Cách chúng ta trải nghiệm những bệnh tật và những khiếm khuyết chính là chỉ số tình yêu cho thấy chúng ta có đang sẵn sàng để trao ban hay không.
Trong thánh lễ Năm Thánh dành cho những người khuyết tật và những bệnh nhân, Đức Thánh Cha Phanxicô đã lên tiếng chống lại cám dỗ coi những người khuyết tật và các bệnh nhân như là “những kẻ bất toàn” đáng thương hại hoặc coi họ là những kẻ gây phiền toái và “tốn kém không thể chịu nổi”.
“Thế giới sẽ không tốt hơn nếu chỉ gồm toàn những con người hoàn hảo”, Đức Thánh Cha nói hôm qua, Chúa Nhật 12/6. Ngày nay, “có những người muốn trốn chạy khỏi những người bị bệnh như là trốn một gánh nặng kinh tế không thể chịu nổi trong thời gian khủng hoảng: không có thứ thuốc nào chữa được mọi thứ, câu trả lời sẽ luôn luôn chỉ là tình yêu”. Đức Thánh Cha nhấn mạnh điều đó khi nói về thứ chủ nghĩa thương hại luôn muốn nhốt chặt những người bệnh vào bên trong các rào chắn”.
Giảng trong thánh lễ Năm Thánh dành cho những người khuyết tật và bệnh nhân tại Quảng trường Thánh Phêrô, Đức Giáo hoàng bảo đảm rằng “bệnh tật tìm thấy nơi Chúa Kitô ý nghĩa tối hậu của nó”.
Đối với nền văn hóa đề cao vui chơi giải trí, “người ta nghĩ rằng bệnh nhân hay người khuyết tật không thể hạnh phúc”. Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Vào thời đại trong đó sự chăm sóc cho thân xác của con người trở thành nỗi ám ảnh và gây ra nhiều tốn kém, bất cứ ai không hoàn hảo đều phải bị che giấu đi, vì người ta cho rằng những người này sẽ đe dọa hạnh phúc và sự yên bình của một nhóm người có đặc quyền đặc lợi và là mối nguy hiểm đối với lối sống đang được ưa chuộng.” Từ đó, nhiều người cho rằng “những người khuyết tật như vậy tốt nhất nên được tránh xa – thậm chí bị “cách ly” trong những tòa nhà “hào nhoáng” – hay những “ốc đảo” của lòng mộ đạo hay công ích xã hội”. Đi xa hơn nữa, “người ta không giữ lại những hữu thể mà người ta cho là không có ích cho xã hội. Trong một số trường hợp, chúng ta thậm chí được nói rằng tốt hơn hết là hãy loại trừ những người khuyết tật đi càng sớm càng tốt, vì họ sẽ trở thành những gánh nặng kinh tế không thể chấp nhận được trong thời buổi khủng hoảng hiện nay.”
Đức Giáo hoàng nói: “Thật là ảo tưởng khi con người ngày nay nhắm mắt làm ngơ trước khuôn mặt của biết bao bệnh nhân và người khuyết tật. Họ đã không hiểu được ý nghĩa đích thực của sự sống chính là phải biết đón nhận những đau khổ và giới hạn.” Thực tế, “thế giới sẽ không trở nên tốt hơn khi chỉ tồn tại những người ‘hoàn hảo’ theo vẻ bề ngoài – Cha muốn sử dụng từ ‘hoàn hảo’ hơn là ‘giả tạo’ – thế nhưng thế giới này chỉ trở nên tốt hơn khi tình liên đới nhân loại, việc đón nhận và tôn trọng lẫn nhau được gia tăng.”
Từ đó, Đức Thánh Cha kêu gọi: “Chúng ta đừng để bị nao núng vì các nỗi gian truân. Chúng ta biết rằng qua sự yếu đuối chúng ta có thể trở nên mạnh mẽ và được lãnh nhận ân sủng để mang lấy vào thân cho đủ mức những gian nan thử thách của Đức Kitô vì lợi ích cho thân thể Người là Hội Thánh. Vì thân thể ấy – hình ảnh của chính Đấng Kitô Phục Sinh – gìn giữ những thương tích như những dấu vết của một cuộc chiến đấu cam go, nhưng đó là những thương tích được biến đổi mãi mãi vì tình yêu”.
Bản tính con người “đã bị tổn thương bởi tội lỗi và luôn luôn mang trong mình những hạn chế. Chúng ta đã quen thuộc với những sự ngăn trở ngày một gia tăng đối với những người mắc những giới hạn thể lý nghiêm trọng. Người ta nghĩ rằng bệnh nhân hay người khuyết tật không thể hạnh phúc, vì họ không thể sống một cuộc sống vốn được định hình bởi một nền văn hóa vui chơi và giải trí.” “Đau khổ không chỉ là về mặt thể lý nhưng còn về mặt tinh thần – một trong những bệnh lý thường gặp nhất hiện nay. Đó là sự đau khổ trong tâm hồn; khiến người ta trở nên buồn khổ vì thiếu tình yêu mến. Khi kinh nghiệm được sự thất vọng hay bị phản bội trong những mối tương quan thân thiết, chúng ta mới nhận ra rằng chúng ta dễ bị tổn thương và mong manh đến là dường nào.” Vì thế, “cám dỗ của việc chỉ quan tâm đến bản thân mình ngày càng mạnh mẽ hơn, và chúng ta vụt mất cơ hội lớn nhất trong đời: yêu bất chấp mọi thứ!”
Đức Thánh Cha cảnh báo thách đố về một thái độ sống coi những giới hạn như là một cái gì đó không bao giờ vượt qua được: “Cách chúng ta trải nghiệm những bệnh tật và những khiếm khuyết chính là chỉ số tình yêu để chúng ta đang có thể sẵn sàng để trao ban. Cách chúng ta đối mặt với đau khổ và những giới hạn là sự đo lường tự do của chúng ta trong việc đem lại ý nghĩa cho kinh nghiệm cuộc sống của một người, thậm chí ngay khi những đau khổ và giới hạn ấy làm chúng ta có cảm giác là mình làm những điều vô nghĩa và chẳng đem lại ích lợi gì.”
Đồng tế với Đức Giáo Hoàng có Cha Cyril Axelrod, một người hoàn toàn câm-điếc, tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế. Cha Cyril Axelrod nổi tiếng với những dấn thân loan báo Tin Mừng cho những người khuyết tật. “Để dạy giáo lý, bạn có thể sử dụng những cử động, cảm xúc, nét mặt, ngôn ngữ cơ thể… Đó là những phương pháp giúp người mù, người điếc, người câm-điếc và thậm chí những người thiểu năng tâm thần, mở lòng mình với Chúa Kitô để Ngài có thể đi vào cuộc sống của họ”, tờ Avvenire trích lời Cha Axelrod, giao tiếp bằng cách sử dụng ngôn ngữ ký hiệu. “Ơn gọi của tôi là giúp mọi người nhận ra Chúa mạnh mẽ như thế nào trong cuộc sống của chúng tôi. Dạy Giáo Lý không phải là chỉ là nói, nói, nói. Bạn phải hiểu đâu là những khả năng mà người khuyết tật có để thấu hiểu và đâu là cách tốt nhất để giúp tất cả mọi người, ngay cả trẻ em, đón nhận Chúa Giêsu, và trải nghiệm niềm vui của ngài.“
Tâm Thành