Ngày nay, sống mầu nhiệm nhập thể có nghĩa là sống sự nghèo khó cực độ mà những người anh em Pakistan đang phải đối mặt. Họ đến đây hàng đoàn, tìm kiếm quy chế tị nạn chính trị. Băng Cốc là điểm đến mà các tín hữu người Pakistan lựa chọn khi chạy trốn sự phân biệt đối xử hay tình trạng ngược đãi tôn giáo, bởi vì đây là nơi họ có thể dễ dàng đến với thị thực du lịch đồng thời chi phí đi đến đây cũng không quá lớn.
Giáng sinh tại Thái Lan nổi bật với sự mua sắm và năm nay, còn có sự hiện diện của các Kitô hữu Pakistan trốn chạy tình trạng bạo lực.
Tại cửa Nhà thờ Đấng Cứu Chuộc Thánh, một nhà thờ Công giáo lớn nhất tại Băng Cốc, có một bức tranh bắt mắt của tân vương Maha Vajiralongkorn, với dòng chữ “Đức Vua Rama X vạn tuế”. Điều này không có gì mới lạ hay khác thường cả. Khắp nơi đều có quà tặng, huy hiệu, hình ảnh và chân dung của vị tân vương, tại từng góc phố, tại các cửa hàng, doanh nghiệp tư nhân hay các cơ quan, địa điểm hay tổ chức nhà nước.
Mặc dù vua Maha Vajiralongkorn có một quá khứ “hoàng gia”, ít nhất là nói đến thói quen phung phí và lối sống không phù hợp, ông đã chính thức chấp nhận lời mời của Quốc hội, trở thành tân vương của Thái Lan. Con trai của vua Bhumibol quá cố, qua đời ngày 13/10 vừa rồi, sẽ cai trị với vương hiệu Rama X. Lễ đăng quang của tân vương dự kiến diễn ra cuối năm 2017, sau khi hỏa thiêu vương phụ quá cố của ông và kết thúc thời gian quốc tang của nước này.
Cha Attilio de Battisti , một nhà thừa sai “fidei donum” (Quà tặng Đức tin), đến từ giáo phận Padua nói rằng: “Sự mất mát của nhà vua và hoàng tộc có thể được nhìn thấy ở khắp nơi. Trong thời gian quốc tang, các hình ảnh ngày càng tăng lên. Hình ảnh của vua Rama IX thậm chí còn xuất hiện trên các hình xăm, trên các loại bánh và trang phục. Ngay cả tại các nhà thờ, cũng có những hình ảnh của ông cạnh bàn thờ và tại cửa vào. Điều này cho thấy một sự ghi nhận rõ ràng và thống nhất đối với một nhân vật hay là đối với những gì mà ông mang lại trên bình diện lớn. Điều này khiến người ta nghĩ đến sức mạnh của hình ảnh, một dấu chỉ truyền tải một thông điệp”. Hơn 10 năm qua, cha De Battisti cùng với các giáo phận khác tại khu vực Triveneto đã đồng hành một cộng đoàn với 6 vị thừa sai tại Thái Lan.
Vị linh mục này giải thích: “Nhu cầu về các dấu chỉ là một phần của lòng tín ngưỡng bình dân. Con người đến gần mầu nhiệm thông qua các dấu chỉ bên ngoài. Không ngạc nhiên khi Phật giáo – mặc dù có giáo huấn về sự trang nhã, không lòe loẹt của Đức Phật –[vẫn] đầy ắp các biểu tượng, nghi thức, vật dụng, hình ảnh, ý nghĩa và màu sắc”. Đó là lý do vì sao các nhà truyền giáo người Ý tại Thái Lan đang hi vọng rằng “Giáng sinh cũng sẽ trở nên cụ thể bằng hình ảnh, bởi vì sau cùng, đó cũng là điều mà sự nhập thể mang lại”.
Tại Thái Lan, một quốc gia chỉ có chưa đến 1% dân số là Kitô hữu, Giáng sinh không phải là một ngày nghỉ lễ. Các công dân theo Kitô giáo vẫn đi làm nhưng không có nghĩa là họ không mừng lễ. Ngày lễ này đã trở nên phổ biến, dù chỉ trong lãnh vực thương mại. Trẻ em Thái Lan quen thuộc với ông già Noel và cây thông Giáng sinh xuất hiện ở những khu đô thị hay khu du lịch.
Tuy nhiên, ngày hôm nay, sống mầu nhiệm nhập thể có nghĩa là sống sự nghèo khó cực độ mà những người anh em Pakistan đang phải đối mặt. Họ đến đây hàng đoàn, tìm kiếm quy chế tị nạn chính trị. Băng Cốc là điểm đến mà các tín hữu người Pakistan lựa chọn khi chạy trốn sự phân biệt đối xử hay tình trạng ngược đãi tôn giáo, bởi vì đây là nơi họ có thể dễ dàng đến với thị thực du lịch đồng thời chi phí đi đến đây cũng không quá lớn.
Theo Cao ủy Người Tị nạn của Liên hợp quốc, có hơn 12.000 người tị nạn đến từ Pakistan, phần lớn là Kitô hữu. Tuy nhiên Thái Lan không phải là thành viên kí kết Công ước Người Tị nạn năm 1951 hay Bộ quy tắc được điều chỉnh năm 1967. Nếu nước này không trao cho họ quy chế tị nạn, khi thị thực hết hạn, họ sẽ phải sống tại đây bất hợp pháp hoặc ngồi tù.
Lựa chọn duy nhất mà người tị nạn có thể làm là tìm đến các nhân viên địa phương của Cao ủy Nhân quyền, nhưng trong khi họ phải chờ đợi một quá trình xử lý thủ tục rối rắm, có thể lên đến 5 năm, những người Pakistan này bị giam trong những khu vực gồm các lều trại và sống trong tình trạng không phù hợp về nhân phẩm cũng như về mặt xã hội.
Các tổ chức nhân đạo, các giáo hội, các hiệp hội xã hội dân sự cũng như các nhà lãnh đạo Kitô giáo Pakistan đã chỉ trích sự bỏ rơi đối với những người tị nạn trong tình trạng vô nhân đạo. Bonnie Mendes, một linh mục người Pakistan sống tại Thái Lan và đứng đầu tổ chức Caritas Asia 11 năm qua, nói với tờ Vatican Insider rằng “điều kiện sống của những người tị nạn bị giam giữ đang ở dưới mức tiêu chuẩn của nhân phẩm. Lúc này châu Âu đang trải qua một giai đoạn lịch sử, với cuộc khủng hoảng nhân đạo liên quan đến dòng người nhập cư đông đảo. Do đó bạn cũng có thể hiểu tình trạng tại Đông Nam Á, ảnh hưởng đến các Kitô hữu người Pakistan tại Thái Lan và những người Hồi giáo người Rohingya tại Myanmar. Cần phải hành động khẩn cấp về điều này”.
Những người tị nạn này, họ chạy trốn khỏi bạo lực, sự phân biệt đối xử và đau khổ, giờ lại thấy mình ở trong một địa ngục mới, đón lễ Giáng sinh sau những song sắt tại một nơi giam giữ mà họ không thể bỏ đi đâu nữa.
P.B. chuyển ngữ