kể yếu tố thời tiết. Mùa nắng thì dân hít bụi mịt mù. Mùa mưa, đường lầy lội, trơn trượt. Dân thì đã hứng chịu bao nhiêu mùa mưa nắng như thế.
Như đã nói, tuyến đường ĐT 714 là một trong những trục đường ngang quan trọng của tỉnh Bình Thuận, đáp ứng nhu cầu giao thương với các tỉnh Nam Tây Nguyên. Đồng thời là tuyến đường giao thông huyết mạch nối các xã miền núi như Đông Tiến, Đông Giang, La Dạ, Đa Mi đến trung tâm các huyện, cũng như kết nối với trung tâm thành phố Phan Thiết.
Đáng lưu ý, xã La Dạ – nơi tập trung chủ yếu đồng bào K’Ho sinh sống – hiện là xã khó khăn nhất của tỉnh với tỉ lệ người nghèo xấp xỉ 30%. Thế nên, sớm hoàn thành xong việc cải tạo tuyến đường này có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong vấn đề phát triển kinh tế – văn hóa – xã hội, xóa đói giảm nghèo cũng như khai thác tiềm năng du lịch vốn có của vùng.
Minh Đức