Tại Cộng hòa Kazakhstan thuộc Xô viết cũ, nơi mà người Công giáo chỉ chiếm 1% dân số, Giáo hội đang trải nghiệm một cuộc sống mới trong Tháng Truyền giáo Ngoại thường trong tháng Mười.
Cộng đồng Công giáo nhỏ bé ở Kazakhstan đã tận dụng Tháng Truyền giáo Ngoại thường vào tháng 10 để đổi mới tinh thần và làm chứng cho Chúa Kitô bằng cách phục vụ người dân và học hỏi ngôn ngữ chính thức của đất nước này , theo Linh mục Leopold Kropfreiter.
Vị Linh mục người Áo thuộc Dòng Tôi tớ Chúa Giêsu và Đức Mẹ đã trở thành một nhà truyền giáo tại quốc gia cộng hòa lớn nhất thuộc trung tâm châu Á kể từ năm 2008. Hiện tại, Linh mục Leopold Kropfreiter đang phục vụ Tổng giáo phận Astana tại thủ đô Nur-Sultan (trước đây là Astana).
Di sản Liên Xô
Mặc dù là một quốc gia đa số Hồi giáo, nhưng dân số Kitô giáo Kazakhstan đã chứng kiến sự gia tăng trong thế kỷ 19, với việc nhiều người Ba Lan, Litva, Bêlarut, Ukraina và Nga bị trục xuất đến thảo nguyên Kazakhstan dưới thời Nga hoàng.
Dưới chế độ Xô Viết, chủ nghĩa vô thần trở thành hệ tư tưởng và học thuyết chính thức của nhà nước và việc loại bỏ tôn giáo hiện có đã trở thành mục tiêu của nó. Điều này đã làm gia tăng một làn sóng mới của các Kitô hữu đến Kazakhstan với hàng trăm ngàn người bị trục xuất đến các trại lao động Liên Xô dưới thời Stalin trong những năm 1930 và 1940.
Sau khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991, một số lượng lớn những người bị trục xuất trở về quê hương và đất nước cũng như nhà cửa của họ. Ít nhất bốn triệu người di cư. Trong số này, 500 nghìn người là Công giáo, theo Đức Tổng Giám mục Tomasz Peta Địa phận Astana.
Trong khi dân số Kitô giáo dần cạn kiệt, dân số Hồi giáo đã gia tăng gần gấp đôi trong vòng 30 năm qua.
Ngày nay, hơn 70% dân số khoảng 18 triệu người tại nước này tuyên xưng đạo Hồi. Các Kitô hữu đứng tiếp theo với tỉ lệ hơn 26 phần trăm, chủ yếu là các Kitô hữu Chính thống Nga. Theo sau đó là các tín đồ Phật giáo và các nhóm khác.
Người Công giáo chỉ chiếm 1% dân số đất nước, chủ yếu là những người gốc Ba Lan, Đức và Litva.
Tháng Truyền giáo – một cuộc sống mới
Theo Cha Kropfreiter, cộng đồng Công giáo địa phương hiện đang trải nghiệm một cuộc sống mới, tái khám phá đời sống của các Thánh cũng như truyền thống văn hóa của đất nước, mà qua đó các nhà truyền giáo được mời gọi để tìm hiểu nếu như họ muốn đánh động đến “trái tim của người dân”. Vì lý do này, Linh mục Kropfreiter với AsiaNews, Tháng Truyền giáo Ngoại thượng đặc biệt rất quan trọng đối với Giáo hội tại quốc gia cộng hòa trung tâm châu Á rộng lớn này.
Hướng tới Tháng Truyền giáo Ngoại thường, Linh mục Kropfreiter cho biết, Giáo hội tại Kazakhstan đã hết sức chú trọng đến bốn khía cạnh mà ĐTC Phanxicô đã đề nghị: cuộc gặp gỡ cá nhân với Chúa Giêsu Kitô trong Giáo hội của Ngài, chứng ngôn truyền giáo, việc đào tạo cho công cuộc truyền giáo và tinh thần bác ái truyền giáo.
Nói ngôn ngữ của họ
Ngôn ngữ chính thức của Kazakhstan là tiếng Kazakh và tiếng Nga, và theo truyền thống tiếng Nga vẫn được sử dụng làm ngôn ngữ phụng vụ.
Từ đầu Tháng Truyền giáo Thế giới, Linh mục Kropfreiter cho biết, các khóa học tại Kazakhstan, bắt buộc đối với các nhà truyền giáo, đã được cung cấp trên khắp Tổng giáo phận Astana. Theo Ngài, đó chính là một cách thức nhằm thúc đẩy một cuộc đối thoại chuyên sâu hơn và tiếp xúc gần gũi hơn với người dân Kazakhstan, với dân số khoảng 12 triệu người, chiếm đại đa số trong tổng số 18 triệu người của Kazakhstan. Người Công giáo hy vọng sẽ cảm hóa được tâm hồn của mọi người dân bằng cách nói chuyện trực tiếp với họ bằng ngôn ngữ của họ.
Thánh Têrêsa – một mẫu gương truyền giáo
Một trong những điểm nổi bật của Tháng Truyền giáo Thế giới, Linh mục Kropfreiter cho biết, đó chính là cuộc hành hương truyền giáo đến Đền thờ kính Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu tại Pavlodar, nằm ở phía đông bắc của đất nước.
Năm 1927, Đức Giáo hoàng Piô XI đã tuyên phong Thánh Têrêsa là đồng Quan Thầy của việc Truyền giáo cùng với Thánh Phanxicô Xavie.
Cha Kropfreiter cho biết các điểm dừng chân tại Ekibastuz và Shalbakti mang đến cơ hội tuyệt vời cho những người hành hương để được tiếp xúc với rất nhiều nhà truyền giáo và những người Công giáo mà những câu chuyện về cuộc đời và những lời chứng của họ quả thực là một nguồn cảm hứng tuyệt vời.
Cuộc hành hương kết thúc bằng Thánh lễ do Đức Tổng Giám mục Tomasz Peta Địa phận Astana cử hành. Một sự kiện văn hóa đầy màu sắc theo sau với việc những người Kazakhstan, người Nga, người Ukraine, người Đức và người Ba Lan trình diễn những bài hát dân gian trong trang phục truyền thống của họ. Đối với Cha Kropfreiter, đó chính là một minh chứng cho tính phổ quát và tính công giáo của Giáo hội.
Nhiệm vụ quan trọng tiếp theo của các tín hữu Công giáo Kazakhstan, linh mục Kropfreiter nói, sẽ chính là việc mời mọi người, thậm chí ngay cả với các tín đồ Hồi giáo, theo cách cởi mở và can đảm hơn, trở nên thân thuộc hơn với Giáo hội của Chúa Kitô.
Giáo hội Kazakhstan
Dưới sự cai trị của Liên Xô, các Kitô hữu giữ cho đức tin của họ sống động, bí mật tập trung tại nhà của họ để cầu nguyện. Theo lời của Đức Tổng Giám mục Peta, “Trong những năm cai trị của Liên Xô, khi các tín hữu Công giáo bị buộc phải sống mà không có nhà thờ, linh mục và các Bí tích, người Công giáo đã hình nên một hình thức của “Bí tích thứ tám”: Kinh Mân côi. Điều duy nhất họ có thể làm trong cuộc đàn áp Liên Xô đó chính là việc rửa tội cho con cái và lần chuỗi Mân côi. “Trong một số cách thức, Kinh Mân côi thay thế việc thiếu các vị Mục tử”.
Năm 1978, chính phủ nới lỏng các quy tắc và mọi người bắt đầu tuyên xưng đức tin của họ một cách cởi mở hơn. Sau sự sụp đổ của Liên Xô, Giáo Hội Công Giáo ở Kazakhstan đã được phục hồi và người Công giáo cảm thấy được tự do thờ phượng cách công khai.
Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã thành lập Đại Diện Tông Tòa Kazakhstan vào ngày 13 tháng 4 năm 1991, bao gồm toàn bộ Trung Á. Quan hệ ngoại giao giữa Tòa thánh và Kazakhstan được thiết lập vào năm 1994.
Năm 1997, bốn phái bộ “sui iuris” Uzbekistan, Tajikistan, Turkmenistan và Kyrgyzstan đã được thiết lập.
Năm 1999, Đại Diện Tông Tòa Kazakhstan được chia thành ba Hạt Đại Diện Tông Tòa mới: Astana, Almaty và Atyrau và Giáo phận Karaganda.
Giáo hội tái sinh Kazakhstan đã nhận được một sự thúc đẩy rất cần thiết với chuyến viếng thăm của Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II vào tháng 9 năm 2001. Theo Đức Tổng Giám mục Peta, chuyến viếng thăm đã cho thế giới thấy một Giáo hội sống động tại Kazakhstan, với khoảng 40 nghìn người tham dự Thánh lễ do Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II chủ sự.
“Không thêu dệt quá sự thật, tôi có thể nói rằng chuyến viếng thăm của Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã mở ra một chương mới trong lịch sử của Giáo hội chúng ta. Kể từ thời điểm đó, cứ ba năm một lần, Đại hội bao gồm các vị đại diện tôn giáo của tất cả các tín ngưỡng đã được tổ chức tại thủ đô”.
Chuyến viếng thăm của Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II cũng là một dịp để nâng ngôi Thánh đường Nữ Vương Hòa bình, tại làng Ozyornoye, lên hàng Đền thờ Quốc gia.
Các cuộc Đại hội Giới trẻ đã được tổ chức kể từ năm 1999 bên cạnh cây Thánh giá cao trên đỉnh đồi ở Ozyornoye. Theo Đức Tổng Giám mục Peta, các cuộc Đại hội Giới trẻ giúp đào sâu đức tin Kitô giáo của những người trẻ tuổi và suy ngẫm về tương lai của họ, về vấn đề hôn nhân và gia đình.
Đền thờ Thánh Mẫu, Đức Tổng Giám mục Peta nói, phản ánh một đặc tính mạnh mẽ của Giáo hội Kazakhstan, cụ thể là, lòng sùng mộ Bí Tích Thánh Thể mạnh mẽ cũng như lòng sùng kính đặc biệt đối với Đức Trinh Nữ Maria.
Cây Thánh giá với dòng chữ bày tỏ lòng tôn kính đối với các vị anh hùng Tử đạo và các nạn nhân của cuộc đàn áp của Liên Xô. Ngày nay, Đức Tổng Giám mục Peta cho biết, “Kazakhstan là một quốc gia được chúc phúc, có lẽ nhờ vào dòng máu đó và những giọt nước mắt của hàng triệu Anh hùng Tử đạo”. Ngài cho biết rằng Giáo hội nhìn về tương lai với tràn trề niềm hy vọng. (Nguồn: AsiaNews)
Minh Tuệ (theo Vatican News)