Vị thánh bước vào. Lời chúc tụng được nói lên. Bên cạnh đứa trẻ, ngài cầm trí. Chúc lành, rồi bế lên trong hai tay trẻ Anphongsô, ngài nói với bà mẹ: “Trẻ này sống lâu, rất lâu, sẽ không qua đời trước chín mươi tuổi. Sẽ làm Giám mục và làm được những việc lớn lao cho Thiên Chúa”.
Thế rồi một thế kỷ sau, ngày 26/5/1839, với cái mỉm cười khoái trá, ta sẽ ghi nhận, Đức Giáo hoàng Grêgôriô XVI cùng nâng nhấc cả hai lên bậc Hiển thánh: Thánh Phanxicô Giêrônimô và Thánh Anphongsô Liguori!
***
Màu sắc rực rỡ, tiếng động ồn ào, mùi hương nồng nặc, đường phố Napoli thế kỷ 18 (1700-1800) náo nhiệt rộn ràng, nơi đó chung đụng chen vai năm hạng người không thể hòa đồng với nhau, năm loại người rất khác biệt là: hạng quí tộc xa hoa nhàn rỗi, hạng giáo sĩ hậu bổng lộc, hạng trung lưu trưởng giả ỷ lại ăn bám, hạng bình dân tiểu thương sống trong các cửa tiệm và những hầm trệt khách sạn tư, và một tầng lớp đông đảo ba mươi ngàn hành khất (đám du thủ du thực), còn gọi là dân ghế dài vì ngủ trên các ghế công cộng, trừ lúc mùa đông thì họ tụ tập lại nơi chân cầu thang bên trong.
Ta còn bỏ sót một “thế giới” thứ sáu nữa: thế giới đám dân nô lệ da đen, dân đông phương hoặc “mô-rô”, tạo thành với ngựa, một đoàn gia súc đô thị, nơi các bến cảng.
Thế nhưng, sự thật ở nơi đó, không xa. Văn kiện chính thức sau đây chỉ mới hơn hai trăm năm, phát xuất từ một vị chưởng lý Hoàng vương nước Pháp năm 1768: “Đại đa số nô lệ tại tỉnh Mantes, không những vô ích mà còn có hại. Người ta chỉ nhìn thấy nơi các công trường và các cổng toàn là dân da đen tụ tập lại hỗn xược đến nỗi thóa mạ các công dân, không những ban ngày, mà còn cả ban đêm nữa”.
Sự kiện là thế kỷ 18 là thời kỳ mãi nô nhất của thời hiện đại. Tây-ban-nha, cùng với Bồ đào nha, là nước ở vào một vị trí địa lý thuận tiện nhất để khai thác nạn nô dịch đen. Tây-ban-nha cũng là khách hàng chính. Bởi vậy, vào năm 1701 – lúc Anphongsô được 5 tuổi – ông vua Công giáo Philippe đệ V nhượng cho Công ty Pháp trong mười năm độc quyền thương nghiệp ấy gồm vùng Châu Mỹ Tây-ban-nha, vì thế cướp mất “những món lợi lớn của nước Hòa lan dân chủ, và của nước Anh thanh giáo”. Loại “da gỗ mun” lại rất cần thiết cho nền kinh tế thuộc địa. Nhưng Tây-ban-nha lại còn để cho các vùng bị họ chiếm đóng trong nước Ý được hưởng lợi nữa: trước hết là các chiến thuyền, cứ mỗi chiếc “nuốt chửng” bốn trăm tay chèo lực lưỡng rồi. Dân da đen thế là cùng đồng cảnh với bọn bị kết án tù khổ sai, và nhất là các tù binh của cuộc chiến tranh trường kỳ hàng thế kỷ, và không dập tắt được giữa Kitô giáo và Hồi giáo. Những người Kitô giáo bị bắt cầm tù, đủ mọi quốc tịch, thộp được giữa biển khơi, trên bờ, do bọn cướp man rợ thực hiện, có đến hàng chục ngàn người rên siết trong các trại giam ở Marốc, Angêri, Tunisie, Aicập, và Thổ Nhĩ kỳ. Ngược lại, trong các trại tù binh hay là phục dịch cho các nhà giàu tư nhân, có rất đông những người “Thổ” tức là hồi giáo, bị bắt ở Địa trung hải, qua các trận lùng bắt hải tặc xuất phát từ Thổ và từ Bắc phi đến. Bởi đó, trong thư tín thường nhận, vị Sứ thần Tòa thánh ở Napoli tường trình ngày 7/8/1725 về vụ “bốn chiếc chiến thuyền Napoli trở về với một lô nô lệ bắt được từ trên bốn chiếc tàu ô cướp biển”.
