Triều đại Giáo hoàng của Đức Thánh Cha Lêô XIV có thể mang lại một động lực mới cho sứ mạng loan báo Tin Mừng của Giáo hội trong thế giới hôm nay, thần học gia và triết gia George Weigel nhận định trong tuần này.
Tiến sĩ Weigel đã có buổi thuyết trình công khai hôm thứ Tư tại Đại học Giáo hoàng Thánh Tôma Aquinô ở Rôma – còn được biết đến với tên gọi Angelicum – với chủ đề “10 dấu chỉ của một Giáo hội ‘Luôn trong tình trạng truyền giáo’”. Bài thuyết trình nhấn mạnh các tiêu chí như: tình thân hữu với Chúa Kitô, chấp nhận thẩm quyền của mặc khải thần linh, các Bí tích, lời mời gọi hoán cải liên lỉ và “hình thức đời sống Công giáo lấy phụng vụ làm trung tâm”.
Trong bài thuyết trình, thần học gia người Mỹ bày tỏ hy vọng rằng “cuộc canh tân Công giáo đích thực” được khởi xướng bởi Đức Giáo hoàng Lêô XIII vào cuối thế kỷ XIX sẽ được “đẩy mạnh hơn nữa” dưới triều đại Giáo hoàng của Đức Thánh Cha Lêô XIV, người sẽ cử hành Thánh lễ khai mạc sứ vụ Phêrô vào Chúa nhật, ngày 18 tháng 5.
“Đức Thánh Cha Lêô XIV đã nhấn mạnh lời kêu gọi truyền giáo đó khi trình diện trước Giáo hội và thế giới vào tối thứ Năm tuần trước khi ngài kêu gọi Giáo hội hãy trung thành với Chúa Giêsu Kitô mà không sợ hãi”, Tiến sĩ Weigel nói, khi suy niệm về phép lành “Urbi et Orbi” đầu tiên của Đức tân Giáo hoàng.
Theo Tiến sĩ Weigel, Đức Thánh Cha Lêô XIV là một “nhân vật hoàn toàn mang tính quyết định”, người có khả năng, qua chính triều đại Giáo hoàng của mình, hiện thực hóa tầm nhìn của Đức Giáo hoàng Lêô XIII về Giáo hội như là một “thiết chế tuyệt hảo thúc đẩy và bảo vệ các quyền con người cơ bản” trong xã hội.
Liên hệ đến Thông điệp Rerum Novarum của Đức Giáo hoàng Lêô XIII – một văn kiện then chốt của Tòa Thánh đặt nền tảng cho Học thuyết xã hội Công giáo, được công bố vào ngày 15 tháng 5 năm 1891 – Tiến sĩ Weigel khẳng định rằng “chỉ có Chúa Kitô”, qua Giáo hội, mới có thể trở thành một sức mạnh chủ tâm hướng đến những điều thiện hảo và nhân bản hóa thế giới giữa những sự đau khổ.
“Giáo hội mang tinh thần ‘Tân Phúc Âm hóa’ nhận ra rằng, khi trao ban cho mọi người một khả thể thâm sâu và đi ngược lại trào lưu văn hóa đương thời – đó là tình bạn với Chúa Giêsu – Giáo hội đang mang đến cho thế giới hậu hiện đại một điều mà nó đang tuyệt vọng tìm kiếm: một cuộc gặp gỡ với Lòng thương xót của Thiên Chúa”, Tiến sĩ Weigel nói.
“Tin Mừng giải thoát con người hậu hiện đại khỏi chủ nghĩa hư vô đầy hoài nghi, khỏi thuyết hoài nghi, và khỏi gánh nặng tội lỗi vốn bắt nguồn từ một sự nhận thức – dù thầm lặng hoặc không được diễn đạt rõ – về sự khủng khiếp mà nhân loại đã gây ra cho chính mình trong suốt thế kỷ XX”, Tiến sĩ Weigel nói thêm.
Tiến sĩ Weigel cho rằng, “cuộc cách mạng Lêô” bắt đầu trong Giáo hội hơn một thế kỷ trước phải thúc đẩy các tín hữu Công giáo đi sâu hơn vào việc “dấn thân đi vào thế giới để hoán cải thế giới” với tư cách là những nhà truyền giáo trung thành với Tin Mừng.
“Một Giáo hội luôn mang tinh thần truyền giáo tìm cách trở thành một nền văn hóa kiến tạo cho thế giới, hướng đến việc chữa lành và hoán cải thế giới”, Tiến sĩ Weigel nói, đồng thời chỉ ra sự kém hiệu quả của một “Giáo hội lừng khừng”, vốn rụt rè, nguội lạnh và thiếu xác tín.
Minh Tuệ (theo CNA)