Thánh Anphongsô và Đức Maria – Mẹ Thiên Chúa
(tiếp theo)
4. Thánh Anphongsô với thần học và linh đạo về Đức Maria
Trong bài trình bày này, tôi không thể triển khai trọn vẹn nền thần học và linh đạo về Đức Maria mà thánh Anphongsô đưa ra trong khá nhiều cuốn sách, bài giảng, luận văn cũng như trong những lời cầu nguyện và các tác phẩm nghệ thuật của ngài. Cho nên, tôi sẽ nhấn mạnh một cách vắn tắt một số nội dung trong linh đạo Maria của ngài mà tôi nghĩ những điều đó vẫn có giá trị trong ngày hôm nay. Tôi sẽ bắt đầu với việc khảo sát các tước hiệu mà ngài thường dùng để tôn kính Đức Maria:
‘Mẹ’
Trên hết, thánh Anphongsô coi Đức Maria như một người “Mẹ”. Đây là từ ngài dùng mỗi khi nói về Đức Maria. Ngài nhận thức sâu xa rằng khi Đức Giêsu từ trên thập giá trao phó Đức Mẹ cho người môn đệ Người yêu mến, điều đó có nghĩa là trước tiên ngài cũng trao phó tất cả môn đệ của mình cho Mẹ. Thánh Anphongsô nhận ra rằng Đức Giêsu trao cho Đức Maria một sứ vụ – trở thành mẹ của tất cả các tín hữu. Mẹ là một người thực hiện sứ vụ. Mà chính sự chăm sóc từ mẫu của Mẹ là nền tảng của lòng sùng kính dành cho Mẹ.
Đức Giáo hoàng Phanxicô cũng có suy nghĩ giống như thánh Anphongsô. Cha Majorano nói về sự tương đồng này trong một cuộc phỏng vấn hồi đầu năm. Sự nhấn mạnh đến sứ vụ được trao phó cho Đức Maria từ trên thập giá được đề cập rõ ràng trong Tông huấn Niềm vui Tin Mừng Evangelii Gaudium (#285-286). Đức Giáo hoàng Phanxicô khẳng định rằng “trong công việc Phúc âm hóa của Giáo hội, người ta thấy một phong cách làm việc của Đức Maria. Mỗi khi chúng ta nhìn lên Đức Maria, một lần nữa chúng ta tin vào đặc tính cách mạng của tình yêu và sự dịu hiền” (EG 288).
Không ngạc nhiên khi biết rằng Đức Phanxicô đã nhắc đến cuốn Vinh quang Đức Maria với lòng kính trọng và yêu mến khi ngài viếng thăm Napoli.
‘Mẹ của Lòng Thương xót’
Bên cạnh tên gọi đơn giản – Mẹ, thánh Anphongsô dùng một tước hiệu khác cũng rất liên quan đến tước hiệu ‘Mẹ” để cầu nguyện với Đức Maria, đó là ‘Mẹ của Lòng Thương xót’. Tước hiệu này được tìm thấy trong các tác phẩm của ngài, đặc biệt là trên từng trang của cuốn Vinh quang Đức Maria, cũng như trong các bài giảng và lời cầu nguyện. Là một người mẹ, Đức Maria không thể là gì khác hơn là “Mẹ của lòng thương xót”. Mẹ mong muốn thông truyền lòng thương xót và ơn cứu độ của Thiên Chúa đến tất cả mọi người. Một số người khi bình luận về thánh Anphongsô đã nói, nơi Đức Maria, công lý của Thiên Chúa và lòng thương xót của Người gặp gỡ nhau.
Đối với thánh Anphongsô, Đức Maria, Mẹ của Lòng thương xót không chỉ quan tâm đến linh hồn của chúng ta mà ngài còn chỉ cho chúng ta thấy công trình tổng thể của lòng thương xót, cũng như chăm sóc chúng ta cả hồn cả xác. Thánh Anphongsô thuộc về Tu hội Misericordiella, một tu hội đạo đức chăm sóc người nghèo, thăm viếng người đau ốm và đồng hành với những tử từ.
Thánh Anphongsô đưa ra rất nhiều những “dẫn chứng”, những câu chuyện về lòng thương xót của Đức Maria với những người nghèo bị bỏ rơi. Và phần đầu tiên trong cuốn Vinh quang Đức Maria của ngài dựa trên nền tảng là kinh Salve Regina, Mater Misericordiae. Lòng thương xót của Đức Maria bắt nguồn từ lệnh truyền khiến Mẹ trở thành Mẹ của chúng ta, Mẹ của các tín hữu, một sứ vụ được trao phó cho Mẹ từ trên thánh giá. Là con trai và con gái của một người Mẹ như thế, chính chúng ta cũng được kêu gọi thực hiện những công việc của Lòng thương xót.
Có lẽ cũng là sự quan phòng của Thiên Chúa khi Đức Thánh Cha tuyên bố một Năm thánh ngoại thường về Lòng Thương xót trong dịp chúng ta đang tổ chức Năm Thánh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp. Đây thực sự là “một cơ hội dành cho cho Dòng Chúa Cứu Thế”, cũng như một “cơ hội dành cho Đức Maria”.
‘Đức Maria, niềm hy vọng của chúng con’
Có lẽ không có tước hiệu nào khiến cho phái Jansen và Khắc kỷ giận dữ như tước hiệu này. Với quan điểm bi quan về bản tính của con người, cũng như niềm tin rằng chỉ một số ít được cứu độ, họ coi việc nói Đức Maria là niềm hi vọng cũng giống như là nói một điều dị giáo. Họ cho rằng Đức Kitô là niềm hy vọng duy nhất của chúng ta, và ngay cả như thế thì cũng không nên quá tự phụ vì những ai được cứu độ đã được định đoạt từ trước, không có niềm hi vọng nào cho những kẻ khác.
Vì lí do đó, khi Thánh Anphongsô trình bày trang bìa cuốn Vinh quang Đức Maria, ngài đã lựa chọn một bức hình Đức Maria với chữ “spes nostra” – “niềm hi vọng của chúng con”. Như thế, ngài đã tuyên bố rõ ràng rằng ơn cứu chuộc của Thiên Chúa tràn đầy cho tất cả mọi người, rằng lòng thương xót của Thiên Chúa không có giới hạn. Đức Maria trở thành một dấu hiệu của niềm hy vọng cho chúng ta – O bella mia speranza (Ôi Niềm Hy Vọng tuyệt đẹp của con).
Niềm hi vọng của thánh Anphongsô không phải là một sự tự phụ, nhưng ngài tin tưởng rằng Thiên Chúa trao cho mọi người ân sủng cầu nguyện, và rằng tất cả những ai cầu nguyện sẽ nhận được ân sủng cần thiết để được cứu độ. Giống như một người mẹ không bao giờ làm con mình thất vọng, Thiên Chúa cũng không bao giờ đóng cửa đối với chúng ta. Và Đức Maria là một dấu hiệu, một bảo chứng cho niềm hi vọng đó dành cho mỗi người chúng ta.
Vô nhiễm Nguyên tội
Như tất cả chúng ta đã biết, thánh Anphongsô dâng bản hiến pháp mới cho sự quan phòng của Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội. Ngài tin chắc vào đặc ân này của Đức Maria, được trao cho Mẹ để Mẹ trở thành một đền thờ xứng đáng cho Thánh Thần và trở thành Mẹ Thiên Chúa. Nhưng ngài cũng tin rằng đặc ân đó được trao cho Mẹ như một dấu chỉ của niềm hi vọng dành cho chúng ta – điều Mẹ đã lãnh nhận từ thưở ban đầu cũng là điều mà chúng ta mong được lãnh nhận – copiosa redemptio, ơn cứu chuộc chứa chan. Đối với Đức Maria, ân sủng cứu độ ngăn mẹ khỏi sa ngã. Đối với chúng ta, ân sủng cứu độ nâng chúng ta đứng lên sau khi vấp ngã.