Trong một thành có đến khoảng bốn ngàn nô lệ, Don Giuse Ligôri đâu phải là một kỳ quái vì ông có “khá đông nô lệ để bảo đảm mọi công việc phục dịch nhà cửa”. Tannoia, dựa trên nguồn tin các em của Anphongsô, nhấn mạnh rằng: “do địa vị sĩ quan trên các chiến thuyền của ông, ông càng dễ dàng tự kiếm được, vừa nhiều, vừa rẻ”.
Từ thế kỷ 16, các Tổng giám mục Napoli đã lưu tâm đến việc bảo vệ và truyền giáo cho các người nô lệ. Trong thành, các vị đã lập ra một Hội Tòng giáo có nhiệm vụ dạy dỗ và chuẩn bị họ, nếu có thể được cho họ chịu thanh tẩy. Các vị phái giáo lý viên đến các trại giam; nhà thờ Santa Maria del Rimedio được cắt đặt dành cho họ gần bờ đập, dùng vào những lúc phóng thích họ ở bến cảng. Nhưng nào họ có thể hiểu được những gì? Cần phải để ra hàng tháng để học được những người canh gác và những bạn bè cùng mái chèo, những tội đồ, dăm ba tiếng nói Napoli rồi rốt cuộc cũng học được! Và những tiếng như là Mamma Mia! (Ôi mẹ ơi!).
Nhưng có các vị Dòng Tên hiệu năng và tiến bộ ở hàng tiền đạo, anh em của Phanxicô Xaviê. Dòng Tên đã thành lập, đầu thế kỷ XVIII, một Hiệp hội Nô lệ, để hoạt động truyền giáo cho họ; và đồng thời có một trường Sinh ngữ, nơi đó họ học tiếng Ảrập, tiếng Thổ và các thổ âm của các tù nhân. Ngoài ra, ảnh hưởng Dòng Tên nơi giới thượng lưu giúp các thừa sai gây được ý thức nơi những người vị vọng bổn phận của họ về mặt đức tin và bác ái đối với hàng nô lệ của họ. Và đây là niềm vui được gặt hái: tại “Trung tâm Tòng giáo” các cha tiếp đón họ trong ít ngày và chuẩn bị cho họ chịu thanh tẩy mỗi năm vài chục người.
Quả năm 1676, một linh mục trẻ, Dòng Tên, Phanxicô Gêrônimô (1642-1716) được phái đến “nhiệm sở Napoli”. Một vị thánh canh cánh bên lòng những ước mơ nồng cháy của Phanxicô Xaviê: Ấn độ, Nhật bản, tử đạo… Bốn lần ngài gửi đơn khấn xin Bề trên Tổng quyền, nhưng cha Oliva đã dứt khoát: “Nước Nhật bản của cha sẽ là Napoli”. Ngài nghĩ đến Napoli với các công trường, các trục lộ, nơi đó sở Truyền giáo sẽ gởi ngài đến giảng một chủ nhật ở ngoài trời. Nhưng cha Phanxicô tìm thấy nơi đó những kẻ du thủ du thực, những gái mãi dâm, và một ngày trong năm 1666, những tù khổ sai. Thế là ngài trở nên người lân la nơi bến cảng, và lần lần trở thành người bạn của đám tù khổ sai và nô lệ, người bạn duy nhất của họ. Những con người xiềng vào ghế ngồi, đối với bọn lính, chỉ là “dòi bọ”, và đối với bọn cai tù, họ là những chiếc lưng trần – vàng, nâu, đen – dầm dề bóng lóang mồ hôi, cống hiến cho gậy gộc roi vọt; còn đối với ngài, những đám tù tội ấy trở thành cho ngài những khuôn mặt, những ánh mắt, những tên gọi, những người anh em, những người con. Các trại tù đón tiếp ngài với những tiếng kêu la vui mừng: “Cha Phanxicô! Đây là người cha của chúng ta!” Ngay cho cả những người Thổ, nếu ngài chưa phải là Tin mừng, thì ngài đã gần như kinh Coran: “Đây là Lời của chính cha Phanxicô!”
