Trong một lần chia sẻ với anh em trẻ, cha Vũ Khởi Phụng có căn dặn chúng tôi: “Anh em hãy trở nên những nhà trí thức bình dân của người dân nghèo.” Ngài giải thích: “Để trở thành trí thức thì dễ thôi, các anh cứ học cho nhiều, gom cho đầy kiến thức, thu được nhiều bằng cấp. Nhưng để trở thành những nhà trí thức bình dân mới khó hơn gấp bội. Mình ăn học, hiểu rộng biết nhiều nhưng phải nói năng làm sao để bác nông dân, để anh xe ôm, để cô bán rau cũng hiểu, cũng cảm, cũng thấm được Tin Mừng mới khó.”
Tôi nghĩ chắc là cha đã rút ra được điều tâm đắc này từ chính cuộc đời của Đấng Sáng Lập là Thánh Anphongsô. Tôi thấy suy đoán này có lý vì hai lý do:
Trước hết, Thánh Anphongsô là một nhà trí thức lớn. Điều này có thể thấy rõ qua cuộc đời và các tác phẩm của ngài. Mới 16 tuổi, Anphongsô lấy bằng tiến sĩ giáo luật và dân luật của Ðại Học Naples. Suốt cả cuộc đời, ngài miệt mài trong công việc viết lách. Ngài viết đa dạng thể loại, từ những cuốn thần học tranh luận nóng hổi tính thời sự cho đến những cuốn sách dẫn đàng thiêng liêng ướp nồng tình mến. Nhìn vào số lượng đầu sách với hơn 111 tác phẩm kinh điển xuất bản liên tục và được dịch ra trên 70 thứ tiếng, người ta không khỏi thán phục trước sức lao động tri thức của ngài. Sau này, để vinh danh và tri ân những đóng góp lớn lao của ngài, Hội Thánh đã tôn phong ngài lên bậc Tiến sĩ Hội Thánh. Danh hiệu Tiến Sĩ Hội Thánh khác hẳn với học vị tiến sĩ thường được trao cho một nghiên cứu sinh khi họ đạt được một trình độ chuyên môn cao trong một chuyên ngành nghiên cứu. Trong Giáo Hội, danh xưng Tiến Sĩ Hội Thánh bắt nguồn từ tiếng Latinh “docere”, có nghĩa là dạy dỗ. Danh hiệu này được dành riêng cho những vị thánh có một đời sống thánh thiện nổi bật, có các tác phẩm và các bài viết ảnh hưởng lớn trong việc bảo vệ chân lý đức tin. Đời sống và các bài viết của các vị thánh này góp phần quan trọng trong đời sống Giáo Hội, trong việc bảo vệ chân lý đức tin và chỉ ra những con đường nên thánh đáng cho mọi người trong Giáo Hội noi theo.
Quan trọng hơn, Anphongsô không để cho cái sự học khiến mình trở nên con người khoa bảng khô cứng giáo điều, chỉ biết đến sách vở mà lãng quên hiện thực cuộc sống. Ở thời thánh Anphongsô người ta chuộng lối giảng thuyết kiểu hùng biện khoa trương, ngôn từ hoa mỹ. Anphongsô đã có sự canh tân mục vụ lớn lao khi ngài chủ chương lời rao giảng phải được thực hiện bằng sự giản dị dễ hiểu, và thay thế sự khắc nghiệt của thuyết Jansen bằng sự nhân từ. Người ta kể lại có lần ngài đã nổi trận lôi thiên khi thấy một cha trẻ mới chịu chức đang đứng trên bục giảng thao thao những lời lẽ nghe thì thấy cao sang nhưng lại khó hiểu đối với tầng lớp bình dân. Khi làm giám mục địa phận Agatha, ngài xin các linh mục hãy giảng các bài thật đơn sơ để dân chúng dễ nắm bắt và dễ đem ra thực hành, ngài nói: “Tôi chưa khi nào giảng một bài mà người bình dân nhất trong nhà thờ không thể hiểu được!” Dưới cái nhìn của Thánh Anphongsô, các tu sỹ Dòng Chúa Cứu thế phải là những chuyên viên của sự hoán cải. Lời giảng mà không đánh động, không lay chuyển lòng người, không giúp người ta trở lại đường lành thì liệu có ích chi? Mà muốn được như vậy thì tiên quyết là phải giảng làm sao để người ta hiểu trước đã. Như thế, càng đơn giản, càng có sức lay động lòng người thì càng tốt.
Viết như thế người viết không có ý muốn nói: Dòng Chúa Cứu Thế chỉ giảng cho những người miền quê hay người thất học. Trái lại, các tu sỹ của Dòng phải có khả năng đối thoại với mọi tầng lớp, trí thức cũng như bình dân. Bằng chứng là Thánh Clemente đã làm điều đó. Cả cuộc đời ngài làm việc ở nơi thành phố, nhưng cái chất thông thái, cái chất bình dân đậm nét Anphongsô thì không lẫn vào đâu được.
Như vậy, lí tưởng của một tu sỹ Dòng Chúa Cứu Thế phải là một nhà trí thức bình dân cho mọi tầng lớp xã hội, đặc biệt là người nghèo. Có người ví von thế này: Một cha Dòng Chúa Cứu Thế chính là một Cha Dòng Tên của người thôn quê. Dù biết mọi sự so sánh đều khập khiễng, nhưng câu nói ví von ấy cũng đủ toát lên cái chất bình dân mà mọi tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế cần mang trong mình.
Muốn bình dân thì phải hiểu cuộc đời và phải biết cảm thông sự mong manh của phận người. Một cha trong nhà Dòng truyền lại kinh nghiệm cho chúng tôi như thế này: “Trên bàn của anh em lúc nào cũng phải có cuốn Kinh Thánh và tờ nhật báo để biết tin tức hằng ngày.” Đọc Kinh Thánh để hiểu về Chúa và đọc báo để hiểu về những vấn đề trong xã hội đang ảnh hưởng đến người dân.
Hôm nay là ngày mừng lễ Thánh Tổ lập Dòng, chúng ta cùng cầu nguyện cho các Tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế noi gương Thánh Anphongsô, hướng tới những anh chị em yếu đuối của xã hội chúng ta, không được sợ hãi trong việc tiếp thu tiếng kêu của những người nhỏ bé nhất và biến nó thành của riêng mình. Bảo vệ phẩm giá của những người yếu đuối là một bổn phận luân lý không thể trốn tránh hay trì hoãn. Amen.
Duc Trung Vu, CSsR