Tước hiệu Vô nhiễm Nguyên tội cho thấy rõ điều mà Thiên Chúa có thể làm với bản tính mỏng giòn và bị tổn thương của chúng ta. Đức Maria cũng như chúng ta chắc chắn được cứu chuộc. Một lần nữa, phái Jansen và phái Khắc kỷ chống đối lại tước hiệu Vô nhiễm Nguyên tội. Họ cho rằng bản tính con người là xấu xa, không còn hy vọng, và tất cả phải chịu kết án. Thánh Anphongsô không thể chấp nhận quan điểm bi quan về con người cũng như quan điểm giới hạn ân sủng và lòng thương xót của Thiên Chúa.
Trong khi bảo vệ tước hiệu Vô nhiễm Nguyên tội, thánh Anphongsô bảo vệ hai nguyên tắc quan trọng của truyền thống Công giáo – sensus fidelium, cảm thức đức tin và hành động hiện tại của Thánh Thần hướng dẫn Giáo hội trong giáo lý và việc thờ phượng. Mạc khải không phải là một khoảng khắc chết trong thời gian, ở xa trong quá khứ. Trái lại, Thánh Thần tiếp tục hướng dẫn Hội Thánh, Dân Chúa qua đức tin và lòng đạo đức bình dân, qua giáo lý và việc thờ phượng.
‘Đấng Cứu giúp kẻ khốn khó’
Tôi nghĩ rằng không phải ngẫu nhiên mà thánh Anphongsô chuyển sang Tu hội Santa Maria succurre miserabilis khi ngài được trở thành giáo sĩ của Tổng Giáo phận Napoli. Trong tu hội này, ngài tiếp tục thi hành tác vụ của lòng thương xót, một cách cụ thể và hữu hiệu, đối với những người bị bỏ rơi và những người nghèo, cả về phần hồn lẫn phần xác.
Trong các tác phẩm của mình, ngài thường gọi Đức Maria là Đấng Cứu giúp kẻ khốn khó và nghèo khổ. Liệu đó có phải là sự quan phòng của Thiên Chúa chuẩn bị trước cho việc chúng ta đón nhận Linh ảnh Mẹ Hằng Cứu Giúp thông qua kinh nghiệm này của thánh Anphongsô? Cá nhân ngài có chưa bao giờ biết đến bức linh ảnh cũng như việc sùng kính như thế – trừ khi ngài đã thăm thánh đường thánh Matthêu khi đến Rôma để thụ phong giám mục. Tuy nhiên Linh ảnh Mẹ Hằng Cứu Giúp chắc chắn bao gồm tất cả những mầu nhiệm của tình mẫu tử, lòng thương xót, ơn cứu độ, niềm hi vọng, sự dịu hiền và sự hằng cứu giúp.
Mẹ của ơn cứu chuộc
Chúng ta không quên rằng thánh Anphongsô đã bỏ thanh gươm của mình dưới chân Madonna della mercede – Mẹ của Ơn Cứu chuộc, Ơn Cứu độ và Lòng Thương xót. Trong cử chỉ này, chúng ta thấy được lờ mờ dự định và lời hứa trong bản Hiến Pháp DCCT mà ngài lập nên. Ngay từ đầu, Đức Maria đã ghi dấu ấn trong cuộc đời, ước mơ và sứ vụ của ngài cũng như của chúng ta.
Nữ vương các Tông đồ
Thánh Anphongsô đã tôn vinh Đức Maria là nữ hoàng của mình, và ngài tin rằng Mẹ là hình mẫu cho các nữ hoàng. Sau hết, những bình chú kinh Salve Regina của ngài đã nhắc đến Mẹ với tước hiệu này. Nhưng ngài nhấn mạnh rằng phẩm giá vương quyền thực sự đến từ sự phục vụ. Đức Maria là vị nữ hoàng có sức mạnh cứu giúp người nghèo, biết đến người nghèo và yêu thương họ. Họ không còn bị bỏ rơi nữa khi có Nữ vương các Tông đồ tìm hiếm họ, và đồng hành với mọi sứ vụ được thực hiện.
Michael Brehl CSsR – Bề trên Tổng quyền Dòng Chúa Cứu Thế
P.B. chuyển ngữ
(còn nữa)