Thánh Oscar Romero - giám mục của người nghèo

Người ta thường tranh luận về con người của Đức cha Oscar Romero: Ngài là một nhà cộng sản? Một nhà cách mạng theo thần học giải phóng? Nhưng ai hiểu rõ Đức cha, sẽ nhận ra rằng trên tất cả, ngài là người của Giáo hội, của Tin mừng và có tình yêu thương dân nghèo bị áp bức khốn khổ.

Thời thơ ấu và hành trình ơn gọi

Gia đinh được ơn lạ nhờ lời cầu của thánh Oscar Romero  (AFP or licensors)

Gia đinh được ơn lạ nhờ lời cầu của thánh Oscar Romero (AFP or licensors)

Đức cha Óscar Romero có tên đầy đủ là Óscar Arnulfo Romero y Galdámez. Ngài sinh ngày 15.03.1017 trong một gia đình giàu có tại Ciudad Barrios, nước Salvador, là con thứ 3 trong 8 người con của ông bà Santos Romero và Guadalupe de Jesús Galdámez. Ngay từ khi còn nhỏ, cậu bé Óscar đã học từ cha mẹ lòng kính yêu Chúa và học cầu nguyện, đặc biệt mẹ của cậu đã dạy cho con đọc kinh Truyền Tin và lần chuỗi Mân Côi. Năm 11 tuổi, Óscar được rước lễ lần đầu.

Sau khi học xong tiểu học vào năm 12 tuổi, Óscar theo học nghề thợ mộc.  Tuy thế lòng ham mê học hành và cách cầu nguyện đã được ông Alfonso, thị trưởng của thành phố Barrios để ý. Óscar đã trình bày với ông về ước nguyện trở thành linh mục. Nhờ thế, dù đất nước bước vào giai đoạn chiến tranh đổ máu, Óscar được nhận vào tiểu chủng viện thánh Micae. Cậu đã trải qua những năm bình an tại chủng viện và nhờ năng khiếu âm nhạc thừa hưởng từ người cha, Óscar học sống cởi mở với những người khác.

Năm 1937, Óscar gia nhập đại chủng viện thánh Giuse ở Montaña, nhưng 7 tháng sau, Óscar được gửi sang Toma học. Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, thầy Óscar không thể trở về quê hương, nên được chịu chức linh mục tại Roma vào ngày 04.04.1942. Sau khi thực hiện một số trách nhiệm khác nhau trong giáo phận, ngài được bổ nhiệm làm GM El Salvador.

Tình yêu với người nghèo bị áp bức

Khi trở về nước, cha Óscar được bổ nhiệm vào một giáo xứ, sau đó trở thành giám đốc của chủng viện liên giáo phận ở San Salvador, giám đốc các báo mục vụ và Tổng Thư ký Hội đồng Giám mục Trung Mỹ và Panama.

Cha là một người có tinh thần rất gần với Hội Opus Dei. Khi cha được bổ nhiệm làm GM phụ tá của San Salvador vào năm 1970, nhiều người nghĩ rằng ngài là một người bảo thủ, muốn kìm hãm những hoạt động canh tân. Sự sợ hãi và thù địch của hàng giáo sĩ càng tỏ rõ hơn khi ĐC Óscar được bổ làm GM chính tòa vào năm 1974.

Trong khi đó, chính quyền và các nhóm nắm giữ quyền hành thì vui mừng vì họ xem việc bổ nhiệm một GM gần 60 tuổi, hoàn toàn “thiêng liêng” và “chỉ lo học hành nghiên cứu”, là bảo đảm tốt nhất của việc giảm bớt dấn thân vì người nghèo mà tổng giáo phận, với ĐC tiền nhiệm, đang phát triển. Họ hy vọng rằng, với ĐC Óscar, Giáo hội Salvador sẽ từ bỏ mọi dấn thân xã hội và chính trị và Giáo hội hoàn toàn lo mục vụ thiêng liêng, không quan tâm đến mọi sự kiện chính trị. Việc ĐC Óscar từ chối chiếc xe Cadillac sang trọng cũng như cung điện tráng lệ bằng đá cẩm thạch được các chủ đất dâng tặng và sự vắng mặt của cha tại buổi lễ nhậm chức của nhà độc tài cũng được giải thích như là sự thiếu quan tâm đến chính trị của cha.

Thật ra, đừng quên rằng ngay từ khi còn trẻ, cha Romero đã nổi tiếng là một linh mục khổ hạnh, có đời sống thiêng liêng sâu sắc, nền giáo huấn vững chắc và tình yêu đặc biệt dành cho dân nghèo. Một cách rất đơn giản, trước những áp bức và bóc lột người dân, viêc các phi đội thần chết giết hại các nông dân, người nghèo và các linh mục dấn thân vào các hoạt động xã hội, trong đó có cha Rutilio Grande, dòng Tên, ĐC Romero hiểu rằng không thể làm gì khác hơn là có một lập trường rõ ràng. Ngài đã thành lập một Ủy ban bảo vệ nhân quyền; các Thánh lễ do ĐC dâng bắt đầu đông nghẹt các tín hữu. ĐC Romero công khai đứng lên đấu tranh vì người nghèo: không chỉ bằng những bài giảng hay các bài viết được phổ biến qua các phương tiện truyền thông xã hội, nhưng bằng chính sự hiện diện của ngài

Tử đạo vì bênh vực người nghèo

ĐC Romero đã phải trả giá cho chọn lựa bênh vực người nghèo.  Càng ngày ngài càng bị cô lập và chống đối mạnh mẽ, cả từ phía tòa sứ thần cũng như Vatican. Một số Gíam mục tố cáo ĐC kích động đấu tranh giai cấp và cách mạng, trong khi cha lại bị phe cánh hữu khinh chê, xem như là nổi loạn và cộng sản. Ngày 23.03.1980, trong bài giảng cuối cùng của ngài tại nhà thờ chính tòa, ĐC Romero đã kêu gọi: “Nhân danh Thiên Chúa và dân tộc đang đau khổ, tôi cầu khẩn anh em, tôi van xin anh em, hãy chấm dứt sự đàn áp!”.

Ngày hôm sau, một tên giết người thuê đã vào nhà nguyện của bệnh viện Chúa Quan phòng ở San Salvador, khi ĐC Romero đang cử hành Thánh lễ. Hắn đã nhắm bắn một phát vào tim của ĐC khi ngài đang nâng cao chén lễ vào lúc dâng lễ vật. Ngài vừa nói: “Ước gì thân xác được hiến tế và máu đã hy sinh vì nhân loại cũng soi sáng cho chúng ta hiến dâng thân xác và máu vì nỗi đau đớn và khốn khổ như Chúa Giêsu Kitô; không phải là vì chúng ta những để mang lại cho dân tộc chúng ta hoa trái của công lý và bình an.

Đức cha Romero – con người của Giáo hội, của Tin mừng và của người nghèo

Những người biết rõ về ĐC Romero làm chứng rằng cha không phải là một nhà cách mạng, nhưng là con người của Giáo hội, của tin mừng và do đó, của người nghèo. Ngay lập tức, nhân dân Salvador xem ĐC là vị tử đạo và tiếp tục cầu nguyện trước mộ của ngài tại hầm nhà thờ chính tòa Chúa Cứu Thế của thế giới ở El Salvador.

Ngày 13.09.1993, Tòa Thánh nhìn nhận cái chết của ĐC Romero là sự tử đạo vì đức tin và ngày 24.03.1994, án phong thánh cho ngài ở giáo phận San Salvador đã được bắt đầu. Năm 2014, tài liệu về sự tử đạo của ngài được đệ trình. Ngày 03.02.2015, ĐTC Phanxicô chuẩn y sắc lệnh nhìn nhận cuộc tử đạo của ngài. Ngày 23.05.2015, tại quảng trường Đấng Cứu độ thế giới ở San Salvador, ĐHY Angelo Amato đã chủ sự Thánh lễ tuyên phong ĐC Romero lên hàng chân phước.

Phép lạ mở đường cho việc tuyên phong hiển thánh

Việc phong thánh cho ĐC Romero được chấp thuận sau khi một phép lạ nhờ lời cầu bầu của ĐC được nhìn nhận. Người được phép lạ nhờ sự can thiệp của chân phước Romero là bà Cecilia Flores, sống tại Mejicanos, thành phố vành đai của San Salvador. Cách đây hai năm rưỡi, người phụ nữ này chỉ cách cái chết có một bước.

Ông Alejandro Rivas 42 tuổi và vợ ông, bà Cecilia 35 tuổi, thuộc thế hệ lớn lên trong sự cân bằng giữa cuộc nội chiến và cuộc tái xây dựng đầy khó khăn. Họ không biết nhiều về đức cha Romero. Họ đã nghe nói không tốt về ngài và do đó họ có định kiến không đúng. Đức cha Romero là đối tượng của một sự phỉ báng tàn bạo và có hệ thống. Ngay cả trong Giáo hội cũng không thiếu những lời chỉ trích. Với sự tiến triển của tiến trình phong thánh và nhìn nhận sự tử đạo của ngài, bầu khí đã thay đổi. Ông Alejandro kể: “Ngày 23 tháng 5 năm 2015, tôi và Cecilia tham dự lễ phong chân phước. Thật sự không phải bởi lòng sùng kính đối với đức cha cho bằng vì đó là một giây phút lịch sử.” Bà Cecilia tiếp lời chồng mình: “Lúc đó tôi đang mang thai tháng thứ năm và việc mang thai của tôi rất phức tạp. Tôi luôn cảm thấy mệt mỏi. Cuối cùng tôi đã để cho mình bị thuyết phục…” Gần đến ngày sinh, cả hai ông bà xin chân phước Romero gìn giữ đứa bé. Ông Alejandro nhấn mạnh: “Và nó đã được làm như thế, ngay cả khi chúng tôi nguội lạnh với ngài…” Một biến cố bất ngờ đã xảy ra vào mùa hè tiếp theo.

