Thánh Anphongsô và Đức Maria – Mẹ Thiên Chúa

Người ta nói rằng câu chuyện về ơn gọi của mỗi người rất khác nhau nhưng tất cả đều có một điểm chung: sự can thiệp mạnh mẽ và có tính quyết định của Đức Maria. Tuy nhiên, trong số các thánh, có những người sống mối tương quan với Đức Maria – Mẹ Đức Giêsu, một cách hết sức mật thiết, hơn cả tình cảm giữa một người con đối với một người mẹ. Trong số “những vị thánh của Đức Maria”, chắc chắn chúng ta có thể kể đến thánh Anphongsô. Trong tư tưởng luân lý, thần học và đời sống thiêng liêng của ngài, không có sự coi nhẹ vai trò trung tâm của con người Đức Giêsu Kitô. Rõ ràng “Kitô học” chính là trọng tâm tư tưởng của ngài.

S. Alfonso, La Madonna - Museo alfonsiano di Pagani.

S. Alfonso, La Madonna – Museo alfonsiano di Pagani.

Thánh Anphongsô tin rằng bởi vì Thiên Chúa đã ban Đức Giêsu cho chúng ta qua Đức Maria, cho nên con đường chắc chắn nhất đưa chúng ta đến với Đức Giêsu là đi qua Đức Maria. Thực tế, thánh Anphongsô hoàn toàn “thuộc về Đức Maria” bởi vì ngài cũng hoàn toàn thuộc về “Đức Kitô”. Đó là nhận định nền tảng trước tiên để có thể nói về thánh Anphongsô và Đức Maria.

1. Cuộc sống gia đình, nền văn hóa và sự giáo dục dành cho thánh Anphongsô

Vào thời ấu thơ và niên thiếu của thánh Alphongsô, Napoli có 214 đền thánh dâng kính Đức Maira. Đức Mẹ Carmel (“Brown Mandonna” – tạm dịch: “Đức Bà Da Nâu”) là vị đồng bảo trợ của thành Napoli.

Cha mẹ thánh Anphongsô sống trong bầu khí sùng kính Đức Maria như vậy – và gây ảnh hưởng lên con trai mình. Thánh Anphongsô được sinh ra tại Marianella – cư sở mùa hè của gia đình ngài. Mẹ ngài cương quyết muốn ngài được rửa tội tại nhà thờ Santa Maria delle Vergini và được dâng hiến cho Đức Maria, nhận tên “Maria” làm tên thứ hai trong số chín cái tên đặt cho ngài.

Thánh Anphongsô đã được dạy cầu nguyện trước rất nhiều ảnh tượng khác nhau về Đức Maria, đặc biệt, là đọc kinh Mân côi. Khi tốt nghiệp Đại học Napoli năm 1713, ngài đưa ra “lời thề máu” rằng sẽ bênh vực cho danh hiệu Vô nhiễm Nguyên tội của Đức Maria. Đối với ngài, đó không chỉ là một danh hiệu. Những năm sau đó, ngài còn lặp lại lời thề đã long trọng tuyên bố khi còn 16 tuổi, và ngài viết về tầm quan trọng của hành động mình đã làm trong cuốn “Vinh quang Đức Maria”.

Từ năm 1715, ngài trở thành thành viên của Tu hội Thánh Maria của Lòng Thương Xót cũng như Tu hội Thăm viếng. Tháng 8/1723, “năm mà ngài thức tỉnh”, sau khi thua một vụ kiện liên quan đến Amatrice, và sau khi tham gia vào tuần cửu nhật và tuần bát nhật lễ Đức Mẹ lên trời, ngài đã quyết định từ bỏ “thế gian”, và dâng hiến đời mình cho Chúa, bỏ lại thanh gươm – biểu tượng của dòng dõi quý tộc, tại bàn thờ trong nhà thờ Madonna della Mercede. Năm sau, một lần nữa, khi nhìn lên bức ảnh Madonna della Mercede, ngài nói rằng “Chính Mẹ đã kéo con ra khỏi thế gian mà đưa con vào hàng giáo sĩ”.

Khi còn là linh mục trẻ, ngài là thành viên của “Hội thân hữu Santa Maria sucurre miseris” – giúp đỡ những người khốn khổ. Trong khoảng thời gian 1729-1730, ngài đến một đền thánh nhỏ Santa Maria dei Monti tại Scala. Tại đây, một tay ngài cầm bức tranh Đức Mẹ với Hài Nhi để suy nghĩ về các mầu nhiệm cứu độ, một tay ngài cầm cuốn Thánh Kinh. Cũng tại đây ngài nhận được cảm hứng về công cuộc thừa sai của mình.

Tất nhiên, chúng ta cũng biết đến nhiều kinh nghiệm khác thường của ngài với Đức Maria – những điều đã trở thành dấu ấn của cuộc đời ngài như những lần hiện ra của Đức Maria, những lời Mẹ phán trong hang động tại Scala; kinh nghiệm tại Foggia, Amalfi, Castel S.Giorgio, Arienzo và rất nhiều nơi khác.

Năm 1762, khi đến Rôma để được tấn phong giám mục, ngài đã hành hương đến Loreto – là chuyến hành hương duy nhất mà ngài đã thực hiện, như chúng ta đã biết.

Năm 1787, khi đang hấp hối tại Pagani, hai tay ngài cầm bức ảnh Đức Maria. Đến khi kinh Truyền tin vang lên, ngài trút hơi thở cuối cùng.

Chúng ta thấy rõ tình yêu mà thánh Anphongsô dành cho Đức Maria, Mẹ của Đức Giêsu. Mẹ hằng hiện diện trong cuộc đời ngài. Ngài coi Mẹ là người mẹ của mình. Nếu cần thêm bằng chứng về mối tương quan đó, chúng ta chỉ cần nói đến những bài viết của ngài về Đức Maria cũng như những lời cầu nguyện, tranh vẽ, bài hát của ngài.

Nhưng tình yêu của ngài đối với Đức Maria luôn luôn đặt trong sự nhấn mạnh vào Đức Giêsu Kitô như là trung tâm tuyệt đối của đời ngài. Ngài tin và làm chứng rằng không có một thần học hay linh đạo nào về Đức Maria mà lại xa rời khỏi Kitô học. Đức Giêsu đứng ở vị trí trung tâm, và nhờ đó mà sự sùng kính Đức Maria tìm được ý nghĩa của mình.

Michael Brehl CSsR – Bề trên Tổng quyền Dòng Chúa Cứu Thế

P.B. chuyển ngữ

(còn nữa)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết