Thánh Anphongsô Maria Ligôri (1696-1787) sinh trưởng trong một gia đình đại quý tộc tại vương quốc Napôli, và chính ngài từng là một luật gia danh giá bậc nhất đương thời. Trong Giáo Hội, ngài là một vị giám mục nổi tiếng, và sau khi ngài từ trần, Giáo Hội đã tôn phong ngài là Tiến Sĩ Hội Thánh, Bổn Mạng các nhà thần học luân lý và các cha giải tội.
Nhưng đồng thời ngài cũng nổi tiếng là một vị thánh của người nghèo. Đời sống, linh đạo và hoạt động vĩ đại của ngài là một bản trường ca tuyệt mỹ củaTin mừng cho những người bị bỏ rơi trong xã hội và Giáo Hội.
Sinh trưởng và được đào tạo trong môi trường quý tộc Napôli thượng bán thế kỷ XVIII, là môi trường của những người vốn luôn chú trọng vận dụng mọi phương thế có thể có về mọi phương diện để bảo vệ những đặc quyền quý tộc và tránh xa đám bình dân bị coi là hạ đẳng, xem ra Anphongsô không được chuẩn bị gì cho việc dấn thân loan báo Tin mừng cho các tầng lớp dân chúng hạ cấp trong xã hội bấy giờ. Tất cả những đặc điểm của môi trường quý tộc đó đã in đậm dấu ấn trong tính cách của Thánh Anphongsô, đơn giản vì ngài đã được sinh ra và được giáo dục trong môi trường ấy. Điều này không làm giảm thiểu tính cách thừa sai cho những con người bị bỏ rơi của ngài, trái lại còn là bằng chứng của sức mạnh phi thường của Tin mừng cứu độ và là bằng chứng cho thấy tính cách thuộc về dân nghèo trong đời sống, trong tư tưởng thần học và hoạt động thừa sai của ngài không phải chỉ là một thực tại thuộc bình diện xã hội học thần tuý. Chính Chúa Kitô Cứu Thế đã làm nên trong Giáo hội và thế giới một Anphongsô tông đồ của những người bị gạt sang bên lề xã hội và Giáo hội. Những cuốn tiểu sử đầy đủ của Thánh Nhân cho thấy rất rõ điều ấy. Bài viết nhỏ này không nhắm mục đích trình bày đầy đủ tiểu sử của Cha Thánh, mà chỉ xin dừng lại suy nghĩ vắn gọn về một vài điểm làm nên dung mạo thừa sai dân nghèo rất vĩ đại của ngài.
Một trong những biến cố quan trọng nhất của cuộc đời Thánh Anphongsô là cuộc “trở lại” của ngài vào mùa hè năm 1723. Kinh nghiệm cay đắng về pháp đình đã cho ngài thấy rõ tính cách và bộ mặt thật sự của cái gọi là công lý của thế gian này, nhưng đồng thời lại cũng đưa ngài đến chỗ nhận ra: chỉ một mình Đức Kitô và Tin mừng của Người mới có thể làm nên ý nghĩa và cung cấp nền tảng thực sự cho những giá trị cao quý mà ngài đeo đuổi. Rồi chính trong khi ngài đang lao mình phục vụ những người bị bỏ rơi tại “Bệnh viện của những bệnh nhân vô phương chữa trị”, ân huệ thần linh đã “giác ngộ” ngài. Ngài quyết định rằng cuộc đời ngài từ nay chỉ có một mục đích là Tin mừng cứu độ, và lập tức ngài hướng về sứ vụ linh mục là sứ vụ phục vụ sự thật và ơn giảng hoà. Rồi một cách hoàn toàn tự nhiên, lòng trung thành với Đức Kitô và Tin mừng của Người đã đưa vị linh mục tài ba Anphongsô hướng về đám đông dân chúng nghèo khổ và bị bỏ rơi đang cần sự thật cứu độ và lòng xót thương từ ái của Đức Chúa Trời. Ngài lao mình phục vụ những người bị bỏ rơi và thành lập Dòng Chúa Cứu Thế (năm 1732) để loan báo Tin Mừng cho những người bị bỏ rơi hơn cả ấy. Ngài viết sách, ngài soạn nhạc, ngài rao giảng, ngài làm mọi việc … để loan báo Tin mừng cho những lớp người bị xã hội và các cơ chế của Giáo hội đương thời đẩy sang bên lề cuộc đời.
Không chỉ dấn thân loan báo Tin mừng cứu độ cho những người nghèo, những người bị bỏ rơi, Thánh Anphongsô còn để cho mình được Tin mừng hoá nhờ những người nghèo, nhờ những người bị bỏ rơi, bị gạt ra bên lề xã hội và Giáo hội. Và chính điều này đã làm cho ngài trở nên vị thánh vĩ đại. Thái độ khiêm nhường mở ra đón nhận và lắng nghe người nghèo đã là mảnh đất rất tốt để ơn sủng thần linh trổ sinh những hoa trái thánh thiện tuyệt vời.
Chúng ta hãy nhìn lại một cách vắn gọn nền đào tạo thần học và mục vụ mà Thánh Anphongsô đã được hưởng. Đó là một nền thần học coi luật lệ “nặng cân” hơn sự tự do, đến độ trong những trường hợp nghi nan, luôn luôn tiếng nói quyết định cuối cùng phải là tiếng nói của luật lệ. Đó là trào lưu rao giảng coi sợ hãi là nền tảng của ăn năn hối cải, nên chẳng ngại đe nẹt và dọa nạt, đặc biệt đối với người nghèo. Đó là một nền mục vụ nghiêm khắc, nhất là trong phạm vi mục vụ bí tích liên quan đến các bí tích giao hoà và Thánh Thể, mà kết quả “bình thường” là tước mất của tín hữu khả năng và cơ hội lãnh nhận các bí tích cứu độ. Thánh Anphongsô đã được đào tạo trong môi trường đó. Cùng với nguồn gốc và nền đào tạo quý tộc trước đây, môi trường đào tạo về thần học và mục vụ như vậy có thể thành công trong việc chặn lối Anphongsô trở thành một vị thánh của người nghèo và của lòng nhân lành thương xót của Đức Chúa Trời. Nhưng chính ân sủng, lòng yêu mến và những hoạt động không mệt mỏi “loan báo Tin mừng cho người nghèo và để cho người nghèo loan báo Tin mừng cho mình”, đã làm cho Thánh Anphongsô trở thành một thánh nhân vĩ đại.
Thực tế công cuộc loan báo Tin mừng cho người nghèo đã làm cho tâm hồn tế nhị và đầy lòng yêu mến của Thánh Anphongsô chuyển từ chỗ là đồ đệ nhiệt thành của probabiliorisme đến chỗ nhận ra rằng một luật không chắc chắn không thể đưa đến một đòi buộc chắc chắn, như chính ngài đã viết năm 1764 (xem Apologie e confutazioni, I, Monza 1831, 111-112). Cũng chính thực tế tông đồ từ những cuộc đại phúc cho giới bình dân nghèo khổ đã làm cho Thánh Nhân có thể đúc kết: “Cần phải ý thức rõ ràng rằng sự ăn năn hối cải được làm chỉ dựa trên nỗi sợ hãi bị Chúa phạt, sẽ không kéo dài bao lâu… Nếu người ta không có trong tâm lòng mình chính tình yêu thánh thiện của Đức Chúa Trời, người ta sẽ khó có thể bền đỗ…” (Opere, III, Torino 1847, 288). Và “tôi biết rằng các thiên thần cũng không xứng đáng rước Thánh Thể Chúa tôi, nhưng Đức Giêsu Kitô đã làm cho con người được xứng đáng với ơn cực trọng ấy để cứu con người khỏi trầm luân. Tất cả mọi sự thiện hảo mà ta có được đều là từ Bí Tích này: thiếu sự trợ giúp này, tất cả sẽ là đống hoang tàn.”
Nhưng có lẽ điều đáng giá nhất mà Thánh Anphongsô đã đạt được sau những năm tháng nhiệt thành loan báo Tin mừng cho người nghèo và khiêm nhường để mình được Tin mừng hoá nhờ người nghèo, chính là sự ngày càng chín muồi trong sự “giác ngộ” về dung mạo đích thực của Thiên Chúa nhân lành đầy lòng thương xót, được tỏ lộ trọn vẹn nơi mầu nhiệm thập giá của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Thiên Chúa là Đấng đầy lòng xót thương. Đó không chỉ là một nhận thức thuộc phạm vi lý trí, mà là từ những kinh nghiệm cụ thể của vị thừa sai vĩ đại của dân nghèo. Cũng từ chính những kinh nghiệm mục vụ cho những người bị bỏ rơi hơn cả, Thánh Nhân càng ngày càng yêu mến Đức Thánh Trinh Nữ dưới tước hiệu là Mẹ của lòng thương xót. Tất cả lại tập chú trên lòng xót thương của Đức Chúa Trời đối với con người, nhất là đối với những con người bị bỏ rơi bên lề xã hội và Giáo hội.
Những xác tín và kinh nghiệm đó đã làm cho Thánh Nhân có một niềm tin tưởng mãnh liệt vào phẩm giá cao cả của con người và khả năng của con người có thể đạt đến sự hoàn thiện viên mãn. Tính cách bình dân của các hoạt động mục vụ và tấm lòng yêu mến những con người cô thân tất bạt của Cha Thánh Anphongsô, vì vậy, luôn bao hàm một lòng kính trọng sâu xa đối với họ. Thực ra, có lẽ sẽ không khó khăn gì khi người ta ngồi trong những thư viện cao sang tại những tu viện đầy đủ tiện nghi và bàn luận về phẩm giá con người và về khả năng con người có thể nên thành toàn. Nhưng với một người vốn xuất thân là một nhà quý tộc thượng bán thế kỷ XVIII, hàng ngày lại phải tiếp cận với tình trạng bi đát, bất hạnh, ngu dốt, nghèo đói, rách rưới, bệnh tật … của những con người bị bỏ rơi trong sự bất công thảm hại và sự khốn cùng toàn diện, thì niềm tin tưởng mãnh liệt vào sự cao quý về phẩm giá của những người bị coi là hạng mạt rệp trong xã hội và vào khả năng họ có thể đạt tới sự hoàn thiện viên mãn, phải kể là vô cùng khó có thể có được. Với Thánh Anphongsô thì khác, bởi ngài luôn nhìn mọi sự trong cái nhìn “copiosa redemptio – ơn cứu độ chan chứa”. Ngài nhìn thấy trong sự yếu đuối của những con người bị bỏ mặc cho sự nghèo đói, thiếu thốn và bất hạnh trong xã hội và Giáo hội, một chiều kích hoàn toàn khác. Bởi vì Chúa Cứu Thế đã đảm nhận lấy thân phận yếu đuối của con người, nên sự mỏng giòn yếu đuối lại trở nên thực tại để thông cảm, để chia sẻ, để giúp đỡ, để chữa lành, để vượt thắng. Một sự mỏng giòn yếu đuối, thậm chí là hèn hạ mạt rệp, không những không gây nản lòng, trái lại còn làm cho chúng ta tăng thêm lòng tin tưởng vào Thiên Chúa đầy lòng thương xót và vào con người được Thiên Chúa xót thương yêu mến. Chính trong cái nhìn “copiosa redemptio” như thế về sự hèn hạ, mỏng giòn, yếu đuối của phận người, mà Thánh Anphongsô đã chiến đấu không mỏi mệt cho sự tự do của con người: “Con người được Thiên Chúa nhìn đến, trước hết, trong tư cách là một con người tự do; rồi sau đó luật lệ mới được xét tới” (Theologia moralis, lib. I, tract. I, cap. III, cor. II, n. 75, 50). Một “giác ngộ” như thế về dung mạo nhân lành của Đức Chúa Trời và một cách nhìn như thế về sự yếu đuối phận người, chỉ có thể có được dưới ánh sáng của mầu nhiệm tự hủy đầy lòng xót thương của Đức Kitô.
Xác tín và cách nhìn đó làm cho Thánh Anphongsô hoạt động không ngưng nghỉ vì sự thánh thiện của những con người bị bỏ rơi. Đối với ngài, sự thánh thiện không phải là một đặc quyền đặc lợi chỉ dành cho một số tầng lớp nào đó trong Giáo hội và xã hội. Thiên Chúa muốn mọi người được cứu độ và nên thánh (x. 1Tx 4,3) và mỗi người nên thánh tùy theo địa vị mình: tu sĩ nên thánh trong tư cách tu sĩ, linh mục nên thánh trong tư cách linh mục, người sống bậc vợ chồng nên thánh trong bậc vợ chồng, thương gia nên thánh trong tư cách thương gia, quân nhân nên thánh trong tư cách quân nhân … (xem Yêu mến Chúa Giêsu, chương 8, số 10). Điều quan trọng là lòng yêu mến và sự vâng theo thánh ý Chúa: “Tất cả sự thiện hảo của chúng ta hệ tại ở lòng yêu mến Thiên Chúa rất đáng mến của chúng ta … Và tất cả sự hoàn hảo của lòng yêu mến Chúa hệ tại ở sự kết hiệp ý muốn của chúng ta với ý muốn chí thánh của Người … Nếu chúng ta muốn làm đẹp lòng Người, chúng ta hãy vâng theo thánh ý Người. Vâng theo thánh ý Chúa là làm cho ý muốn của chúng ta phù hợp với ý muốn của Chúa; nhưng còn hơn thế nữa, vâng theo thánh ý Chúa là làm cho ý muốn của chúng ta và ý muốn của Chúa nên một ý muốn duy nhất, đến nỗi chúng ta không còn muốn gì khác nữa nếu không phải là điều Thiên Chúa muốn, và chỉ thánh ý Chúa mới là ý muốn của ta” (Vâng theo thánh ý Chúa, trong Opere ascetiche, I, Roma 1933, 286).
Nhưng không chỉ như thế. Xác tín về lòng xót thương của Thiên Chúa và tin tưởng vào phẩm giá tự do của con người, Thánh Anphongsô có thể tặng cho chúng ta một món quà rất quý báu khác, giúp lương tâm cụ thể hoá sự thật luân lý trong thực tại sinh động của hoàn cảnh sống: “Sẽ là không đúng khi nói rằng luật lệ là chắc chắn, bởi lẽ, thay đổi theo các hoàn cảnh của các nố, luật lệ tỏ ra là đáng ngờ; và vì là không chắc chắn, chúng không luôn luôn bó buộc” (Dell’uso moderato dell’opinione probabile, cap. III, n. 89, Monza 1831, 199). Để hiểu cho đúng lập trường của Thánh Anphongsô được trình bày qua câu trích dẫn trên đây, cần những nghiên cứu nghiêm chỉnh về thần học luân lý, vốn không phải là mục đích của bài viết này. Điều đáng lưu ý ở đây: vấn đề không phải là một lập trường xập xí xập ngầu và coi thường những nỗ lực thiết lập các quy luật luân lý; mà là không quên thực tại của sự yếu đuối mỏng giòn phận người, là trung thành với lôgích của mầu nhiệm tự hủy đầy lòng xót thương của Thiên Chúa và là nhận thức về tính ưu việt của tác động của Chúa Thánh Thần trong lương tâm các cá nhân và trong lịch sử nhân loại.
Vì thế, có thể nói, Thánh Anphongsô là vị thánh của dân nghèo và của những người bị bỏ rơi không chỉ vì ngài đã sử dụng các phương pháp thừa sai bình dân. Dung mạo thánh thiện của ngài được khắc họa trong lịch sử Giáo hội và thế giới dựa trên những nền tảng sâu xa hơn nhiều. Và dung mạo ấy không phải là không có tính thời sự đối với Giáo hội và xã hội hôm nay. Bí quyết sâu xa nhất của tất cả cuộc đời thánh thiện và của muôn vàn những hoạt động tông đồ hữu hiệu của ngài, chính là triệt để tiếp tục và hiện tại hoá mầu nhiệm tự hủy đầy lòng xót thương của chính Chúa Cứu Thế, trong cuộc “bước theo Chúa Cứu Thế loan báo Tin mừng cho những người bị bỏ rơi”. Chiêm ngắm Thánh Anphongsô, chúng ta được mời gọi tiếp tục như Thánh Nhân, bước theo Chúa Cứu Thế loan báo Tin mừng cho người nghèo và để cho người nghèo loan báo Tin mừng cho mình: Evangelizare pauperibus et a pauperibus evangelizari.
Giuse Nguyễn Thể Hiện, C.Ss.R.