Họ đã quyết định sẽ cho bà Cecilia sinh mổ vào ngày 3 tháng 9. Nhưng vì bà không khỏe, nên ngày 27 tháng 8 ông Alejandro đã đưa vợ đến bệnh viện. Sáng sớm ngày 28, cậu bé Luis Carlos chào đời. Sau đó tình trạng sức khỏe của bà Cecilia trở nên tồi tệ; những cơn đau ở bụng của bà ngày càng gia tăng. Khi tròng mắt của bà mờ đi, ông Alejandro hiểu rằng vợ mình đang lìa bỏ mình. Các bác sĩ đã mổ cấp cứu cho bà Cecilia và họ khám phá ra bà bị một chứng bệnh hiếm, hội chứng Hellp, là hội chứng thiếu máu tán huyết, tăng men gan, giảm tiểu cầu ở thai phụ. Sau ca phẫu thuật, bà Cecilia rơi vào tình trạng hôn mê. Nhìn thấy vợ nằm bất động, thân thể đeo 14 ống dẫn, mắt chảy máu, ông Alejandro hiểu rằng mình đã mất người vợ thân yêu rồi. Bác sĩ cũng khẳng định với ông: “Chúng tôi không thể làm gì hơn nữa. Nếu ông tin, hãy cầu nguyện đi.”

Ông Alejandro thật sự thất vọng. Thình lình vào khoảng 2 giờ sáng, ông tình cờ tìm thấy cuốn sách Thánh kinh của bà ông, bà cụ Rebecca, một người rất sùng kính đức cha Romero. Từ khi ông còn nhỏ bà đã kể cho ông nghe về ngài như một vị anh hùng. Thường thì ông Alejandro không cầu nguyện với sách Thánh kinh, nhưng lần này thì ông mở sách. Giữa các trang sách của cuốn Thánh kinh có một tấm ảnh của đức cha Romero. Ngay lập tức ông Alejandro cầu nguyện với đức cha Romero: “Bà của con đã kể với con rằng cha có tình thương mến vô cùng dành cho dân tộc El Salvador. Con xin cha, hãy khẩn cầu cho Cecilia vợ con.”

Sáng hôm sau, ông Alejandro nhận thấy các cơ quan nội tạng của bà Cecilia bắt đầu có dấu hiệu hoạt động. Ồng Alejandro tin rằng Đức cha Romero đã nghe lời ông cầu xin. Thế là ông xin những người bạn thuộc phong trào Con đường tân dự tòng mà ông và bà Cecilia tham gia cùng hiệp ý cầu nguyện. Không đầy một tuần sau, bà Cecilia hết hôn mê và được xuất viện. Bà chia sẻ: “Tôi đã không tin khi họ kể lại với tôi về phép lạ. Nhưng chứng tá của nhiều người đã cầu nguyện cho tôi đã thuyết phục tôi. Họ đã thúc đẩy tôi trình bày sự việc cho cơ quan phụ trách phong thánh. Dần dần tôi bắt đầu thực sự khám phá ra đức cha Romero: các bài giảng tuyệt vời của ngài, đức tin và lòng can đảm của ngài. Ngay khi được biết về việc nhìn nhận phép lạ chúng tôi muốn tạ ơn đức cha Romero. Chúng tôi đã đến mộ của ngài. Tôi xin ngài canh giữ gia đình tôi và đất nước Salvadore bị tàn phá bởi bạo lực. Ngài đã muốn một tương lai hòa bình cho quê hương. Chúng tôi vẫn còn cần sự trợ giúp của ngài để xây dựng nó.”

Ngày 06.03.2018, ĐTC Phanxicô phê chuẩn sắc lệnh nhìn nhận một phép lạ được xem là hoàn tất điều kiện để tuyên phong ĐC Romero lên hàng các thánh. Trong công nghị hồng y vào ngày 19.05 năm nay, ĐTC đã quyết định ngày 14.10 là ngày ĐC Romero được tuyên thánh cùng với 6 vị chân phước khác. Thánh Giám mục  Romero tử đạo được kính nhớ vào ngày 24.03, ngày ngài tử đạo và cũng là ngày ngài được sinh ra trên thiên đàng.

Hồng Thủy – Vatican

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết