Một xã hội sẽ phát triển theo hướng nào nếu các cá nhân chỉ biết đến lợi ích của mình và gia đình mình? Liệu một gia đình có thể an toàn, có thể phát triển, có thể thành toàn, trong một xã hội thiếu sự liên đới như thế không?
aTrong một buổi sinh hoạt, giáo viên định gợi mở, nhắc học sinh hướng về xã hội, hướng về những người chung quanh, nên đã đặt câu hỏi: “Chúng ta có nhận được gì từ xã hội không? Chúng ta có cần nhớ ơn xã hội không? Chúng ta có cần đóng góp gì cho xã hội không?”
Và rồi, bên cạnh những câu trả lời bình thường, giáo viên này nhận được một câu trả lời với thái độ đặc biệt: “Không! Xã hội Việt Nam này không làm gì cho em, em không cần phải nhớ ơn xã hội, em chỉ cần nhớ ơn cha mẹ em” – Em học sinh lớp 11 giơ tay, đứng lên trả lời lễ phép, nhưng thái độ và giọng điệu, không che giấu được vẻ bức bối.
Đó la câu trả lời theo tôi là thật nhất trong các câu trả lời giáo viên nhận được ở buổi sinh hoạt ấy. Theo nghĩa, câu trả lời mang cảm xúc thật sự sâu sắc của người trả lời.
Tại sao em học sinh có thái độ khó chịu khi nói về mối tương quan giữa mình và xã hội?
Theo câu phát biểu của em, em không thấy xã hội Việt Nam hiện nay đem đến cho em điều gì tốt đẹp, từ đó, “theo lẽ công bằng”, em không thích khi nghe ai đó nói đến bổn phận của em đối với xã hội. (Theo kinh nghiệm, tôi còn gặp những ý tưởng ấy được truyền đến từ cha mẹ cho các em).
Thật ra, có khi nào cá nhân sống trong xã hội tuyệt đối không nhận được lợi ích gì từ xã hội không?
Không! Vì bản chất, con người có tính xã hội. Cá nhân luôn cần xã hội để tương tác và để thuộc về. Tiến trình thành Nhân của cá nhân luôn cần những cá nhân khác ở chung quanh, không chỉ trong gia đình. Vậy, cứ bỏ qua sự gọi là “mang ơn”, cá nhân vẫn cần xã hội, vì cá nhân không thể hoàn thành con đường hoàn thiện nhân cách mà không cần tương tác với ai, hoặc chỉ duy nhất với gia đình nhỏ bé của mình.
Với em học sinh nói trên, không những em tỏ vẻ không hài lòng mà còn thẳng thừng từ chối đóng góp cho xã hội.
Một xã hội sẽ phát triển theo hướng nào nếu các cá nhân chỉ biết đến lợi ích của mình và gia đình mình?
Liệu một gia đình có thể an toàn, có thể phát triển, có thể thành toàn, trong một xã hội thiếu sự liên đới như thế không?
Hay chọn giải pháp: Bỏ đi. Bỏ đi đến những nơi nào xã hội đã tốt đẹp hơn, sẽ làm gì đó cho chúng ta hơn?!…
Riêng với Kitô hữu, chúng ta được dạy rằng: “Tham gia (vào xã hội) là một nghĩa vụ mà mọi người phải chu toàn một cách ý thức, với tinh thần trách nhiệm và nhắm tới công ích”[1].
Tham gia, góp phần xây dựng và điều chỉnh hướng đi của xã hội, tuỳ khả năng, tuỳ vị trí của chúng ta, trong đời sống văn hóa, kinh tế, chính trị và xã hội của cộng đồng mà mình là thành viên. Nếu chúng ta có khả năng, bổn phận tham gia “không thể bị giới hạn hay bị thu hẹp trong một lĩnh vực nào đó của đời sống xã hội[2]”.
Cách thức tham gia có thể chủ động, có thể thụ động.
Chủ động trong việc xây dựng những điều tốt, những nền tảng tốt. Như việc tập hợp những cá nhân trong các nhóm, hội, giúp họ hoàn thiện, trưởng thành nhân cách, nuôi dưỡng ý thức phục vụ cộng đồng. Hay, chủ động trong việc ngăn cản, chống đối những điều xấu, những gì có hại cho cộng đồng. Như các nhóm kêu gọi, chống đối “tập quán” phá thai, chống đối việc chặt hạ cây xanh vô tội vạ, chống việc lạm quyền của những người thừa hành luật pháp.v.v…
Hoặc, thụ động qua sự bất hợp tác với những thứ dối trá, tha hoá con người, tha hoá môi trường xã hội. Như cương quyết không tham gia, hay không làm ngơ cho con em tham gia các phong trào thi đua với sự gian dối từ căn bản…
Hơn thế nữa, Giáo hội Công giáo còn dạy rằng: “Phải tạo những áp lực luân lý mạnh mẽ để việc quản trị đời sống công cộng là kết quả của việc mỗi cá nhân cùng nhau chia sẻ trách nhiệm đối với công ích.”[3]
Can Đê
Chú thích:
[1] x. Giáo lý Giáo hội Công giáo, 1913-1917.
[2] x. Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo hội Công giáo, số 189.
[3] x. như trên.