Bởi vậy, sau khi khẩn cầu mãi, viên tư lệnh đoàn chiến thuyền rốt cuộc giật được tự tay vị Tu viện trưởng Gèsu Nuovo cái bài sai chính thức cử ngài làm Tuyên úy các tay chèo của toàn hạm đội. Việc biệt phái cho đoàn chiến thuyền năm 1685 đã làm cho cha Phanxicô toại nguyện vui mừng. Từ đó, mỗi lần các chiến thuyền neo vào bến, thì chiến soái hạm Capitana sẽ là tổng hành dinh của cha, và các lao xá là giáo xứ của ngài. Cho đến lúc ngài qua đời năm 1716. Suốt ba mươi năm trường.
Bằng một “kỳ Đại phúc” thực thụ, ngài khai mạc thừa tác vụ thiêng liêng của ngài vào mùa Chay năm 1685: vài ba tuần lễ dồn dập giảng thuyết, kinh nguyện, hội họp, lúc hạm đội nằm ụ tại bến. Chính ngài phụ trách chiếc Capitana, và gởi các cha khác đến mỗi chiến thuyền khác. Cuộc bế mạc kết thúc với hoa, với nhạc, với tiếng hát và tiếng súng thần công nổ rầm giữa một cuộc rước kiệu tại đền thờ Đức Mẹ Maria del Ri medio, cùng với thánh lễ và rước lễ Phục sinh cho khoảng ba trăm tù khổ sai Kitô giáo; Tự hậu, mỗi năm cha cứ tổ chức mùa Chay thánh của các tù nhân như thế.
“Ba trăm tù nhân khổ sai”, thế có nghĩa là hai ngàn năm trăm tay chèo khác cần thiết cho toàn hạm đội là những nô lệ Hồi giáo: Nơi đó sẽ là Nhật bản của vị thừa sai; đó sẽ là nơi phập phồng của trái tim ngài. Bốn người trong đám Thổ đã chịu thanh tẩy cuối tuần Đại phúc năm 1685, những thành quả đầu tiên của một mùa gặt từ nay trở nên thường niên, và chật vật hái được từ “bãi sa mạc”.
Quả nhiên, một sự liên hoàn lạ lùng giữa thời điểm và nhân sự! – Vị linh mục thánh thiện Dòng Tên ấy đã bắt đầu lãnh sứ vụ công khai lo cho đám tù nhân vào những tháng đầu năm 1685; thì cũng vào năm 1685, người ta còn nhớ rằng người hiệp sĩ Giuse Ligôri, với cái nhiệt huyết mười lăm tuổi đầu, đã đặt chân lên boong tàu Capitana, như là một tay giang hồ. Rồi trong hai mươi ba năm ròng rã, chiếc soái hạm sẽ là ngôi nhà bồng bềnh của ông, và đến 1708 lúc nước Áo tiến cử ông làm thuyền trưởng chiếc Padrona, ông vẫn sẽ không rời bỏ “giáo xứ” thuộc người của Thiên Chúa, nhất là xa rời hấp lực tình thương của hai người càng lôi kéo họ lại gần nhau hơn, bởi vì vị linh mục đã đảm nhận ngay, không những chỉ có đám dân cầm tù trên các hải thuyền mà thôi, mà còn cả những thợ thuyền binh công xưởng của bến tàu, và toàn khu gia binh của Hải quân nữa.
Một chi tiết thú vị: giữa khoảng các năm 1685-1695, lúc mà người trẻ sĩ quan còn đang mài miệt nghĩ đến oanh tạc và hải hành, thì vị thừa sai đã quen biết hai thiếu nữ sắc sảo của ông Chủ tịch Cavalieri: chị nữ tu trẻ Maria Phanxicô Têrêxa Thánh Tâm Chúa Giêsu (Cecilia) và một cô học sinh, là em thứ, tên là Anne Catarina. Cộng đoàn nữ tu Cappucinella là một trong những nơi thỉnh mời lòng nhiệt thành của cha đến trong những ngày tĩnh nguyện giúp ích cho các em học sinh của họ.
Thế là, trong tư cách một người bạn, người thân của gia đình, một người “thân phụ”, mà cha bước vào dinh thự Ligôri nhân một ngày mùa thu năm 1696. Các nô lệ, những người đầu tiên lúc thấy ngài, đã có thể vui mừng thốt ra lời báo tin: “Đây cha Phanxicô! Cha của tụi này đây!”
Nhưng hôm nay ngài vào đây vì một cơ hội lớn: đây là “biến cố đầu tiên” trong nhà viên hiệp sĩ Ligôri.
Đầu thời Trung cổ, chàng hiệp sĩ cùng ở một nơi với con ngựa của chàng. Qua thế kỷ 17 và 18, bọn lê dân ở các tầng trệt lúc nhúc, người với gia súc, trong căn nhà bếp duy nhất, còn hạng sang thì mất hút đi trong những căn buồng thênh thang nhiều loại trên các tầng lầu. Tuy nhiên phòng ngủ, cho dù cách biệt, vẫn giữ tính cách công cộng của nó. Chiếc giường là thứ trang cụ mỹ lệ của nhà giàu. Tiếp khách tại giường, chơi nhạc tại giường; cũng từ giường, mọi hiệu lệnh được ban ra cho gia nhân. Nào ai lại không biết là phòng của Hoàng hậu là căn buồng đẹp nhất trong dinh Versailles, và các vua cùng các bà hoàng nước Pháp và Tây-ban- nha đầu tiên đón đại sứ và bộ trưởng tại giường sao?
Bởi vậy, đây là lời của sử gia tỉ mỉ của cha Phanxicô Geronimô, là cha Julien Bach Dòng Tên:
“Năm 1696, một trẻ ra chào đời, sau này sẽ làm rạng rỡ cho Giáo hội, mà chiếc nôi quả làm vinh dự cho cuộc đời của thánh Phanxicô Geronimô. Từ những thời xa xưa, một lễ nghi khá cảm động đã trở thành thói quen trong các gia đình quí tộc vương quốc Napoli. Ba ngày sau khi một trẻ em sinh ra, có cuộc tiếp đãi linh đình. Bà mẹ được đặt lên chiếc giường trang trọng, xung quanh có các mệnh phụ vị vọng và tất cả gia nhân khăn áo chỉnh tề, rồi các vị tu mi nam tử được lần lượt đưa vào để đem lời chúc tụng ngợi khen, và sau câu chúc từ, họ bước qua phòng khách kế cận cùng tụ họp với những thân hữu khác đã làm xong phận sự. Nhưng điều mà các gia đình Kitô, giàu cũng như nghèo, ước mong là được một vị thánh đến viếng thăm, với hoài bão đây là cơ may đem đến cho đứa trẻ ơn phúc lành của Thiên Chúa”.
Vị thánh bước vào. Lời chúc tụng được nói lên. Bên cạnh đứa trẻ, ngài cầm trí. Chúc lành, rồi bế lên trong hai tay trẻ Anphongsô, ngài nói với bà mẹ: “Trẻ này sống lâu, rất lâu, sẽ không qua đời trước chín mươi tuổi. Sẽ làm Giám mục và làm được những việc lớn lao cho Thiên Chúa”.
Phút sững sờ đầu tiên vừa dứt, phút im lặng truyền tin rền vang vào căn nhà, lên các cặp môi, vào trong khóe mắt. Giây phút im lặng như làm nín thở, rồi đột nhiên dừng lại, như ngỡ ngàng, nơi thang lầu…
Bà Anna đón lấy những lời ấy, suy đi, nghĩ lại trong lòng, suốt chuỗi ngày dài của đời bà. Kẻ khác cũng vậy. Có lẽ do bà mà ra, đàng khác cùng do một do lai truyền khẩu sống động và đa phương, vừa họ hàng, vừa dân chúng, mà chúng ta đã có được chứng từ ấy.
Cụ già và đứa trẻ về sau này, suốt hai mươi năm còn sống, cả hai gần cận Don Giuse thường có còn năng gặp lại nhau không? Lịch sử duy tiến bước bằng tài liệu, chỉ có thể nhìn trí tưởng tượng rảo chạy và nàng thơ bay lượn… Thế rồi một thế kỷ sau, ngày 26/5/1839, với cái mỉm cười khoái trá, ta sẽ ghi nhận, Đức Giáo hoàng Grêgôriô XVI cùng nâng nhấc cả hai lên bậc Hiển thánh.
(Còn tiếp)
Trích “Vị thánh của Thế kỷ Ánh sáng” (Théodule Rey-Mermet, C.Ss.R.)