Thần học gia Sylvain Brison: 'Gìn giữ sự hiệp nhất là nghĩa vụ của mọi Kitô hữu'

Giáo hoàng Francis tin rằng những tiếng nói bất hòa có chỗ đứng trong Giáo hội và cảnh báo chống lại những cuộc đối thoại ngoài vòng pháp luật về các vấn đề gây tranh cãi. (Ảnh của Alessandra Benedetti - Corbis / Corbis qua Getty Images)

ĐTC Phanxicô tin rằng những tiếng nói bất hòa có có vị thếcủa họ trong Giáo hội và đồng thời cảnh báo chống lại những cuộc đàm luận về các vấn đề gây tranh cãi (Ảnh: Alessandra Benedetti)

Thần học gia người Pháp giải thích những bình luận của ĐTC Phanxicô về sự ly giáo trong Giáo hội.

Linh mục Sylvain Brison, một nhà Giáo hội học, Trợ lý giáo sư tại Khoa Thần học của Học Viện Công giáo Paris, thảo luận về việc đâu là một sự ly giáo đối với Thần học Công giáo.

Điều mà mọi Kitô hữu cần phải bảo về và gìn giữ, theo Linh mục Brison, đó là sự hiệp thông của Giáo hội; điều đó không có nghĩa là sự đồng nhất mà là việc sống với sự khác biệt.

La Croix: Có phải chúng ta phạm tội ly giáo khi chúng ta chỉ trích Đức Giáo hoàng hay khi một người viết thư cho Đức Giáo hoàng về những điểm hồ nghi của họ, như bốn vị Hồng y đã làm sau Thượng Hội đồng Giám mục về Gia đình?

Linh mục Sylvain Brison: Trong cuộc họp báo được đưa ra trên chuyến bay trở về từ Madagascar, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhắc nhở chúng ta một cách rõ ràng rằng sự ly giáo là một sự công kích nhắm vào sự hiệp nhất của Dân Chúa, chứ không phải là hàng Giáo phẩm của họ.

Người ta có thể chỉ trích Đức Giáo hoàng và những hành động của Ngài: không có tư tưởng đơn lẻ nào trong Giáo hội. Bất cứ ai nói rằng Đức Giáo hoàng là “người theo chủ nghĩa cộng sản” thì không hẳn nói về sự ly giáo. Điều này bao gồm những vị Hồng y đã bày tỏ những điểm hồ nghi của họ với ĐTC Phanxicô, miễn là họ vẫn tiếp tục trung thành với Ngài trong một cuộc đối thoại cởi mở.

Sự hiệp thông không có nghĩa là “sự đồng nhất”. Là những người Kitô hữu, chúng ta có những cách thế khác nhau để tìm cách sống Tin Mừng, với những đặc sủng và quà tặng khác nhau. Đúng hơn, sự hiệp thông chính là cách thể hiện sự khác biệt của chúng ta một cách hài hòa.

Thế nào là một sự ly giáo trong thần học Công giáo?

Ly giáo chính là một sự đoạn tuyệt sự hiệp thông với Giáo hội. Định nghĩa này vừa đơn giản nhất và vừa truyền thống nhất.

Các Giáo phụ, những người đã phải đối mặt với vấn đề này từ rất sớm, đặc biệt nhạy cảm đối với những sự rạn nứt sự hiệp thông trong nội dung đức tin.

Vào thời của họ, mọi sự ly giáo đều là dị giáo và mọi sự dị giáo cũng đều là ly giáo. Điều này là bởi vì sự hiệp nhất của Giáo hội được dựa trên sự hiệp nhất của đức tin chứ không phải là sự hiệp nhất của việc thực hành. Tất cả mọi tín hữu Công giáo đều xác tín điều tương tự nhưng không phải tất cả họ đều thực hành theo cùng một cách thức ở mọi nơi.

Vậy khi nào thì sự hiệp thông tan vỡ?

Trong lịch sử của Giáo hội, những sự ly giáo đáng kể đó là những rạn nứt trong sự hiệp thông của Giáo hội liên quan đến các vấn đề về Đức tin: về Mầu Nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, về Thiên tính và Nhân tính của Chúa Kitô.

Một sự ly giáo có thể liên quan đến bản chất của Giáo hội, ngay khi sự mâu thuẫn đề cập đến kho tàng đức tin.

Chẳng hạn, những người ủng hộ Tổng Giám mục Marcel Lefebvre, đã tạo ra một sự ly giáo bằng cách từ chối công nhận thẩm quyền Giáo huấn của Công đồng Vatican II và thẩm quyền của Đức Giáo hoàng về việc bổ nhiệm các Giám mục.

Điều này đã được chứng minh vào năm 1988 khi Đức Tổng Giám mục Lefebvre phong chức cho 4 Giám mục mà không có sự ủy nhiệm của Đức Giáo hoàng.

Khi nào thì những lời chỉ trích nguy hiểm cho Giáo hội?

Vấn đề phát sinh khi chúng làm suy yếu sự hiệp nhất của Dân Chúa và do đó làm suy yếu đời sống đức tin.

Nói cách khác, việc liên tục và hết lần này đến lần khác đặt vấn đề về thẩm quyền của Đức Giáo hoàng và cáo buộc Ngài dị giáo có thể dẫn đến một sự ly giáo. Về cơ bản, và như ĐTC Phanxicô đã nói, vấn đề không phải là quá nhiều sự chỉ trích cũng như thái độ đằng sau nó: đó là về việc xây dựng sự hiệp nhất hay gây ra sự chia rẽ?

Ngày nay, chắc chắn có những sự khác biệt về Giáo lý, kỷ luật và ý thức hệ giữa Đức Giáo hoàng và các dòng chảy Công giáo nhất định – Mỹ, Đức và những quốc gia khác.

Những khác biệt này là bình thường và chúng ta không xem xét việc có một sự ly giáo ngay khi một nhóm tham gia vào việc phản kháng chống lại Đức Giáo hoàng – trái lại, đã có nhiều sự khác biệt trong lịch sử của Giáo hội! Điều không còn bình thường là khi những khác biệt này mâu thuẫn đến mức đe dọa sự hiệp nhất trong một sự từ chối trực diện.

Liệu có thể có những sự ly giáo ‘thầm lặng’, như ĐTC Phanxicô đã ám chỉ?

Một số người tự gạt mình ra khỏi sự hiệp thông của Giáo hội bởi vì họ không còn tự nhìn nhận mình trong một hình thức biểu lộ đức tin nhất định.

Đó không phải là một hành động có tổ chức chống lại sự hiệp nhất, nhưng đồng thời, nó là một sự tấn công nhằm vào sự hiệp thông trong Giáo hội.

Nhiệm vụ của Đức Giáo hoàng và cũng như là của tất cả mọi Kitô hữu đó là gìn giữ sự hiệp nhất của đức tin, bất kể giá nào, bởi vì chúng ta tin rằng không có sự cứu rỗi ngoài sự hiệp thông của Giáo hội. Một sự ly giáo, vì thế, luôn luôn là một thất bại, ở cả hai phía.

Minh Tuệ chuyển ngữ theo La Croix

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết